Khách Tây đúc bánh xèo, nấu mì Quảng

TP - “Banh xeo by Julius”, Julius (người Đức) vừa đắc chí khoe vừa chìa ra trước mặt chúng tôi chiếc bánh xèo chiên vàng giòn đẹp mắt, thành quả của cả buổi sáng mướt mồ hôi đi chợ, nấu nướng.
“Cô giáo” phố Hội chỉ dẫn hai học trò cách chiên bánh xèo. Ảnh: Thanh Trần.

Cũng như anh, rất đông du khách nước ngoài tìm tới dãy hàng quán trên con đường Nguyễn Phúc Chu (phường Minh An, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) để trải nghiệm khóa học nấu cao lầu, mì Quảng, bánh xèo… vì quá mê đắm ẩm thực phố Hội.

Đi chợ, mặc cả

8h sáng, vợ chồng Colin McDermott (người Anh) đợi sẵn trước cửa tiệm Hi! Restaurant để chị Nguyễn Thị Thu Thảo (44 tuổi, đầu bếp) dẫn đi chợ. Chiếc ghe chòng chành theo con nước sông Hoài chở đôi vợ chồng Tây sang chợ Hội An. Chị Thảo dẫn vợ chồng Colin luồn qua những con hẻm nhỏ. Mới vào chợ, Inga, vợ Colin ồ lên trước những mẻ tôm còn búng đành đạch. “Mình sẽ mua thực phẩm về làm món hoành thánh chiên, phở, bánh xèo và mì Quảng...”, chị Thảo dặn dò bằng thứ tiếng Anh đặc sệt chất… Quảng. Buổi chợ hôm nay của chị nhanh hơn thường ngày vì hai học trò rất dễ tính khi chọn mua thực phẩm.

 “Lần đầu tiên tôi bước vào chợ Việt Nam, thực phẩm ở đây không được đóng gói sẵn như trong siêu thị. Chúng tôi chỉ phần thịt heo nào, người ta sẽ cắt bán cho chúng tôi phần đó, thích con tôm nào thì nhặt con tôm đó. Rau ở đây cũng rất tươi. Chị Thảo bảo chúng tôi rằng rau được hái ở vườn mà hôm qua chúng tôi đã tham quan”, Colin nói: “Chị ấy còn dạy chúng tôi mặc cả nữa. Trước khi mua, chị Thảo luôn trao đổi với người bán hàng để hạ giá. Và sau đó, chúng tôi được trả ít hơn số tiền mà chủ quán đưa ra”, Inga góp chuyện, nhấn mạnh từ “mặc cả” bằng tiếng Việt lơ lớ. Khi chiếc giỏ đã đầy ắp, cả ba xuôi ghe về lại nhà hàng để nấu nướng.

Nôn nao hơn vợ chồng Colin, hai bạn trẻ người Đức Tatjana và Julius đi chợ từ lúc phố cổ vừa tỉnh giấc, đến hơn 7h họ đã xách về một giỏ đầy rau củ và tôm, thịt. “Cô giáo” của hai “học trò” tích cực này gật đầu bảo, có lẽ họ tìm hiểu về đặc trưng chợ Việt, biết được đi sớm sẽ mua đồ tươi ngon hơn.

Gia đình Hàn Quốc với món ăn tự làm. Ảnh: Thanh Trần.

Đó là phần khởi động của tour du lịch trải nghiệm học nấu ăn “cooking class” mà những hàng quán ven sông trên đường Nguyễn Phúc Chu phục vụ du khách đến Hội An. Tham gia lớp học này, khách hàng sẽ cùng đi chợ, chọn mua thực phẩm, học nấu đặc sản Quảng Nam - Đà Nẵng hay các món ăn đặc trưng của Việt Nam. “Mỗi tour sẽ có một mức giá riêng, thông thường các mức giá tour là 15,17, 20 hoặc 25 USD cho 2 người ăn, thêm người thì sẽ thêm tiền. Mỗi lần nấu ba, bốn món và du khách sẽ được thưởng thức món ăn do chính tay mình làm ra”, anh Đỗ Thành Nhân, chủ quán Hi! Restaurant cho biết.  

