Khai mạc Festival văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên 2018

TPO - Tối 30/11 tại quảng trường Đại Đoàn Kết (TP Pleiku, Gia Lai), tỉnh Gia Lai tổ chức Lễ khai mạc Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên năm 2018. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác Trung ương tới dự.  
Festival văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên 2018 với nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc, hấp dẫn

Trước hàng vạn người dân cùng chứng kiến lễ khai mạc Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên năm 2018 từ quảng trường Đại Đoàn Kết, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Đảng và Nhà nước gửi đến Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Gia Lai nói riêng, cộng đồng các dân tộc vùng Tây Nguyên nói chung tình cảm thân thương và lời chúc mừng tốt đẹp nhất. 

Thủ tướng nói:  Tây Nguyên là vùng đất sinh ra những người anh hùng đã đi vào huyền thoại, là nguồn cảm hứng để nhân dân các dân tộc Tây Nguyên viết lên những bản trường ca bất tận truyền tới muôn đời sau. Lễ hội hôm nay là sự tôn vinh của những giá trị độc đáo và sức sống mạnh mẽ, trường tồn của văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, điều đáng mừng là tham gia lễ hội có nhiều đội chiêng, nhiều nghệ nhân ở mọi lứa tuổi, đặc biệt rất đông các cháu thiếu nhi, những người sẽ tiếp tục kế thừa, tiếp nối di sản từ các thế hệ ông cha trao truyền lại. Chúng ta gìn giữ bảo tồn phát huy giá trị của không gian văn hóa cồng chiêng cũng chính là gìn giữ, bảo tồn phát huy giá trị của văn hóa Tây Nguyên truyền thống. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc Festival văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên

Đảng và Nhà nước gởi gắm sứ mệnh cho cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên cùng nhau gìn giữ môi trường tự nhiên, bảo tồn hệ sinh thái, phát huy giá trị của văn hóa Tây Nguyên truyền thống,  cũng chính là giữ gìn môi trường sinh tồn của văn hóa cồng chiêng trong không gian đậm chất sử thi của đại ngàn. 

Hàng vạn người dân trong và ngoài tỉnh Gia Lai đến xem các tiết mục văn nghệ đặc sắc tại Festival văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên

Festival được tổ chức qui mô, chuyên nghiệp:  

Thủ tướng kêu gọi người dân hãy cùng nhau đưa Tây Nguyên trở thành cao nguyên trù phú về nông nghiệp hữu cơ, đa dạng về sinh thái, giàu có về vốn văn hóa. Giàu có của Tây Nguyên là phát triển các ngành chế biến nông lâm nghiệp, dược liệu theo hướng đề cao bản sắc, tính độc đáo trong chuỗi giá trị nông sản thế giới, đồng thời Tây Nguyên phải là một biểu tượng nổi bật của du lịch Việt Nam mang đậm sắc thái huyền thoại của di sản Châu Á thế kỷ 21. Phải làm sao để Tây Nguyên luôn là niềm tự hào của người Tây Nguyên, của người Việt Nam, Gia Lai luôn là điểm đến, yêu thích của các nhà đầu tư và du khách gần xa.