“Khám sức khỏe cho... người chết”: Chân dung một giám đốc ngành y

TP - Không chỉ nhân bản giấy khám sức khỏe bán lấy tiền, không cần biết người mua bệnh tật hay đã chết, ông Phạm Minh Sơn (GĐ Trung tâm Y tế dự phòng huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) còn bị tố cáo có nhiều sai phạm khác. 

Cấp phát hóa chất quá đát


Tại phòng Y tế thị xã Ba Đồn (mới chia tach từ huyện Quảng Trạch) vẫn còn lưu giữ nhiều tài liệu phản ánh việc ông Sơn làm liều, cấp phát Cloramin B hết hạn sử dụng cho người dân vùng lũ. Theo đó, sau trận lũ lịch sử đầu tháng 9/2007, Trung tâm Y tế dự phòng (YTDP) huyện Quảng Trạch được chỉ định cấp phát Cloramin B cho người dân trên địa bàn để xử lý nước uống, nhưng loại hóa chất này đã hết hạn hơn 4 tháng.   

Anh Đàm Thế Mạnh, cán bộ phòng Y tế thị xã Ba Đồn, người trực tiếp điều tra vụ Cloramin B quá đát nhớ lại: Ngoài số Cloramin B người dân không biết quá đát đã mang ra sử dụng, đoàn của anh Mạnh thu hồi được 1.700 viên Cloramin B quá đát.

Sau đó, huyện đã thành lập hội đồng và tiêu hủy số thuốc nói trên. Tuy nhiên không hiểu sao cả lãnh đạo huyện Quảng Trạch và Sở Y tế Quảng Bình ngày đó không hề đưa ra hình thức xử lý đối với ông Sơn và điều tra nguồn gốc cua số thuốc nói trên từ đâu ra. 

Nói về việc không ai chịu trách nhiệm trong vụ việc trên, ông Nguyễn Song Hà, nguyên Trưởng phòng Y tế huyện Quảng Trạch và nay là Trưởng phòng Y tế thị xã Ba Đồn cho biết: Thanh tra về việc cấp phát hóa chất quá hạn là trách nhiệm của phòng ông, còn xử lý sai phạm lại thuộc quyền của lãnh đạo huyện và Sở Y tế nên ông không được rõ.

Ông Tùng kể lại vụ bị cha con ông Sơn đánh vì đi chậm 10 phút
Đánh người

Sở Y tế Quảng Bình đã cử đoàn thanh tra tất cả các nội dung đơn tố cáo của người dân và thông tin từ báo chí, thời hạn là 60 ngày nên chưa có kết quả để thông tin.

Ông Nguyễn Đức Cường- Giám đốc Sở Y tế Quảng Bình

Nhiều người từng làm việc với ông Sơn nói rằng, ông Sơn đã chửi bơi, đánh đập một số người, trong đó có chị Cao Thị Hồng (Bệnh viện Đa khoa Bắc Quảng Bình), ông Nguyễn Doãn Tùng (65 tuổi, bảo vệ Trung tâm YTDP huyện Quảng Trạch).

Tại nhà riêng của mình, ông Tung kể rằng, đã nghỉ làm bảo vệ ở Trung tâm YTDP huyện Quảng Trạch sau khi bị cha con ông Sơn đánh. Ông Tùng nguyên là kỹ sư, làm việc ở xí nghiệp 483 - Phà Bắc. Sau khi nghỉ hưu, vì phải nuôi vợ ốm liệt giường, ông xin vào làm bảo vệ ở Trung tâm YTDP huyện Quảng Trạch để kiếm thêm thu nhập 700 nghìn đồng/tháng.   

Cách đây 2 năm, đến giờ trực (18h hằng ngày) nhưng do vợ lên cơn co giật, ông Tùng phải nhờ người tiêm cho vợ nên đến muộn 10 phút. Khi đến nơi, ông Tùng thấy ông Sơn và con trai (làm ở Trung tâm Văn hóa huyện Quảng Trạch) đứng ngay cổng. Biết mình đến trễ 10 phút là sai, ông Tùng đã nhanh nhẩu mở lời xin lỗi và nói rõ lý do đi muộn. 

Tuy nhiên, ông Sơn đã không thông cảm mà liên tục chửi bới, mạt sát và đòi đuổi ông Tùng. Ông Tùng lên tiếng nói lời phải trái thì ngay lập tức, ông Sơn xông đến nắm cổ áo ông Tùng, đồng thời con trai ông Sơn xông vào liên tục đấm đá.

Không dừng lại ở đó, cha con ông Sơn thay nhau đè ông Tùng ra sân đánh đập. Mọi người thấy vậy vào can ngăn, cha con ông Sơn mới buông ra. Ông Tùng mặt mũi bê bết máu.

Phòng Y tế thị xã Ba Đồn còn lưu giữ biên bản sự việc ông Sơn tự ý đập khóa cổng của Phòng Y tế, hành hung ông Nguyễn Song Hà (Trưởng phòng Y tế huyện Quảng Trạch) khi ông Hà ra can thiệp. Phòng Y tế huyện thường khóa cổng chính, đi cổng phụ để tránh việc trâu bò, người dân vào buôn bán lộn xộn trong khuôn viên.

Ông Sơn vẫn thường đi tắt qua cổng này để đến cơ quan. Ngày 31/8/2010, khi bảo vệ của Phòng Y tế chưa kịp mở khóa để ông Sơn đi, ông này tìm búa đập khóa cổng của Phòng Y tế huyện, ông Hà ra can ngăn thì bị ông Sơn hành hung.

Ông Mạnh, người thu hồi 1.700 viên Cloramin B quá đát, nói rằng, cũng bị ông Sơn mạt sát, hành hung và dọa đuổi việc. Tất cả những vụ việc trên đều có biên bản và đơn tố cáo.

Tuyển người qua mặt cấp trên 

Theo tố giác của người dân, từ đầu năm đến nay, lợi dụng chia tách huyện, ông Sơn đã tự ý hợp đồng lao động 9 vị trí. Theo thống kê của người dân, 9 trường hợp được ông Sơn hợp đồng đều là con cháu của các doanh nghiệp trên địa bàn, trong lúc con của những đối tượng chính sách và người dân bình thường không được nhận hồ sơ. 

Trao đổi với ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Sở Y tế Quảng Bình, ông Cường cho biết: Ông mới lên giữ chức này chưa lâu nên những sự việc của ông Sơn trước đây ông không nắm. Riêng chuyện hợp đồng 9 người vào làm việc của ông Sơn là sai hoàn toàn.

Theo quy định, ông Sơn phải báo cáo việc này với Sở Y tế và Sở Nội vụ nhưng ông Sơn không làm. Hiện đề án tuyển dụng tại Trung tâm YTDP huyện Quảng Trạch vẫn chưa được duyệt.