Khi đạo diễn suýt phải ngồi tù vì phim
>> Đạo diễn Jafar Panahi chịu án 6 năm tù
Trên thế giới không thiếu những bộ phim kinh dị chém giết máu me tàn bạo. Nhưng vượt quá sức tưởng tượng, đến nỗi người xem có cảm giác đây là chuyện thật như Cannibal Holocaust (tạm dịch Bữa tiệc thịt người), thì lịch sử điện ảnh chỉ có một.
Cảm hứng từ những câu chuyện thật
Ruggero Deodato là một đạo diễn hạng B của Ý, chuyên làm những phim kinh dị rẻ tiền. Năm 1977, ông vụt gây được sự chú ý ở châu Âu với bộ phim The Last Cannibal World (Thế giới ăn thịt người cuối cùng), kịch bản Gianfranco Clerici, có nhiều cảnh man rợ và trần trụi. Năm 1979, các nhà làm phim ở Đức mời Deodato đạo diễn một bộ phim có chủ đề tương tự The Last Cannibal World. Ông chấp nhận và ngay lập tức mời lại Gianfranco Clerici viết kịch bản Cannibal Holocaust.
Deodato tình cờ biết câu chuyện về cái chết rùng rợn của một đoàn phim tài liệu khi đi thám hiểm những bộ lạc ăn thịt người ở châu Phi. Bộ phim tài liệu ngoài đời thật mà Deodato đã xem ấy đã bị hủy sau khi nó được phát hiện. Điều này đã tạo nên cảm hứng cho Cannibal Holocaust. Phim kể câu chuyện về bốn nhà làm phim tài liệu làm một cuộc hành trình vào rừng sâu để quay phim những bộ lạc thổ dân.
Hai tháng sau, không thấy tăm hơi họ trở về, nhà nhân loại học nổi tiếng Harold Monroe thực hiện một chuyến đi giải cứu nhằm tìm cho ra nhóm người bị mất tích. Cuối cùng, anh chỉ tìm được những hộp phim thất lạc của họ, rồi về nhà phục chế và xem. Chúng đã hé lộ định mệnh bi thảm của các nhà làm phim bị mất tích.
Kiểu làm phim chưa từng thấy trên đời
Diễn viên chính trong Cannibal Holocaust chỉ có 5 người, phần lớn là diễn viên sân khấu thiếu kinh nghiệm ở New York, được chọn một cách lạ đời. Carl Gabriel Yorke được chọn vì anh… mặc vừa tất cả các trang phục đã được mua từ trước, trong đó có giày cỡ 10½! Việc chọn Luca Barbareschi và Francesca Ciardi bắt nguồn từ việc Deodato cần hai diễn viên Ý biết nói tiếng Anh. Ông quyết định làm phim này bằng tiếng Anh để thu hút nhiều khán giả và… có “uy tín” hơn.
Tuy nhiên, một bộ phim châu Âu cần phải có quốc tịch chính thức để bảo đảm được lưu hành tự do trong các nước châu Âu mà theo luật pháp Ý, để Cannibal Holocaust được công nhận là một bộ phim Ý, Deodato cần phải có ít nhất hai diễn viên chính nói tiếng Ý lưu loát như tiếng mẹ đẻ.
Bộ phim bấm máy ngày 4-6-1979 tại rừng mưa nhiệt đới Amazon. Hầu như không diễn viên nào được cho biết kịch bản hay nội dung phim. Họ mù mờ không biết bộ phim này là một xuất phẩm Hollywood, hay chỉ là một bộ phim tài liệu quay cảnh giết người thật. Áp lực trên phim trường rất cao, một phần do nội dung phim và địa điểm quay vô cùng hiểm trở, cả đoàn phải di chuyển bằng thuyền độc mộc đi sâu vào rừng già Amazon.
Các diễn viên mô tả đạo diễn Deodato là kẻ tàn bạo, vô nhân đạo. Suốt quá trình quay, ngày nào ông cũng tranh luận với các diễn viên bằng những lời lẽ thô tục khó nghe. Những diễn viên khác phản đối nội dung phim gồm nữ diễn viên Francesca Ciardi, người không muốn để lộ ngực trong cảnh làm tình giữa cô và Carl Yorke. Khi cô từ chối tuân theo sự chỉ đạo của Deodato, ông lôi cô ra khỏi phim trường và chửi thẳng vào mặt cô bằng tiếng Ý.
Nhưng thật khôi hài là nam diễn viên Carl Gabriel Yorke trong một cuộc phỏng vấn đã kể lại rằng khi diễn tập cảnh làm tình với nữ diễn viên này, cô đột nhiên đề nghị với anh rằng hai người nên đi ra giữa rừng “làm tình thật”… để khi quay đỡ bị căng thẳng! Yorke sửng sốt và từ chối với lý do mình đã có người yêu ở New York. Kết quả là, Ciardi rất bực mình và xa lánh anh ta trong suốt toàn bộ thời gian quay.
Ghê rợn nhất là cảnh cắt xén thân thể được thực hiện bằng cách sử dụng những hình nộm xác người và các bộ phận của một tử thi ngoài đời thật để đạt được tính hiện thực! Thân dưới của xác chết được mua rẻ từ một nạn nhân vô danh… bị rơi đầu trong một tai nạn xe hơi. Sự kiện kinh khủng này đã được che giấu suốt nhiều năm vì sợ nó sẽ khiến bộ phim bị cấm chiếu ở hầu hết các nước.
