Ngày 16/7, Bộ Nội vụ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2019. Theo Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân, năm 2019, ngành Nội vụ xác định công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên cần tập trung thực hiện.
Cùng với đó, Bộ Nội vụ đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm về tổ chức bộ máy; sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; cải cách chế độ công vụ, công chức; công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; công tác tôn giáo; công tác thi đua, khen thưởng; công tác văn thư, lưu trữ… đã đạt được những kết quả tích cực.
Báo cáo tại hội nghị, ông Vũ Đăng Minh, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ cho biết, từ năm 2015 đến ngày 30/6/2019, ngành Nội vụ đã thẩm tra và quyết định tinh giản được hơn 41 nghìn biên chế.
Cụ thể, biên chế khối cơ quan Chính phủ quản lý đã giảm được 6,75% so với số giao năm 2015; 54/63 tỉnh, thành phố đã thực hiện việc sáp nhập các trung tâm có chức năng tương đồng để thành lập Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát bệnh tật.
Theo ông Phan Văn Hùng, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ), đã có 61/63 tỉnh thành có số liệu gửi Bộ Nội vụ việc rà soát để xác định số lượng các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện phải thực hiện sắp xếp trong giai đoạn 2019- 2021. Riêng TP HCM và Cần Thơ chưa báo cáo vì chưa tổng hợp được số liệu về diện tích tự nhiên, quy mô dân số của các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
Hiện có 13 tỉnh, thành phố có đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện phải sắp xếp, trong đó 9 tỉnh, thành phố đề nghị chưa tiến hành việc sắp xếp này trong giai đoạn 2019- 2021. Cụ thể, số đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện phải sắp xếp là 20 đơn vị; trong đó, các tỉnh, thành phố đề nghị tiến hành sắp xếp 6/20 đơn vị.
Cùng với đó, có 42 tỉnh thành có đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sắp xếp, trong đó Hà Nội, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh đề nghị chưa sắp xếp. Có 4 tỉnh là Bình Thuận, Kiên Giang, Sơn La, Tây Ninh mặc dù không có đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sắp xếp nhưng đã tiến hành sắp xếp theo diện khuyến khích.
Theo tính toán, số lượng đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sắp xếp là 623 đơn vị; trong đó các địa phương đề nghị tiến hành sắp xếp 518/623 đơn vị. Số lượng đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện khuyến khích sắp xếp là 134 đơn vị; số lượng đơn vị hành chính có liên quan đến sắp xếp là 374 đơn vị. Như vậy, tổng số đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp là 1.026 đơn vị.
Tại Hội nghị, đại diện các tỉnh, thành đã chia sẻ những thuận lợi, khó khăn trong việc sắp xếp tổ chức bộ máy; sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện cấp xã; tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức…
Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Trọng Tân cho rằng, cần quy định rõ thẩm quyền của UBND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã và quy định rõ cơ chế phân cấp, ủy quyền trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). Cùng với đó, cần quy định bố trí tối thiểu 6 công chức/phòng trong các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện. Đối với phòng, ban chuyên môn thuộc Chi cục cần tối thiểu 5 biên chế/ phòng. Đối với Sở có 6 đầu mối trở lên cần bố trí 3 Phó Giám đốc; Sở có 5 đầu mối trở xuống bố trí 2 Phó Giám đốc nhằm khắc phục tình trạng cào bằng như hiện nay.
Phó Giám đốc phụ trách Sở Nội vụ thành phố Hà Nội Nguyễn Đình Hoa đề nghị Trung ương sớm ban hành khung năng lực vị trí việc làm; có chính sách hợp lý đối với cán bộ dôi dư sau sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập. Phân cấp, phân quyền cho UBND cấp tỉnh trong việc điều chỉnh vị trí việc làm của các cơ quan hành chính nhà nước thuộc quyền quản lý. Đồng thời, nghiên cứu cơ chế cắt giảm biên chế hành chính hàng năm không máy móc, cơ học hoặc nghiên cứu chế độ công chức hợp đồng để đáp ứng các nhiệm vụ được giao.