Khánh Ly “hết duyên” với Hà Nội?

TP - Lần trở về Hà Nội thứ hai của Khánh Ly gây chú ý bởi vấn đề bản quyền. Do không tìm được tiếng nói chung với nhà tổ chức (Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam và Cty Đồng Dao), đích thân Giám đốc Trung tâm Bảo vệ Quyền Tác giả Âm nhạc Việt Nam đã đến địa điểm biểu diễn trước giờ mở màn khoảng 1 tiếng với ý định ban đầu là ngăn chặn đêm nhạc diễn ra.
Khánh Ly tặng hoa tri ân khán giả vào cuối đêm diễn. Ảnh: N.M.Hà

Lý do: đơn vị tổ chức không chịu thực hiện nghĩa vụ tác quyền, gọi điện không nhấc máy. Mãi nửa giờ trước khi mở màn, Trung tâm Bảo vệ Quyền Tác giả Âm nhạc Việt Nam (xin được gọi tắt là Trung tâm) và đơn vị tổ chức gồm đại diện Cty Đồng Dao và Tầm Nhìn Việt mới gặp được nhau tại căng-tin của Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình.


Đêm nhạc Khánh Ly in Hà Nội diễn ra tối 2/8. Được biết trước đó một ngày, đơn vị tổ chức đã chủ động liện hệ với Trung tâm và tự đưa ra mức tác quyền 1,5 triệu/bài. Gia đình Trịnh Công Sơn gửi thư cho Trung tâm tỏ ý không đồng tình với cách tính đổ đồng này. Tại cuộc gặp, đại diện Trung tâm đưa bản sao lá thư cho ông Sơn - Giám đốc Cty giải trí Đồng Dao. Ông Sơn hỏi ông Phương: “Nếu chúng tôi trình được giấy của Trịnh Công Sơn cho phép Khánh Ly hát miễn phí tất cả ca khúc của ông thì sao?”. Trung tâm khẳng định nếu tờ giấy đó có và có tính hợp pháp thì sẽ xem xét. Hỏi kỹ ra thì ông Sơn chỉ giả định vậy thôi. 

Mức tiền tác quyền chung của Trung tâm quy định cho các chương trình ca nhạc ở Hà Nội là 5% của 75% tiền bán vé tính theo giá vé trung bình. Trong khi đó, đơn vị tổ chức Khánh Ly in Hà Nội than rằng chỉ mới bán được 30% vé. Họ mang cả va-ly đựng vé thừa làm bằng chứng. Sau một hồi điều đình, Trung tâm linh động thay con số 75 bằng 40%. Và tiền bản quyền đơn vị tổ chức phải nộp là gần 180 triệu. Hợp đồng được ký tại chỗ, còn tiền mặt sẽ được ông Sơn mang đến Trung tâm sau.

Live concert Khánh Ly hồi 9/5 tại Hà Nội nộp cho Trung tâm hơn 230 triệu đồng. Với giá vé tương đương, đêm nhạc này được xem là thành công về thương mại. Vì sao chỉ sau 3 tháng, Khánh Ly từ đắt hàng đã chuyển sang ế?! Câu trả lời chính là khoảng thời gian 3 tháng - quá ngắn để khán giả lại có nhu cầu tái ngộ Khánh Ly - trong một đêm nhạc không cho thấy nhiều cái mới ngoài các khách mời mới.

Với mức giá vé cao nhất lên tới 3,5-4 triệu đồng, nhà tổ chức mặc nhiên quy định chỉ có lớp khán giả trung lưu trở lên mới đến được với Khánh Ly. Ở Hà Nội, lớp khán giả đó chưa đủ đông để lấp đầy đêm nhạc Khánh Ly lần nữa. Giá mà bà đủ “dũng cảm” để không nhận lời mời quay lại Mỹ Đình vào lúc này, có lẽ tốt hơn cho thương hiệu Khánh Ly. Khánh Ly từng chia sẻ muốn đi khắp tỉnh thành để hát và nói lời cảm ơn khán giả đã yêu thương bà. Nếu chuyến xuyên Việt đó thành hiện thực và Hà Nội là điểm kết thúc thì may ra vé sẽ bán tốt hơn, kèm điều kiện Khánh Ly phải hướng đến đối tượng khán giả rộng rãi hơn. 

Không có cuộc họp báo cho lần về Hà Nội hát hồi tháng 5, lần này Khánh Ly dành cho báo giới Hà Nội một cuộc gặp. Nhưng có lẽ quá cận đêm diễn, không thể đảo ngược tình hình. Trước đó bà thăm trẻ mồ côi tại một ngôi chùa nhưng lại ở TPHCM. Nhà tổ chức Khánh Ly in Hà Nội thừa nhận đã phải cho vé nhưng cũng không dám cho quá nhiều vì sợ khán giả mất thói quen mua vé những chương trình sau. Khánh Ly lần này cũng tỏ ra chiều khán giả hơn, không rời sàn diễn ngay sau khi chương trình kết thúc như lần trước mà nán lại chụp ảnh lưu niệm và ký tên lên mặt sau của những tấm vé. 

Chương trình bắt đầu muộn gần 1 tiếng vì phải chờ khán giả đội mưa đến lấp dần những hàng ghế trống. Đêm diễn kết thúc, trời vẫn mưa nặng hạt. Tổ chức biểu diễn trong tháng ngâu ở Hà Nội cũng là sự phiêu lưu. Bất chấp bất cập về mặt tổ chức, Khánh Ly vẫn đảm bảo tốt chuyên môn, “át vía” tất cả khách mời từ Lệ Thu cho tới Khánh Hà. Riêng Khánh Hà có vẻ không có duyên với Hà Nội. Cách đây 7 năm, chị từng gặp cảnh “chợ chiều” trong đêm diễn riêng cũng trên sân khấu này thì lần này lại lâm vào tình trạng mất giọng dẫn đến hát phô và bỏ nốt. 

Riêng nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 vì không hát nên còn thăng hoa được với Khánh Ly(!). Ông đệm đàn vẫn đầy lực và cảm xúc trong bài Diễm xưa - Khánh Ly hát nửa đầu bằng tiếng Nhật, cũng là để kỷ niệm lần lưu diễn tại Nhật của 2 người năm 1970. Ông run run tâm sự: “Lần gặp Khánh Ly này với tôi như một giấc mơ”.

Sau đó Khánh Ly hát Tình lỡ nhưng có lẽ bài hát có phần ủy mị này không hợp lắm với giọng bà cũng như không khí chung của đêm diễn. Cũng như vậy các tình khúc của Phạm Duy, Trường Sa, Trần Quảng Nam… chưa chắc ăn giơ với đêm nhạc gồm chủ yếu các bài Trịnh Công Sơn, lại còn qua giọng hát Khánh Ly. Hai chất liệu đó kết hợp lại tạo nên một không gian riêng khó mà phá vỡ. 

Tất nhiên ở tầm tuổi này, Khánh Ly khó còn có thể đi chân trần hát ở sân vận động cho đúng biệt danh “Nữ hoàng chân đất”, nhưng nếu ai đó tổ chức cho bà những chương trình đại trà hơn hướng đến đông đảo khán giả thì có lẽ Khánh Ly sẽ tiếp tục ghi điểm trong lòng người yêu nhạc chứ không đến nỗi “ế” như đêm 2/8 tại Mỹ Đình.