Khắc phục giám sát hoành tráng rồi buông

TP - Thảo luận về Dự thảo Luật Giám sát của Quốc hội (QH) và Hội đồng nhân dân tại phiên họp Ủy ban Thường vụ QH ngày 15/10, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đề nghị Dự thảo luật lần này phải khắc phục cho bằng được tình trạng, lúc đi giám sát thì “hoành tráng”, nhưng giám sát xong lại để trôi, hiệu lực giám sát không cao.
Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội giám sát về môi trường. Ảnh: TL.

Hiệu lực giám sát không cao

Theo Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, điểm yếu trong hoạt động giám sát  hiện nay, là: Lúc đi thì “rồng rắn”, nhưng giám sát xong lại để “việc trôi” đi, hiệu lực giám sát không cao. “Sau giám sát thì phải có báo cáo, kiến nghị, kết luận… nhằm tránh tình trạng đi thì “hoành tráng”, “rồng rắn lên mây” nhưng mọi việc sau giám sát không chuyển biến”, Chủ tịch QH đề nghị.

Chủ tịch QH cho rằng, nếu đoàn giám sát có những kết luận về việc vi phạm pháp luật thì phải yêu cầu các đơn vị có liên quan xử lý. Người bị yêu cầu phải tổ chức thực hiện và có báo cáo, giải trình, khắc phục. Sau một thời gian đoàn giám sát phải kiểm tra lại để xem đơn vị bị giám sát đã thực hiện hay chưa. Đồng tình với quan điểm trên, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cho rằng, Dự thảo luật vẫn chưa rõ về trách nhiệm của các cơ quan bị giám sát. “QH, Ủy ban Thường vụ QH ra nghị quyết thì anh phải chấp hành. Kiến nghị thì có thể tiếp thu, phản hồi lại Nghị quyết của 500 đại biểu QH về kết quả giám sát đó, anh phải chấp hành nghiêm”, ông Ksor Phước nêu ý kiến.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho hay, qua thảo luận nhiều ĐB QH đề nghị bổ sung quy định về chế tài xử lý với đối tượng chịu sự giám sát và các cơ quan liên quan trong trường hợp không giải quyết hoặc không trả lời yêu cầu, kiến nghị của các chủ thể giám sát. Đồng thời quy định rõ thời hạn các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát phải xử lý các kết luận, kiến nghị của đoàn giám sát. Dự thảo luật cũng đã rà soát, được chỉnh lý theo hướng quy định rõ thời hạn giải quyết kiến nghị, trách nhiệm thực hiện và báo cáo kết quả việc thực hiện nghị quyết giám sát... Đồng thời đã bổ sung các quy định nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động giám sát, coi đây là yếu tố quan trọng quyết định hiệu lực, hiệu quả giám sát.

Quy định về hội không nên “cứng” quá

Đối với Dự thảo Luật về hội, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật  Phan Trung Lý, quyền lập hội là quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp ghi nhận. Do đó, các quy định về thành lập hội phải phù hợp với tính chất, đặc điểm, quy mô của các tổ chức hội đang phát triển ở nước ta. “Việc Dự thảo luật quy định, các hội hoạt động trong phạm vi cấp xã với số lượng thành viên từ 10 người trở lên muốn thành lập hội đều phải trải qua một trình tự, thủ tục chung như đối với hội được thành lập ở quy mô toàn quốc là không hợp lý”, ông Lý nói.

Theo ông Lý, hội là tổ chức tự nguyện của những cá nhân, tổ chức có cùng tôn chỉ, mục đích, đoàn kết, giúp đỡ nhau, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội, hội viên. Vì thế, có thể có một hoặc nhiều hội cùng hướng đến một lĩnh vực hoạt động, một đối tượng cụ thể. “Quy định như trong Dự thảo luật sẽ không tạo được cơ chế khuyến khích các hội phải nâng cao hiệu quả hoạt động, không khắc phục được tình trạng hoạt động hình thức của nhiều hội, chưa bảo đảm bình đẳng giữa các hội và có thể dẫn đến hạn chế quyền lập hội của công dân”, ông Lý nhấn mạnh.

Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội bà Trương Thị Mai cho rằng, quy định thành lập hội trong Dự thảo luật “cứng quá”, sẽ hạn chế đến quyền của công dân. Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, luật phải đảm bảo công dân tự do tham gia các hội, chứ không phải vào hội này thì cấm vào hội kia.