> Kỳ 2: Khi lão tướng xung trận
> Kỳ 1: Nhà báo “Chỉnh Chu” chống tiêu cực
“Đã ra cái gì là phải ngoại hạng”
Bước vào phòng làm việc của nhà báo Trung tướng Hữu Ước, Tổng Biên tập báo Công an Nhân dân tôi thấy có hai chiếc TV đặt ngay phía trước bàn tiếp khách.
Có những lúc, Hữu Ước xem chương trình trên cả hai chiếc TV mà không bỏ sót chi tiết nào.
Nhưng hôm nay, thì cả hai chiếc TV đều tắt, Hữu Ước rít thuốc lào, thong thả nhả khói: “Tôi đang rảnh, tí nữa lại ngồi vào bàn viết tiểu thuyết”.
Tôi ngạc nhiên, không hiểu vì sao TBT báo Công an Nhân dân, với rất nhiều ấn phẩm như Văn nghệ Công an, An ninh Thế giới, Cảnh sát Toàn cầu và kênh truyền hình An ninh TV (ANTV) phát sóng 24/24 giờ lại có thời gian ngồi viết tiểu thuyết?
Lần trước đến, đúng lúc Hữu Ước đang xoay vần giữa bộn bề công việc để chuẩn bị cho kênh truyền hình ANTV ra mắt.
Ông xem kỹ từ mẫu giấy mời khách, viết diễn văn cho buổi lễ, tự tay thiết kế rồi kiểm tra từng chiếc vòi nước mới lắp ở trụ sở mới của truyền hình Công an Nhân dân.
Kênh ANTV ra mắt mới được mấy tháng, những tưởng Tổng Biên tập Hữu Ước đang ngập đầu với đủ thứ công việc thượng vàng hạ cám của truyền hình, nhưng ông lại làm tôi bất ngờ: “Kênh ANTV chạy tốt, tôi đang dự định ra một kênh giải trí. Quan ĐIỂM của tôi, đã ra cái gì là phải ngoại hạng, chứ không đá hạng nhì rồi lên hạng nhất”.
Làm Tổng Biên tập nếu không xác định hôm nay làm ngày mai sẵn sàng nghỉ thì báo khó hay lắm, cứ khư khư giữ lấy cái ghế làm gì. Làm tổng biên tập 5 năm là thượng thọ, 10 năm là thượng thượng thọ .
Hữu Ước tâm sự nhiều lúc ông cũng thấy ngạc nhiên với chính mình. Dường như cái khả năng gây ngạc nhiên đó là một trong những yếu tố để Hữu Ước làm báo “đánh đâu thắng đấy”?
Hơn 10 năm trước, độc giả chưa kịp quen với tờ Văn nghệ Công an thì tờ An ninh Thế giới lạ lẫm xuất hiện nhưng ngay lập tức trở thành một hiện tượng phát hành.
Những bài phóng sự nóng và sâu, những tư liệu trong nước và quốc tế mới mẻ hấp dẫn đã khiến dân tình xôn xao đón đọc. Rồi sau đó, tờ An ninh Thế giới cuối tháng cũng có tia - ra rất lớn.
Khi tiếp quản tờ Công an Nhân dân, với cương vị Tổng Biên tập, Hữu Ước đã xắn tay làm một cuộc cải cách nội dung và hình thức với tiêu chí “Nhân văn, tin cậy, kịp thời” cho tờ báo vốn đã cũ với thời cuộc.
Chỉ trong thời gian ngắn, báo Công an Nhân dân đã tăng từ 6 vạn bản/kỳ lên 10 vạn bản. Lại thêm báo Công an nhân dân điện tử, ấn phẩm Cảnh sát Toàn cầu cũng thu hút được nhiều người đọc.
Khi truyền thông mạng phát triển, số lượng phát hành báo giấy sụt giảm, các ấn phẩm của báo Công an Nhân dân cũng nằm trong xu thế đó, Hữu Ước lại nghĩ ra một cuộc chơi mới, đó là kênh truyền hình ANTV...
