Chỉ đạo làm hồ sơ cho khách qua điện thoại
HĐXX đã xét hỏi các bị cáo nguyên là cán bộ, nhân viên Vietinbank về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Theo đó, các bị cáo Lương Thị Việt Yên (nguyên Trưởng phòng giao dịch Võ Văn Tần), Hồ Hải Sỹ (nguyên Phó Phòng giao dịch Võ Văn Tần), Lê Thị Ngọc Lợi (nguyên giao dịch viên) xin giảm nhẹ hình phạt.
Theo bản án sơ thẩm, Lương Thị Việt Yên đã tin tưởng việc Võ Anh Tuấn giới thiệu Dương Thị Nguyệt và Nguyễn Thị Bé Năm (cả hai là nhân viên nhận ủy thác của ACB), khách hàng lớn nên không trực tiếp đến làm thủ tục mở tài khoản, nên đã chỉ đạo nhân viên lập và duyệt hồ sơ mở tài khoản mà không có mặt của 2 người này để ký chữ ký mẫu theo đúng quy định.
Do đó không phát hiện các chữ ký của Nguyệt, Năm trong hồ sơ mở tài khoản do Trần Thị Tố Quyên mang đến là chữ ký do Như ký giả. Dẫn đến việc Huyền Như thực hiện trót lọt việc giả mạo chữ ký để mở được tài khoản nhận 50 tỷ đồng do Nguyệt và Bé Năm chuyển vào.
Sau đó Như đã lập các lệnh chi giả, tiếp tục ký giả chữ ký của hai người này trên lệnh chi, làm thủ tục chuyển toàn bộ 50 tỷ đồng này vào tài khoản của Trần Thị Tố Quyên để chiếm đoạt.
Bị cáo Lương Thị Việt Yên thừa nhận một phần lỗi của mình trong việc mở tài khoản cho hai khách hàng trên, khi không phát hiện ra việc không thực hiện đúng quy trình mở tài khoản dẫn đến việc Huyền Như chiếm đoạt 50 tỷ đồng.
Huyền Như “phóng lao thì phải theo lao”
Trình bày trước HĐXX, bị cáo Lý và Huyền Như xác nhận, bị cáo Lý đã nhận của Huyền Như số tiền gốc và lãi là 1296 tỷ đồng.
Huyền Như thừa nhận rằng đã vay tiền của các bị cáo Đào Thị Tuyết Dung (SN 1969, trú tại TPHCM, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Dung Vân) và Nguyễn Thiên Lý (SN 1975, quê Quảng Bình) với lãi suất cao lên đến 140%/năm (cao gấp 10 lần lãi suất do Ngân hàng Nhà nước quy định tại thời điểm đó) nhằm để trả nợ, cũng như xoay xở trong công việc kinh doanh bên ngoài.Mặc dù chấp nhận vay tiền với lãi suất “cắt cổ” nhưng vẫn không giải quyết được nợ nần. Huyền Như đã nghĩ đến việc vay mượn tiền của các công ty, ngân hàng bằng hình thức huy động vốn, ủy thác đầu tư vốn một cách bất hợp pháp.
Trước HĐXX, bị cáo Huyền Như khai đã đi vay mượn của bị cáo Nguyễn Thiên Lý hơn 554 tỷ đồng và 340.000 USD với lãi suất từ 0,4 đến 1,7%/ngày (lãi suất cao lên đến 140 - 170%/năm). “Hình thức vay mượn bằng tiền mặt và chuyển khoản. Vay tiền mặt thì bị cáo cho người giúp việc đến gặp Lý lấy tiền. Còn chuyển khoản thì bị cáo yêu cầu Lý chuyển đến tài khoản của Công ty Hoàng Khải”, bị cáo Huyền Như khai nhận.
Bị cáo Nguyễn Thiên Lý thừa nhận trước tòa, quen biết Huyền Như từ năm 2008 và bắt đầu mối quan hệ làm ăn, góp vốn từ đây. Khi Huyền Như yêu cầu cho vay tiền để xoay xở công việc thì bị cáo Lý cho Như vay.
“Vay món nợ này trả xong thì cho vay món khác. Cứ thế bị cáo cho Huyền Như vay, không làm hợp đồng hay giấy tờ gì cả, chỉ ghi chép vào quyển sổ tay”, bị cáo Lý nói. Trình bày trước HĐXX, bị cáo Lý và Huyền Như xác nhận, bị cáo Lý đã nhận của Huyền Như số tiền gốc và lãi là 1.296 tỷ đồng.
Tại bản án sơ thẩm xác định bị cáo Nguyễn Thiên Lý thu lời bất chính là 414 tỷ đồng và bị kết án 2 năm tù. Trước HĐXX phúc thẩm, bị cáo Lý kháng cáo kêu oan, cho rằng bản án trên là nặng, có nhiều tình tiết chưa rõ.
“Bị cáo không có lỗi gì cả, nếu có tội thì chỉ là cái tội tin tưởng Huyền Như”, bị cáo Lý giãi bày. HĐXX hỏi lại bị cáo Lý có kháng cáo gì thêm không? Bị cáo Lý cho biết mong HĐXX xem lại số tiền thu lợi bất chính mà bản án sơ thẩm đã quy kết là chưa đúng thực tế.
“Số tiền trong bản cáo trạng chỉ là phần sao kê trên tài khoản của bị cáo tại ngân hàng, còn tiền mặt giao cho Huyền Như, cả tiền hùn vốn làm ăn thì bị quy kết luôn vào tiền thu lợi bất chính nên không đúng thực tế. Hai con số thể hiện số tiền bị cáo thu lợi bất chính ở bản cáo trạng và bản án sơ thẩm cũng khác nhau”, bị cáo Lý trình bày.
Đối chất tại phiên tòa, bị cáo Huyền Như lại cho rằng không có hùn vốn làm ăn gì với bị cáo Lý. “Bị cáo chỉ có mối quan hệ vay mượn tiền với bị cáo Lý, chứ không có mối quan hệ làm ăn. Tất cả những khoản vay nào đã tất toán thì không được kê vào hồ sơ vụ án”, bị cáo Huyền Như khẳng định.
Cũng là chủ nợ của Huyền Như, bị cáo Đào Thị Tuyết Dung trình bày trước HĐXX vì tin tưởng Như nên khi cho Như vay thì Dung không có giữ lại giấy nợ. Theo hồ sơ, đầu năm 2009 đến giữa năm 2011, Huyền Như vay của bị cáo Dung tổng số tiền 265,7 tỷ đồng, đã trả 440,4 tỷ đồng cả lãi lẫn gốc. Bản án sơ thẩm xác định bị cáo Dung thu lãi bất chính hơn 174 tỷ đồng.
Trước HĐXX, bị cáo Dung kháng cáo cho rằng số tiền này không đúng. Tuy nhiên, bị cáo Dung không chứng minh được để bác lại kết luận này. Cuối cùng, bị cáo Dung chỉ mong HĐXX giảm nhẹ hình phạt với cơ sở là cho Huyền Như vay 150 tỷ đồng mà đến nay không lấy lại được.
Hôm nay phiên tòa tiếp tục xét xử.