Một khía cạnh đặc biệt dẫn tới sự bất đồng trong ê-kíp làm phim là việc giết các con vật thật. Những con vật bị giết không thương tiếc trong phim đều là thật để tạo hiệu ứng trên màn ảnh, sau đó được cho lại các bộ lạc để làm thức ăn. Ban đầu Deodato có một cái đầu con khỉ giả với bộ óc giả trong đó để cho dân bản địa ăn thay vì giết và ăn một con khỉ thật. Tuy nhiên, những người dân bản địa ấy… lại không chịu, vì óc khỉ là món khoái khẩu của họ! Đến nước đó, ông đành phải chiều họ...
Dù nhân vật của mình trong phim thực hiện hành vi tàn ác, nhưng diễn viên Perry Pirkanen đã khóc sau khi đóng cảnh giết rùa. Đạo diễn Deodato giờ đây cũng rất hối hận về mọi thứ mà ông đã làm, nhất là việc giết các con vật thật. Ông có lần nói rằng mình giờ ước gì chưa bao giờ làm bộ phim khát máu đó.
Lần đầu tiên trong lịch sử đạo diễn phải ra tòa
Cannibal Holocaust được công chiếu vào ngày 7-2-1980 tại thành phố Milan, Ý. Bị một vài chức sắc phàn nàn, bộ phim đã bị tòa án tịch thu và cấm chiếu chỉ sau đó 10 ngày, đồng thời đạo diễn Deodato bị bắt giữ. Thế nhưng dù mới chiếu có 10 ngày, bộ phim đã thu về khoảng 2 triệu USD (tương đương với khoảng 5 triệu USD ngày nay), gấp 10 lần vốn đầu tư ban đầu là 200.000 USD!
Tranh cãi đầu tiên quanh việc phát hành bộ phim là do người ta tin rằng Cannibal Holocaust là một bộ phim Snuff (phim tài liệu quay cảnh giết người thật), hoặc các diễn viên bị sát hại để bấm máy cái chết của họ cho bộ phim. Tòa án không chỉ tin rằng bốn diễn viên đóng vai đoàn phim bị mất tích ấy bị giết để quay trước ống kính, mà còn tin rằng nữ diễn viên trong cảnh bị đóng cọc xiên qua người, thực sự bị xiên cọc đúng theo kiểu như trong phim!
Vấn đề trở nên tồi tệ hơn cho Deodato, vì các diễn viên đã ký hợp đồng với ông và các nhà sản xuất để bảo đảm rằng họ sẽ không xuất hiện trên bất kỳ phương tiện truyền thông, phim, hay các chương trình quảng cáo nào trong một năm sau khi bộ phim được phát hành để các khán giả tin rằng đó thực sự là phim tài liệu được tìm thấy (!). Do đó, khi Deodato khẳng định rằng đoàn làm phim không bị giết thì câu hỏi được đặt ra là nếu họ còn sống thì tại sao chẳng thấy bóng dáng của các diễn viên ấy trên đời?
Cuối cùng, trước sự quyết liệt của tòa án, Deodato đành phải thú nhận rằng cảnh tàn bạo ấy trong phim là được dàn dựng, giải phóng các diễn viên khỏi ràng buộc của hợp đồng… Tuy nhiên, ông vẫn phải chứng minh rằng cảnh xiên người trong phim chỉ là một hiệu ứng đặc biệt.
Tại tòa, ông giải thích cách thực hiện hiệu ứng ấy: Một cái yên xe đạp được gắn ở đầu một cây cọc sắt, rồi một nữ diễn viên ngồi lên. Sau đó, cô giữ một một khúc gỗ balsa ngắn trong miệng và nhìn lên trời, để tạo ra vẻ mình bị xiên. Deodato cũng cung cấp những bức ảnh cô gái ấy tương tác với ê-kíp làm phim sau khi cảnh ấy đã được bấm máy. Sau khi họ trình bày bằng chứng này, tòa mới bác bỏ mọi cáo buộc sát nhân đối với Deodato!
Dù Deodato được giải tội giết người, tòa vẫn quyết định cấm chiếu Cannibal Holocaust vì đã giết động vật thật. Còn nhà sản xuất, biên kịch và đại diện của hãng United Artists đều bị án tù treo 4 tháng! Deodato tranh đấu tại tòa thêm 3 năm nữa để bộ phim của mình không bị cấm chiếu. Người ta cũng khẳng định Cannibal Holocaust bị cấm ở hơn 50 nước, đẩy Cannibal Holocaust vào trung tâm của những cuộc tranh cãi cho tới tận ngày nay.
Cannibal Holocaust được đánh giá là rất tân tiến về cấu trúc cốt truyện. Cụ thể là với khái niệm “đoạn phim được tìm thấy” được mang trả lại thế giới văn minh, và sau đó được xem để xác định số phận của đoàn phim đã quay nó. Những bộ phim sau đó, chẳng hạn như The Last Broadcast và The Blair Witch Project, sử dụng những cấu trúc cốt truyện tương tự như cách của Deodato đã làm trước đây.
Theo Bá Vũ
Thể thao Văn hóa