Vẫn mắc
Ông Nguyễn Thái Bình, Người phát ngôn Bộ VHTTDL giải thích: Chủ trương của Bộ trưởng khởi động từ đầu tháng 6 tuy nhiên sau khi nghe góp ý tại tua khảo sát hôm 10/5, Bộ giao các đơn vị tiếp tục hoàn thiện và trình Bộ trưởng. Một trong những vướng mắc nhất là phần biểu diễn nghệ thuật mang tên Sắc Việt nằm trong gói tua này. Bộ giao Cục Nghệ thuật Biểu diễn chỉ đạo các nhà hát hoàn thiện theo góp ý. Lãnh đạo Nhà hát Lớn chịu trách nhiệm trình đề án lên Bộ.
Cục Nghệ thuật Biểu diễn cho biết Cục tiếp tục chọn lựa tiết mục phù hợp với khách quốc tế. Các tiết mục được lên khung trước đó gồm hòa tấu dàn nhạc, trích đoạn tuồng Ông già cõng vợ đi xem hội, chùm sáo các dân tộc Việt Nam, múa rối Vũ điệu chim công, hát chầu văn Cô bé Đông Cuông và tam tấu đàn T’rưng. Sau khi nghe góp ý, nhà tổ chức cân nhắc thay tiết mục dài và sử dụng ca từ tiếng Việt nhiều bởi gây khó dễ cho du khách trong quá trình thưởng thức. Nghệ thuật truyền thống đãi khách sẽ thiên về hòa tấu nhạc dân tộc, tiết mục Ba giá đồng của Nhà hát chèo Việt Nam hay múa rối vì không cần nhiều lời.
Trong buổi khảo sát đầu tháng 5, nhiều doanh nghiệp lữ hành thẳng thẳn cho rằng chương trình nghệ thuật chưa xuất sắc và chưa thể so với một số chương trình tương tự ở Hà Nội như IONAH, Tứ phủ hoặc À ố show. Về chương trình biểu diễn nghệ thuật trong tua Nhà hát Lớn, KTS. Trần Huy Ánh cho rằng Bộ chủ trương như thế là đáng trân trọng tuy nhiên nên dành phần các công ty du lịch nghĩ phương án. “Cơ quan quản lý không có kinh nghiệm kinh doanh chỉ nên đưa ra chuẩn giá trị, tiêu chí”, KTS Ánh nói.
Cần có tầm
Không riêng chương trình nghệ thuật, nhiều đại biểu trước đó góp ý phần thuyết minh cho Nhà hát Lớn nên nhấn mạnh sự khác biệt của công trình này, thậm chí phải chọn một số hạng mục tiêu biểu để phụ họa bằng 3D tạo điểm nhấn. Trao đổi với Tiền Phong, KTS Trần Huy Ánh nêu quan điểm nên nhấn mạnh phong cách kiến trúc, giai đoạn kiến trúc cũng như tính kế thừa kiến trúc phương Đông và phương Tây. Ông cho rằng phải làm nổi bật yếu tố nhà hát nằm trong chiến lược phát triển không gian công cộng như thế nào, lựa chọn Nhà hát Lớn Hà Nội giống nhà hát ở Lyon và Paris ra sao. Nhà hát Lớn chỉ thật đặc biệt khi nó là đứa con được sinh ra và được chăm chút trong gia đình nghèo-tức nền kinh tế thuộc địa đầu thế kỷ 20 èo uột nhưng lại sản sinh công trình thú vị, kế thừa văn hóa và kiến trúc thành phố ánh sáng Paris thế nào, quá trình trở thành tài sản của người Việt ra sao.
“Tôi đánh giá rất cao tầm nhìn mở tung hàng rào Nhà hát Lớn. Nếu Bộ định biến khu vực này thành không gian văn hóa nên lấy Nhà hát Lớn là hạt nhân, Bảo tàng Cách mạng (cũ) là vùng phụ cận và Bảo tàng Lịch sử là điểm kết thúc. Tất cả không gian đó quây tròn lại thành công viên mới của Hà Nội, tại đó có những tòa lâu đài kiến trúc quan trọng đầu thế kỷ 20. Khi có khung cảnh văn hóa ấy và đủ tầm nhìn, các nhà văn hóa sẽ bày cho Bộ những bước đi bài bản, sang trọng. Tầm nhìn mở cửa Nhà hát Lớn phải cho người ta ngưỡng mộ chứ không dừng lại ở việc mở cửa cho mấy ông Tây mặc quần đùi vào xem hát chèo, tăng doanh thu cho tua du lịch”, KTS Ánh nói.
Xung quanh ý kiến cho rằng Bộ “ép” cán bộ nhân viên của mình mua vé xem nghệ thuật chất lượng cao tại Nhà hát Lớn, Chánh Văn phòng Bộ VHTTDL Nguyễn Thái Bình: “Quan điểm của Bộ là nỗ lực bán vé để khán giả tạo thói quen và nhu cầu mua vé, dù việc này còn rất khó khăn”. Ông khẳng định vận động mua vé không có chuyện ép, việc này thể hiện sự chia sẻ với nghệ sỹ các nhà hát truyền thống.