Khi Phó Thủ tướng làm truyền thông thu hút đầu tư

TP - Trước hàng chục nhà đầu tư nước ngoài đến từ nhiều quốc gia, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, hơn 100 tập đoàn trong danh sách 500 tập đoàn hàng đầu thế giới (do Tạp chí Forbes bình chọn) đã có mặt tại Việt Nam.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trò chuyện với các nhà đầu tư ngày 16/10. Ảnh: Bá Anh

Một trong 20 nước ổn định chính trị nhất

Ngày 16/10, phát biểu tại một hội nghị các nhà đầu tư, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định, đây là dịp tốt để các nhà đầu tư cùng ngồi lại trao đổi, nhìn nhận về các triển vọng phát triển trong thời gian tới. Từ đó, đưa ra được những đánh giá, nhận định phù hợp, nhằm tìm kiếm những cơ hội đầu tư, kinh doanh tốt nhất cho mình tại Việt Nam.

“Tôi kêu gọi các nhà đầu tư tập trung đầu tư vào 5 lĩnh vực”, Phó Thủ tướng nói.

Theo đó, 5 lĩnh vực cần đầu tư gồm: Cơ sở hạ tầng đồng bộ các lĩnh vực (giao thông vận tải, năng lượng, y tế, giáo dục - đào tạo); tái cơ cấu đầu tư theo hình thức PPP; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; tái cơ cấu ngân hàng, giải quyết nợ xấu, phát triển thị trường vốn, tài chính; tái cơ cấu công nghiệp, nông nghiệp, năng lượng và công nghệ mới.

“Đã có 101 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam với hơn 17.000 dự án, tổng vốn đầu tư hơn 242 tỷ USD”.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải

Theo Phó Thủ tướng, tại báo cáo đầu tư thế giới năm 2014 của Diễn đàn Thương mại và Phát triển Liên Hợp Quốc (UNCTAD), dựa trên kết quả điều tra 164 tập đoàn xuyên quốc gia lớn trên thế giới, Việt Nam xếp thứ 9 về mức độ hấp dẫn đầu tư, tăng hai bậc so với năm 2013. Việt Nam cũng là một trong 20 nước ổn định chính trị nhất trên thế giới. Suốt 10 năm qua, Việt Nam luôn duy trì tăng trưởng GDP ở mức 7-8%/năm.

“Trong khi nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ chịu tác động nặng nề của khủng hoảng kinh tế thế giới, Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng GDP bình quân 5-6%/năm và giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô với tỷ lệ lạm phát thấp khoảng 6-7%”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng cũng cho biết, sau hơn 25 năm mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam đã trở thành một địa chỉ tin cậy và hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài.

Sẵn sàng nêu ra những nhược điểm

Trước các nhà đầu tư, Phó Thủ tướng cũng thẳng thắn: “Bên cạnh các kết quả khả quan, nền kinh tế Việt Nam vẫn còn có nhiều khó khăn thách thức. Lạm phát được kiềm chế, nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ tăng trở lại. Nợ xấu ngân hàng thương mại còn cao (khoảng 4,17%). Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, số giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động trong 9 tháng là hơn 48.000 doanh nghiệp”.

Ông Andy Ho, Giám đốc điều hành, Trưởng bộ phận đầu tư của Tập đoàn VinaCapital cũng cho biết, hiện đồng USD đang ổn định khiến giá dầu thế giới giảm. “Nhưng nếu đồng USD mất giá khiến giá dầu tăng cao sẽ tác động tới Việt Nam. Giá dầu tăng, chắc chắn sẽ khiến lạm phát Việt Nam tăng theo”, ông Andy Ho nói.

Để các nhà đầu tư “tham khảo”, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, trong năm 2015, Chính phủ Việt Nam sẽ thực hiện các giải pháp đồng bộ để đạt được các mục tiêu: GDP tăng khoảng 6,2% so với năm 2014; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10% so với năm 2014, trong khi tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu ở mức 5%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) khoảng 5%; FDI thực hiện khoảng 9 tỷ USD; ODA ký kết năm 2015 dự kiến đạt hơn 5 tỷ USD.

Theo Phó Thủ tướng, để đạt được mục tiêu trên, các giải pháp chủ yếu cho năm 2015 gồm: Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển bền vững.

Trong đó, tập trung vào 3 lĩnh vực quan trọng nhất là tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng tài chính và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Trong đó, Chính phủ Việt Nam ưu tiên thực hiện 3 đột phá chiến lược: Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính; phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, tập trung vào hệ thống hạ tầng giao thông và hạ tầng đô thị lớn.

Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh việc cổ phần hóa DNNN, theo hướng sẽ hạn chế tham gia vào những lĩnh vực mà khu vực tư nhân có thể đảm đương, bao gồm cả việc tham gia cung ứng dịch vụ công.

Theo Phó Thủ tướng, việc cổ phần hóa DNNN sẽ giúp cơ hội đầu tư kinh doanh được mở ra cho khu vực tư nhân, gồm cả lĩnh vực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cung cấp dịch vụ công theo mô hình đối tác công tư (PPP), hiện đang có nhu cầu lên tới hàng chục tỷ USD.

“Đây là cơ hội rất tốt cho các nhà đầu tư nước ngoài để đầu tư các dự án ưu tiên thu hút đầu tư theo đúng chủ trương của Chính phủ Việt Nam”, Phó Thủ tướng nói.