Thiếu cả chất lẫn lượng
Theo NSƯT Hoàng Đạt- PGĐ Nhà hát Cải lương Việt Nam, thông thường, một dàn nhạc cải lương đầy đủ để có thể biểu diễn thì phải từ 15 - 18 nhạc công. Một dàn nhạc cải lương phải hội tụ đàn guitar phím lõm, đàn kìm, đàn cò, đàn tranh, đàn bầu. Ngoài ra, còn bổ sung thêm violon, sáo trúc, trống jazz, kèn trumpet… để làm tính năng hỗ trợ biểu diễn.
Một dàn nhạc chèo cũng phải đủ trống, nhị, nguyệt, bầu, sáo. Nhạc chèo còn sử dụng thêm hồ, tam thập lục, tiêu, mõ, não bạt, sinh tiền, tiu, cảnh, chiêng, chũm chọe... Một dàn nhạc tuồng thường phải có trống, nhị, kèn, mõ, cồng, thanh la. Bên cạnh đó phải còn có thêm chuồng chìa, tang đẩu, kèn, sáo, hồ, tam, tứ, nguyệt, tranh, bầu…
Tuy nhiên, hiện nay, hầu như nhà hát nào cũng rơi vào tình trạng thiếu nhạc công. Lãnh đạo Nhà hát Cải Lương Việt Nam cho biết, năm 2012, nhà hát có 14 nhạc công, vẫn là ít so với chỉ tiêu, nhưng đến nay, chỉ còn 6 người, và không phải ai cũng chơi nhạc giỏi. NSƯT Đặng Bá Tài, Trưởng phòng Nghệ thuật Nhà hát Tuồng Việt Nam tiết lộ, nhà hát có hơn 10 nhạc công nhưng phải chia cho hai đoàn biểu diễn nên cũng không đủ đáp ứng yêu cầu nghệ thuật. Nhà hát Chèo Việt Nam có khá hơn, mỗi đoàn có trung bình 10 nhạc công, nhưng lại thiếu những nhạc công thực sự tài năng.
Từ năm 2014, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã để các nhà hát sân khấu dân tộc hàng đầu như chèo, tuồng, cải lương thí điểm tự chủ tuyển sinh, đào tạo nhạc công nhưng đến nay, chỉ có Nhà hát Chèo Việt Nam tuyển tương đối đủ so với dự kiến. Hai nhà hát còn lại tuyển được ít thí sinh, thậm chí có thí sinh bỏ ngang không học sau khi đã trúng tuyển.
Bên cạnh đó, do sức ép của xã hội hóa, để tiết kiệm chi tiêu, một số nhà hát đã “cắt xén” bớt nhạc công. Thiếu người nên nhiều nhạc công phải chơi cùng lúc 2-3 nhạc cụ trên sân khấu. Tuy nhiên, trong trường hợp phải hòa tấu đa dạng các loại nhạc cụ khác nhau, thì chịu.
“Xu hướng bây giờ ở các nhà hát là khoán cho các nhạc sĩ thu đĩa sẵn, lên sân khấu chỉ việc bật nhạc, diễn viên hát theo nhạc. Vài ba nhạc công thưa thớt ngồi góc cánh gà. Nhạc làm sẵn nên đôi khi diễn viên hát một đằng, nhạc một nẻo, vẫn phải chịu. Sân khấu truyền thống cứ nghiệp dư hóa dần đi.”- NSƯT Hoàng Đạt thẳng thắn nhận định.
Cơm áo không đùa với... nhạc công
Là một nhạc công có hơn 30 năm kinh nghiệm ở Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, NSND Xuân Hoạch nhớ lại, hồi ông mới vào nghề, cat-xe một đêm diễn chỉ đủ… ăn một bát phở. Nay, số tiền đã tăng lên, nhưng cũng không đáng là bao. “Mỗi đêm diễn, chơi nhạc rạc cả tay nhưng nhạc công cũng chỉ nhận được 150- 200 ngàn đồng bồi dưỡng. Đi diễn xa thì anh em phải tự túc ăn uống nên nhiều khi không lỗ cũng là may”- ông cười bảo.