Hữu Ước đang viết một cuốn tiểu thuyết, đúng hơn là viết về đời mình, một cuộc đời giàu chất tiểu thuyết. Một cuộc đời chắc hẳn đã giúp cho ông nhiều chất liệu để viết kịch bản sân khấu.
Tôi đã ngạc nhiên khi ông kể đêm đầu tiên mất quyền công dân, vào trại ông ngủ luôn mà không một chút nghĩ ngợi đau buồn.
Lúc đó, Hữu Ước chỉ nghĩ: Mình không có tội, cứ đàng hoàng, sự thể đã thế rồi, phải ngủ còn có sức đấchiến u.
Lúc ấy Hữu Ước bị tước quyền công dân cũng vì một tai nạn nghề nghiệp khi giao cho phóng viên viết bài chống tiêu cực sớm quá khi báo chí chưa có trào lưu.
Tư duy của một thời được bao cấp về mặt tư tưởng, viết về một người công an sai thì người ta nghĩ cả ngành sai.
Thế nên đã phải nhận cái án mà gần như tất cả đều biết là oan mà phải ngậm ngùi nhìn Hữu Ước vài trại giam Chí Hòa. Trong khốn khó, vợ ông lúc ấy đã phải ra bãi sông Hồng trồng ngô để nuôi con.
Kể từ ngày Hữu Ước được trả lại quyền công dân, trở về báo Công an Nhân dân, nhưng bị xếp vào diện giảm biên chế, cho đến thời điểm này là 24 năm, ông đã kịp xây cho mình cả một sự nghiệp truyền thông, sáng tác và một đời sống kinh tế thuộc dạng giàu.
Đại úy Hữu Ước ngày nào giờ đây đã là Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, nhà văn, Trung tướng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục XDLL - Bộ Công an, TBT báo Công an Nhân dân, TBT Truyền hình Công an Nhân dân.
Hữu Ước là Tổng Biên tập duy nhất ở Việt Nam mang quân hàm Trung tướng.
“Với anh, nghề TBT khó nhất điều gì?”. Hữu Ước rít một hơi thuốc lào: “Khó nhất luôn phải đổi mới sáng tạo tờ báo của mình, đòi hỏi lao động nghiêm túc của cả một bộ máy và TBT phải biết lúc nào cũng có được niềm tin trong đơn vị”.
“Binh pháp” Hữu Ước
Cái điều khó nhất ấy, Hữu Ước làm cứ nhẹ như không. Và “binh pháp” của Trung tướng Hữu Ước xem ra cũng giản dị:
“Trong tờ báo phải đoàn kết, làm sao để cán bộ, phóng viên coi cơ quan như gia đình mình. Tổng biên tập phải làm gương, đừng làm gì sai, không được ăn bẩn, tư lợi từ cương vị, đừng bao giờ quên những giọt mồ hôi của anh em. Phải biết phát huy tài năng, cá tính của những cây bút.
Tổng biên tập cũng cần biết truyền lửa, giữ lửa cho anh em. Làm báo mà không có lửa thì khó lắm. TBT phải lo cho anh em thu nhập sống được bằng nghề. Con người, nhân vô thập toàn, phải biết phát huy cái hay của cấp dưới, cái gì không hay thì “bọc” lại, “xạ trị” như trị ung thư. Người mà kém thì mình cũng đừng ghét họ.
Tôi vẫn nhớ câu ngạn ngữ: Người giỏi là người biết ngồi trên vai của những người anh hùng. Ngồi trên vai anh hùng sướng lắm. Đã là cấp trên thì đừng để ý thù vặt cấp dưới, phải thưởng phạt công minh. Cứ như thế, tôi đang quản lý gần một nghìn quân, nhưng một vạn quân cũng thấy nhẹ nhõm, vẫn có thể làm vài ba tờ báo, vài kênh truyền hình nữa. Tôi luôn làm chủ cuộc chơi, không sợ đấu đá nội bộ, sợ người khác tranh mất ghế”.
Tổng biên tập một tờ báo như Công an Nhân dân luôn là ghế nóng mà không phải ai cũng muốn và dám ngồi vào.
