Kêu gọi đầu tư đường bộ cao tốc Bắc - Nam: Vì sao nhà đầu tư nước ngoài áp đảo?

TP - Ban quản lý dự án Bộ GTVT vừa mở hồ sơ sơ tuyển nhà đầu tư trong và ngoài nước cho dự án đầu tư một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam. Điều này tạo khác biệt rất lớn so với những lần kêu gọi đầu tư vào quốc lộ 1A trước đây. Khi đó, chỉ có 1 nhà đầu tư tham gia nên Bộ GTVT phải xin cơ chế và chỉ định thầu.
Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ ảnh: Như Ý

Các Ban quản lý dự án Bộ GTVT vừa mở hồ sơ sơ tuyển nhà đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP, hợp đồng BOT) cho 5 trong 8 đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Kết quả, có 40 nhà đầu tư trong và ngoài nước đã nộp hồ sơ tham gia sơ tuyển. Dù Chính phủ chưa đưa ra bất kỳ cam kết bảo lãnh nào (như bảo lãnh tỷ giá, doanh thu) nhưng nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn tham gia.

Là một trong những nhà đầu tư trong nước nộp hồ sơ dự thầu, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả Trần Văn Thế cho hay, dù đầu tư BOT thời gian qua có một số bất cập, xung đột. Tuy nhiên, vài năm gần đây, không có dự án giao thông nào lớn được khởi công, nên các doanh nghiệp trong nước thiếu việc làm. Trong khi đó, cao tốc Bắc - Nam là dự án lớn, nên nhiều nhà đầu tư trong nước quan tâm, muốn tham gia đầu tư vừa để có việc làm vừa chứng minh năng lực.

Tuy nhiên, việc chào thầu quốc tế cũng khiến nhà đầu tư trong nước gặp một số cản trở, đặc biệt là về điều kiện năng lực tài chính, kinh nghiệm. “Với điều kiện về vốn, kinh nghiệm, doanh nghiệp trong nước rất khó đáp ứng yêu cầu tối thiểu (tối thiểu vốn pháp định, từng làm dự án có vốn bằng 20% tổng mức đầu tư dự án tham gia - PV), chưa nói tới cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài. Ngân hàng siết tín dụng cho vay BOT”, ông Thế nói.

Cũng theo ông Thế, để có cơ hội trúng thầu, nhà đầu tư trong nước phải liên kết lại, hoặc liên kết với nhà đầu tư nước ngoài; đồng thời, kiến nghị Chính phủ tạo dòng vốn tín dụng cho các nhà đầu tư trong nước.

Theo kết quả mở hồ sơ thầu, với đoạn cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45, có 27 hồ sơ bán ra, 11 nhà đầu tư nộp lại hồ sơ thầu. Trong đó, có 2 liên danh nhà đầu tư trong nước, 1 liên danh nhà đầu tư Việt - Trung, 2 nhà đầu tư Hàn Quốc, 1 nhà đầu tư Pháp và 5 nhà đầu tư Trung Quốc.

Đoạn cao tốc Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, có 25 hồ sơ ban ra nhưng chỉ có 5 nhà đầu tư nộp lại hồ sơ thầu và đều là nhà đầu tư nước ngoài (gồm 3 nhà đầu tư Trung Quốc, 1 nhà đầu tư Hàn Quốc và 1 liên doanh của Pháp).

Đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu, có 18 hồ sơ bán ra, 6 nhà đầu tư nộp lại hồ sơ thầu. Trong đó có 2 liên danh nhà đầu tư trong nước, 1 nhà đầu tư Hàn Quốc, 2 nhà đầu tư Trung Quốc.

Đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt, có 21 hồ sơ bán ra, 10 hồ sơ nôp lại. Trong đó có 3 liên danh trong nước, 1 liên danh Việt - Trung, 3 nhà đầu tư Hàn Quốc và 3 nhà đầu tư Trung Quốc.

Đoạn Nha Trang - Cam Lâm, có 20 hồ sơ bán ra, và 8 nhà đầu tư nộp lại hồ sơ dự thầu. Trong đó có 4 nhà đầu tư và liên danh nhà đầu tư trong nước, 2 liên danh nhà đầu tư Việt - Trung, 2 nhà đầu tư Trung Quốc.