Lương thấp, đời sống khó khăn nên các nhạc công cũng phải tất tả chạy sô kiếm sống. Người may mắn thì vẫn được chơi nhạc nhưng là chơi trong các lễ hội làng, đám ma, lễ cúng bái tại gia. Một nghệ sĩ tiết lộ, hầu hết các đội chơi nhạc đám ma, đám hiếu ở Hà Nội đều là dân nhạc công của... nhà hát Tuồng Việt Nam.
Một số khác thì tham gia các đội hát văn. Thậm chí,có người còn bỏ hẳn nghề nhạc công để đi học hát văn, theo các đám hầu bóng, hầu đồng bởi thu nhập rất khá, gấp hàng mấy lần lương nhà hát.
Các nhạc công trẻ nhanh nhạy hơn thì ngoài khả năng chơi sáo, nhị, đàn bầu... còn học thêm guitar, organ, piano... để đi diễn ở các điểm nhạc sống, đám cưới, tiệc tùng… Số khác nữa thì làm đủ thứ nghề lao động chân tay. Thậm chí, theo NSND Xuân Hoạch kể lại, có những người sau hàng chục năm mang mác nhạc công của nhà hát này nọ nhưng thu nhập chính nuôi gia đình vẫn là nghề... xe ôm.
Một nhạc công trẻ (xin giấu tên) ngậm ngùi: “Vào mùa lưu diễn cao điểm hay lễ Tết, chúng tôi cũng phấn khởi đi khắp nơi phục vụ khán giả ở nhiều địa phương. Nhưng, sau niềm vui ấy, vẫn là tiếng thở dài. Đi xa nhà cả tháng trời, trừ đi tiền ăn uống phải tự túc, mỗi người mang về được hơn triệu đồng, có người chỉ được năm bảy trăm ngàn tiền bồi dưỡng”.
Mất gần chục năm để học hành, rèn luyện, có nghề trong tay nhưng các nhạc công cũng chỉ nhận một mức lương theo hệ số nhà nước như mọi ngành nghề khác. Công việc của họ lại chỉ đứng sau hậu trường, hai bên cánh gà hoặc dưới sân khấu, làm nền cho những vở diễn, tôn vở diễn và diễn viên lên. Khán giả không biết mặt, nhớ tên. Khi cơ chế, chính sách về thu nhập cho nghệ sĩ chưa được cải thiện và nghệ thuật truyền thống không đem lại thu nhập cao cho nghệ sĩ thì khó có thể khuyến khích các nhạc công theo đuổi, gắn bó với nghệ thuật truyền thống.
“Làm nghệ thuật muốn giỏi nghề thì phải khổ luyện. Nếu lương cao thì mình còn yêu cầu người ta phải tập cả ngày, làm thế này thế nọ, nhưng lương thấp quá cũng khó nói. Bản thân tôi cũng là một nhạc công hơn 40 năm trong nghề đi lên nên hiểu hơn ai hết hoàn cảnh của anh em”- NSƯT Hoàng Đạt bày tỏ.
Không ung dung ngồi một chỗ chờ lớp kế cận xuất hiện, những nghệ sĩ tâm huyết với nghề đã tự xắn tay đi tìm các tài năng trẻ. Bên cạnh việc đào tạo nhạc công ở Nhà hát Cải lương Việt Nam, NSƯT Hoàng Đạt còn mở lớp dạy nghề, truyền nghề cho các nhạc công trẻ. Tuy đã nghỉ hưu từ năm 2012, NSND Xuân Hoạch vẫn cùng các nghệ sĩ tham gia giảng dạy hát xẩm, biểu diễn các nhạc cụ dân tộc cho các bạn trẻ tại Trung tâm Phát triển âm nhạc Việt Nam.
Để có vài chục học viên, ông Phạm Ngọc Tuấn cùng với các nghệ sĩ ở Nhà hát Tuồng Việt Nam đã phải tự đi khắp các ngõ ngách, vùng miền để tuyển sinh. “Ở nghề khác, về hưu là nghỉ, không vướng bận gì. Nhưng làm nghệ thuật, lại là nghệ thuật truyền thống, thì các nghệ sĩ cũng vì cái tâm yêu nghề, trách nhiệm với nghề mà lặn lội đi tìm lớp kế cận, những người thực sự đam mê và dám dấn thân”- Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam chia sẻ.
Một nghệ sĩ tiết lộ, hầu hết các đội chơi nhạc đám ma, đám hiếu ở Hà Nội đều là dân nhạc công của... nhà hát Tuồng Việt Nam.