Chính Hữu Ước là người “phát minh” ra câu được nhiều TBT tâm đắc và lâu lâu lại dùng: “Nghề tổng biên tập như đi trên dây”. Cũng giống như ai đó nói vui, làm TBT đôi khi như kẻ ngoại tình nhưng vẫn phải giữ được hạnh phúc gia đình.
Làm sao cho báo vừa đúng đường lối, tôn chỉ, vừa có tính thị trường, bán chạy để đảm bảo thu nhập cho cán bộ phóng viên - hai mục đích ấy đôi khi không đồng hành.
Vì thế người đứng mũi chịu sào của tờ báo phải rất giỏi "đi” giữa những lằn ranh, mong manh, chênh vênh như sợi dây, chỉ cần mất thăng bằng là ngã.
Hữu Ước đã đi trên dây được 17 năm, chức vụ, quân hàm, số lượng ấn phẩm, cứ theo thời gian, ngày một cao. Dường như Hữu Ước thích cái sự chênh vênh của sợi dây mà nếu như không có nó thì thấy đất bằng tẻ nhạt lắm!
Tiếp một hơi thuốc lào và nhấp một ngụm rượu Hữu Ước tâm sự: “Đi trên đất bằng thì dễ, bài nào gai gai thì vứt đi cho an toàn, đề tài nào cảm giác nóng thì bỏ qua. TBT là phải dám đứng mũi chịu sào, phải chịu va đập, phải tranh đấu cho cái chung.
Làm tổng biên tập nếu không xác định hôm nay làm ngày mai sẵn sàng nghỉ thì báo khó hay lắm, cứ khư khư giữ lấy cái ghế làm gì. Làm tổng biên tập 5 năm là thượng thọ, 10 năm là thượng thượng thọ”.
“Làm tổng biên tập 17 năm thì chắc là ngoại hạng rồi, ông có bao giờ nghĩ 17 năm là quá lâu?”
TBT Hữu Ước cười: “Quan trọng không phải lâu hay không lâu. Nếu một TBT kém thì 1 năm đã là lâu, một TBT giỏi thì 20 năm cũng không phải lâu. Tôi cũng có hướng sẽ chuyển giao chức TBT báo Công an Nhân dân cho đồng chí khác, trong năm tới 2013, có ai làm mãi được đâu. Đã là kẻ sĩ không thể đến tuổi nghỉ hưu lại xin thêm vài năm ở lại để “cống hiến”. Tôi buồn cười vì chuyện đó lắm".
“Không mua ai và cũng không ai mua được mình”
Dưới quyền của TBT Hữu Ước, báo Công an Nhân dân cũng thường có những bài chống tiêu cực, tham nhũng. Với những loại bài này, ông phải có nhiều loại “thuốc” để chống lại sự ngăn chặn, xin xỏ, mua chuộc. Ông tự nhận mình: “Không mua ai và cũng không ai mua được mình”.
Làm tờ báo đánh đấm chống tiêu cực nhiều, 17 năm qua số người ưa và số người ghét Hữu Ước ngày một tăng lên.
“Tôi nặng lòng với những người nghèo. Tôi đã từng ở dưới đáy xã hội nên thấm thía cái nghèo, cái bất hạnh. Báo tôi làm từ thiện rất nhiều. Tôi đi đâu cũng xin của người giàu để cho người nghèo, xin bao nhiêu cũng thấy ít. Cho sướng hơn nhận rất nhiều. Tôi không sợ gì, điều tôi sợ nhất lòng tốt và lẽ phải. Bây giờ đang làm TBT, bảo ngày mai nghỉ, tôi vẫn vui như Tết, chả băn khoăn điều gì cả, chẳng bị áp lực quyền chức. Tôi nhận ra mình sống hồn nhiên như cây cỏ”.
Có phải giống như câu hát: “Em hồn nhiên rồi em sẽ bình minh” của Trịnh Công Sơn?”
“Tôi không phải “hồn nhiên” để “bình minh”, lớp 10 của tôi có 24 anh em, đi bộ đội hy sinh 18 người, 6 người sống sót. Tôi sống đến giờ này, 42 tuổi quân 40 năm tuổi Đảng là lãi lắm rồi” .