Sức hút từ sự minh bạch

Trao đổi với PV Tiền Phong, Chuyên gia giao thông - TS Nguyễn Xuân Thủy đánh giá, cao tốc Bắc - Nam là tuyến huyết mạch, lưu lượng phương tiện cao. Đặc biệt, trong bối cảnh đường sắt và hàng hải chưa đáp ứng được nhu cầu, đường bộ vẫn là lựa chọn chính của người dân, các chủ thể trong nền kinh tế, với tốc độ tăng trưởng phương tiện ô tô khoảng 20% mỗi năm. Do đó, sức hút của dự án rất lớn nhờ khả năng thu hồi vốn cao, bất chấp một số dự án BOT giao thông hiện bị người dân phản đối, phá vỡ phương án tài chính.

“Ngoài ra, việc thay đổi cách làm của Bộ GTVT, khi chào thầu quốc tế cũng thu hút nhà đầu tư hơn, vì đảm bảo công khai, minh bạch, thay vì chỉ định thầu như với Quốc lộ 1A hay các BOT khác trước đây”, ông Thủy nói.

Chuyên gia giao thông, TS Nguyễn Hữu Đức cũng cho rằng, việc thay đổi cách tuyển chọn nhà đầu tư của Bộ GTVT đã tạo nên sức hút lớn cho cao tốc Bắc- Nam.Có nhiều nhà đầu tư cả trong và ngoài nước đã nộp hồ sơ đấu thầu. Việc đưa ra chào thầu quốc tế, với các điều kiện rõ ràng, minh bạch đã tạo niềm tin cho nhà đầu tư.

Tuy vậy, theo TS Nguyễn Xuân Thủy, cũng khó cho nhà đầu tư trong nước, khi rất ít nhà đầu tư đạt được điều kiện về vốn và năng lực. Điều này cũng cho thấy, cách làm ăn “chộp giật, cò con” bấy lâu nay của chủ đầu tư và nhà thầu trong nước. Đó là chia nhỏ dự án, mua bán thầu, kể cả với các nhà thầu mạnh của Bộ GTVT trước đây, như các Cienco (các tổng công ty xây dựng công trình giao thông). Dù vậy, ông Thủy vẫn tỏ ra hy vọng các nhà đầu tư trong nước sẽ được chọn, để có cơ hội lớn mạnh.

Còn theo TS Nguyễn Hữu Đức, việc chọn nhà đầu tư trong và ngoài nước không quan trọng, kể cả nhà đầu tư Trung Quốc. Vì nhà đầu tư là người đem tiền vào. Vấn đề nằm ở cơ quan quản lý có đủ năng lực để đưa ra các điều khoản hợp đồng, giám sát thực thi hợp đồng hay không. “Bất kể nhà đầu tư nào, kể cả trong và ngoài nước, nếu không quản lý tốt, đều có vấn đề như đội vốn, chậm tiến độ, chất lượng kém, mua bán thầu...”, ông Đức nói thêm.

Theo kế hoạch, các Ban quản lý dự án của Bộ GTVT sẽ sơ tuyển trong 3 tháng để lựa chọn khoảng 5 nhà đầu tư tham gia đấu thầu vào tháng 10/2019. Sau đó sẽ phê duyệt và ký hợp đồng BOT vào tháng 4/2020 để khởi công dự án.

Đoạn Mai Sơn - quốc lộ 45 (qua Ninh Bình - Thanh Hóa), dài 63km, tổng mức đầu tư khoảng 12.900 tỷ đồng; Đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn (Thanh Hóa), dài 43 km, tổng mức đầu tư hơn 6.300 tỷ đồng; Đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu (Thanh Hóa - Nghệ An), dài 50 km, tổng mức đầu tư hơn 8.300 tỷ đồng; Đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt (Nghệ An - Hà Tĩnh), dài 50 km, tổng mức đầu tư hơn 13.300 tỷ đồng; Đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết (Bình Thuận), dài 101 km, tổng vốn đầu tư hơn 11.600 tỷ đồng.