 Mê đắm sự kỳ công

Quệt mồ hôi trên má, Colin và Inga để giỏ đồ ăn xuống vào rửa tay sạch sẽ, đeo tạp dề trắng và đội mũ đầu bếp rồi nhìn cô giáo cười ra hiệu đã sẵn sàng. “Tôi chưa bao giờ nấu món ăn Việt Nam nên tôi khá lo lắng, không biết mình làm có đủ tốt không”, Inga băn khoăn. “Anh thực sự rất lo đấy, vì chúng ta sẽ ăn chúng sau khi nấu mà”, Colin cười đùa. Chị Thảo bày biện tất cả thực phẩm được rửa sạch lên trên bàn, đặt thêm chiếc bếp ga, chuẩn bị cho hai học trò mỗi người một bộ dao thớt. Bài học “vỡ lòng” là thái hành, rau mùi và cắt cà chua. Colin với đôi bàn tay to bè trông khá vụng về khi cầm từng củ hành tím bé xíu. Anh thái cẩn trọng từng miếng một theo yêu cầu “mỏng và không nát” của cô giáo.

Hai học trò siêng năng của cô Phạm Thị Thu Thanh (đầu bếp quán Mr Sơn) hôm ấy học cách khuấy bột làm bánh xèo. Julius có vẻ căng thẳng khi múc từng muỗng bột, nghệ và nước trộn lẫn vào nhau vì sợ không đúng tỉ lệ sẽ bỏ đi như lời cô Thanh “hù”. Đến phần mong đợi nhất: đúc bánh, hai bạn trẻ tới đứng cạnh bên bếp lửa, chăm chú nghe cô Thanh bật mí những bí quyết làm cho bánh giòn ngon. Vừa nói, cô Thanh vừa làm mẫu cho vài miếng thịt thăn và tôm lên dầu đang réo sôi, tiếp đó dàn bột một cách điêu luyện khắp mặt chảo, đợi một lúc lại hạ nhỏ lửa, cho giá lên, đậy nắp vung. Cô dặn dò làm món này phải hết sức bình tĩnh, nhanh một tí cũng dở mà chậm một tí cũng dở. Phải đong ước thời gian để bánh vừa chín vừa giòn lại cho màu vàng đẹp mắt và giữ được mùi thơm. Tatjana không giấu được sự ngạc nhiên và thán phục trong đôi mắt: “Chưa bao giờ tôi nấu một món ăn phức tạp như vậy cả. Nó thử thách sự kiên nhẫn. Một chiếc bánh nhỏ được làm từ rất nhiều thực phẩm, phải chú ý cách nấu từng giai đoạn khác nhau và đều nhờ vào đôi tay của đầu bếp, trong khi ở nước tôi được hỗ trợ bởi máy móc, thiết bị. Nấu món ăn của các bạn rất phức tạp. Nhưng chúng tôi bị lôi cuốn bởi sự kỳ công này”.

Hàng kế bên, vợ chồng chị Choi Eun Jung (du khách Hàn Quốc) cùng hai cậu con trai cũng đang hì hụi với một bàn thực phẩm. Sau mấy thao tác hướng dẫn của cô giáo, chị Choi đã biết thái thịt nhỏ ra để làm nhân hoành thánh, trong khi mấy bố con chăm chú cắt thơm, cà chua và hành tây. Cô giáo bắc chảo lên bếp, dạy cho cả gia đình Hàn Quốc cách xào nhân, rồi gọi cả bốn người cùng quây lại xem cách làm một chiếc hoành thánh như thế nào. Những ngón tay nhỏ nhắn, khéo léo của cô cho nhân thịt vào tấm bột, từ từ gói ghém, bóp nắn cho miệng bánh dính lại. Cả nhà ồ lên vì sự tỉ mẩn của người phụ nữ phố cổ, háo hức làm theo. Chẳng mấy chốc hai đĩa đã đầy ắp bánh.

Nhiều năm trở lại đây, khóa học nấu ăn này lan rộng ra các nhà hàng, quán xá. Học trò là các du khách yêu thích đặc sản Hội An nên quay lại đăng ký thử sức nấu nướng hoặc biết về dịch vụ này trên trang Trip Advisor. “Hồi trước cửa hàng của tui chỉ bán đồ ăn. Thấy khách du lịch ăn xong hỏi về cách nấu quá trời, tui mới nảy ra ý định làm dịch vụ dạy họ nấu mấy món địa phương. Mình nấu răng thì dạy lại cho khách y rứa, cũng chẳng có bí quyết gì mà giữ. Nhưng chuyển qua làm dịch vụ ni, tui phải học thêm tiếng Anh để còn biết mà nói với khách”, cô Thanh kể.

