Khi robot nghĩ quẩn

TP - Mới đây, báo chí loan tin một robot ở Hàn Quốc tự sát vì "làm việc quá sức". Con robot làm nhân viên hành chính ở Hội đồng thành phố Gumi ấy được cho là đã "nhảy lầu" quyên sinh.

Sự việc hi hữu này thực ra đã xảy ra cách đây 5 tháng, khi người ta thấy nó "quay tròn tại chỗ" một lúc trước khi rơi xuống từ độ cao 2 mét. Con robot có quốc tịch Mỹ, là một trong những người máy đầu tiên trúng tuyển viên chức tại hội đồng thành phố này từ tháng 8/2023, đang được điều tra nguyên nhân cái chết xem có phải tai nạn lao động hay vì thứ gì khác.

Nếu đúng như lời đồn thì đây có lẽ cũng không phải là robot dân sự đầu tiên trên thế giới tự sát. Cuối tháng 7/2019, báo chí nước ngoài rầm rộ đăng tin robot Knightscope, nhân viên an ninh tại một khu mua sắm và văn phòng lớn ở Washington, DC (Mỹ), nhảy xuống hồ nước "tự kết liễu đời mình" Người ta nhảy xuống vớt cái cơ thể cao 1,5m nặng 136kg ấy lên nhưng không cứu được. Bao nhiêu đồn đoán, rằng chú buồn tủi vì mình không đủ chân đủ tay như con người, cộng thêm áp lực công việc nên đã "nghĩ quẩn"(!). Nơi chú ngã xuống, người ta kê một tấm đá đen như bia mộ, nhiều đồng nghiệp đến dự đám tang đặt lên đó hoa, nến và những bức ảnh chân dung của người bạn "xấu số".

Robot tự tử thực ra là do con người “bụng ta suy ra bụng máy” thôi. Con người lắm lúc còn chập mạch nữa là máy móc với điện đóm đầy người. Nhưng cũng không thể nói trước điều gì, vì biết đâu sơ đồ nhận thức mà con người dạy cho robot đến một lúc nào đó có thể trở thành ý thức, ý chí của một dạng sống mới. Công nghệ sinh học cũng đang sẵn sàng hướng tới việc tạo ra các loại sinh vật hữu cơ mới, thậm chí là những sinh vật hoàn toàn vô cơ.

Nhớ câu thoại trong bộ phim Tôi, Người máy (I, Robot) của Mỹ, đại ý rằng “luôn có những bóng ma trong cỗ máy. Không lường trước được những đoạn mã ngẫu nhiên một lúc nào đó tạo thành những giao thức bất ngờ, tạo ra những câu hỏi về ý chí tự do, sự sáng tạo, và thậm chí là thứ mà chúng ta vẫn gọi là linh hồn”. Bộ phim này ra đời từ 10 năm trước, vừa rồi lại rộ lên tranh cãi khi Elon Musk cho ra mắt sản phẩm robot Optimus được cho là "ăn cắp ý tưởng" từ robot NSS5 trong phim.

Cuộc tồn sinh dằng dặc của loài người cho đến lúc này, người và máy hoán đổi mọi thứ cho nhau, cũng vui thôi mà. Tôi đồ rằng tới đây ngành khoa học cơ bản phổ biến và quan trọng nhất, đó chính là dạy học cho máy. Đào sâu, mở rộng đến vô tận những khả năng và sự tưởng tượng của con người rồi giao cho người máy giải quyết. Còn chúng ta cũng có những người bạn robot bên cạnh, dạy cho chúng cách ăn chơi, yêu đương.

Chiều nay mưa phùn, và rất lạnh, robot ạ. Tao và mày có hiểu và tha thứ cho nhau?