“Xách tay” ẩm thực Việt ra nước ngoài

Hầu như ngày nào, cửa hàng của anh Nhân cũng có khách đặt lịch để học nấu ăn. Những hôm cao điểm, quán đón từ 20 – 30 khách, hai vợ chồng anh phải thuê thêm người làm để dẫn khách đi chợ, sơ chế nguyên liệu... “Thực đơn học nấu ăn của cửa hàng tui là phong phú nhất ở đây, có khoảng 40 món, cả món mặn và món chay. Như hôm nọ, mấy cậu khách người Israel ăn món Quảng chay ở chỗ tui gật gù khen ngon rồi đăng ký học hẳn mấy món chay Việt Nam”, anh Nhân vừa dứt lời liền chỉ cho chúng tôi xem những dòng chữ nhận xét bằng tiếng Israel ngoằn ngoèo trên bảng.

Năm 2012, dịch vụ “cooking class” ở Hội An được Lonely Planet (ấn phẩm du lịch uy tín hàng đầu thế giới) chọn là 1 trong 10 trải nghiệm du lịch đặc biệt nhất thế giới. Trên trang web du lịch nổi tiếng Trip Advisor, dịch vụ “cooking class” cũng nhận được hàng nghìn lời nhận xét và đánh giá tích cực của du khách. “Nhờ Internet mà dịch vụ dạy nấu ăn của chúng tôi được nhiều người biết đến, khách đăng kí ngày một nhiều hơn. Nhiều người đặt trước dịch vụ qua mạng cả tháng trời như đôi vợ chồng người Hàn kia (vợ chồng chị Choi - PV), nhiều người đến một lần, rồi quay lại lần nữa, dẫn thêm cả bạn bè”, anh Nhân nói thêm. Cũng rất nhiều du khách trong hành trình đạp xe lòng vòng khám phá Hội An, phát hiện được dịch vụ thú vị này như vợ chồng Colin. Đôi bạn Tatjana và Julius tâm đắc: “Hôm trước chúng tôi đi ăn phở, thấy ngon quá nên đăng ký học nấu phở. Hôm qua, chúng tôi ăn thử bánh xèo cũng thấy rất hợp khẩu vị nên hôm nay học làm bánh xèo”. Tatjana cho hay cô đã đi du lịch rất nhiều nước, nhưng đây là lần đầu tiên được trải nghiệm dịch vụ độc đáo như vậy.

Suốt buổi vào bếp cùng người bản địa, những du khách ngoại quốc không quên ghi chép tất tần tật công đoạn, những lưu ý vào cuốn sổ của mình. “Thành phố của tôi có một khu người Việt sinh sống, ở đó có các siêu thị bán thực phẩm Việt Nam. Tôi ghi lại công thức nấu nướng này để về nước có thể nấu cho người thân và bạn bè cùng thưởng thức món ăn Việt Nam”, Inga tự tin. Cô vừa thưởng thức đặc sản Việt Nam tự làm vừa gật gù tâm đắc, rằng mình nấu không tệ. Còn Tatjana thì mừng ra mặt, rằng cô sẽ “xách tay” bí kíp nấu ẩm thực Việt theo về Đức. Và chắc chắn sẽ làm một tiệc món ăn Việt ra trò để chiêu đãi bạn bè.

Theo ông Lê Văn Bình, Trưởng phòng Thương mại và Du lịch, dịch vụ dạy du khách nấu ăn ở Hội An là do các nhà hàng, khách sạn tự phát triển dựa trên nhu cầu của khách lưu trú và trở thành một dịch vụ du lịch hút khách trong những năm gần đây. “Đây là một sản phẩm du lịch mang đậm dấu ấn Hội An, không chỉ đem lại lợi nhuận mà còn quảng bá được ẩm thực Việt Nam nói chung và ẩm thực xứ Quảng nói riêng. Thành phố cũng khuyến khích và tạo điều kiện cho người dân phát triển dịch vụ này, miễn là đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.