Hội thảo khoa học về đồng chí Nguyễn Phong Sắc

TPO - Sáng 24/1, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Ban Tuyên giáo T.Ư và Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Đồng chí Nguyễn Phong Sắc - Người cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam”, nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Phong Sắc (1/2/1902 - 1/2/2022).

Đồng chí Nguyễn Phong Sắc tên khai sinh là Nguyễn Đình Sắc, sinh ngày 1/2/1902, tại ngôi nhà nhỏ ở làng Bạch Mai (nay là số nhà 152 phố Bạch Mai, phường Cầu Dền, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), trong gia đình giàu truyền thống yêu nước cách mạng. Cha của ông là cụ Nguyễn Đình Phúc tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục năm 1907, sau đó bị địch bắt và đày đi Côn Đảo 5 năm.

Sau khi đỗ đầu kỳ thi Thành chung ở trường Bưởi, ông đã từ chối không nhận học bổng đi du học ở Pháp và xin vào làm việc ở Sở Tài chính. Ông vẫn giữ quan hệ với nhóm bạn thân từ khi còn học ở trường Bưởi là Trần Quang Huyến ở phố Công sứ Mi-ri-ben (nay là phố Trần Nhân Tông), Hồ Trọng Hiếu (tức nhà thơ Tú Mỡ) ở làng Láng, Trịnh Bá Bích ở phố Bạch Mai. Chính từ nhóm bạn này, ông đã được ông Trần Quang Huyến giới thiệu với các hội viên của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên.

Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại hội thảo

Cuối năm 1926, Nguyễn Đình Sắc gia nhập chi hội đầu tiên của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên gồm 11 người do đồng chí Nguyễn Công Thu làm Bí thư. Đây là bước ngoặt quan trọng đầu tiên, đánh dấu sự biến chuyển trong nhận thức tư tưởng và ông đã lấy tên mới - Nguyễn Phong Sắc - mang ý nghĩa ngọn gió mới với khát vọng làm cách mạng giành độc lập, thoát khỏi ách nô lệ.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã có bài phát biểu nêu bật những đóng góp của đồng chí Nguyễn Phong Sắc, chiến sĩ cộng sản kiên cường, mẫu mực, thủy chung, người con yêu dấu của Đảng và của Hà Nội.

Ông Dũng nhấn mạnh, sự nghiệp cách mạng của đồng chí Nguyễn Phong Sắc để lại cho Đảng bộ và nhân dân Thủ đô là rất to lớn và vẻ vang, đặc biệt là những kinh nghiệm trong tư duy, trong hành động quyết liệt, khoa học với mục tiêu cao nhất là độc lập dân tộc, tự do cho nhân dân.

Ghi nhớ công lao của đồng chí Nguyễn Phong Sắc, người con ưu tú của quê hương Bạch Mai, người cán bộ xuất sắc của Đảng bộ Hà Nội, cố Tổng Bí thư Trường Chinh, tại buổi tiếp đón con cháu liệt sĩ Nguyễn Phong Sắc ngày 6/5/1987 đã xúc động nói: “Đồng chí Nguyễn Phong Sắc, một chiến sĩ cộng sản kiên cường, mẫu mực, thủy chung, một người con yêu dấu của Đảng và của Hà Nội”.

“Học tập và vận dụng sáng tạo tư duy khoa học, phong cách làm việc, ý chí kiên trung, bất khuất của đồng chí Nguyễn Phong Sắc, nhà cách mạng tiền bối tiêu biểu của cách mạng Việt Nam, thành phố Hà Nội hôm nay tự hào với nhiều thành tựu nổi bật trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Thủ đô xã hội chủ nghĩa theo con đường Đổi mới của Đảng. Kể từ những ngày tháng Mười lịch sử của gần 70 năm trước (10/10/1954), trong rừng cờ đỏ sao vàng, các cửa ô Hà Nội ngập tràn niềm vui chiến thắng đón chào đoàn quân tiến về giải phóng Thủ đô, đến nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô luôn đoàn kết một lòng, không ngừng đổi mới, sáng tạo, chung sức, đồng lòng, gương mẫu xây dựng Thủ đô xứng với niềm tin yêu của cả nước”, ông Dũng nói.

Bí thư Thành uỷ Hà Nội cho rằng, cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vẻ vang của đồng chí Nguyễn Phong Sắc, người chiến sĩ cộng sản kiên trung, cả cuộc đời phấn đấu vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng, tấm gương sáng, mẫu mực cho cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô noi theo.

"Hội thảo ngày hôm nay có ý nghĩa rất sâu sắc, không chỉ làm sáng rõ thêm những hoạt động, cống hiến của đồng chí Nguyễn Phong Sắc đối với cách mạng, dân tộc Việt Nam, với quê hương và phong trào cách mạng Hà Nội, mà còn góp phần khơi dậy niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô; bồi dưỡng, giáo dục lý tưởng và truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên, thế hệ trẻ nói chung và thế hệ trẻ Hà Nội nói riêng”, ông Dũng nêu thêm.

Ông Dũng cũng điểm lại những thành tựu của thành phố Hà Nội đạt được sau 35 năm đổi mới. Đặc biệt, năm 2021 vừa khép lại, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, cả nước nói chung và Thủ đô còn gặp nhiều khó khăn, thách thức do đại dịch COVID-19. Song, phát huy truyền thống cách mạng, Thủ đô ngàn năm văn hiến - anh hùng, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Hà Nội đã thực hiện nghiêm quy định của Trung ương và phù hợp với diễn biến tình hình dịch bệnh của thành phố, triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch chưa có tiền lệ. Đồng thời, thận trọng, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, với tinh thần cầu thị, lắng nghe, điều chỉnh kịp thời những bất cập, vướng mắc, sẵn sàng chuẩn bị phương án phòng, chống dịch ở cấp độ cao hơn để không bị động, bất ngờ khi có tình huống xấu xảy ra, từng bước chuyển sang trạng thái “thích ứng an toàn, linh hoạt”, bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, khôi phục và phát triển kinh tế.

Cùng với đó, công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị luôn được quan tâm, coi trọng hàng đầu, được xác định là nhiệm vụ then chốt, có vai trò và ý nghĩa quyết định việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của thành phố. Đảng bộ thành phố kịp thời ban hành và tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chương trình công tác toàn khóa, các chỉ thị, nghị quyết chuyên đề tập trung vào những vấn đề trọng tâm, tạo đột phá trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của thành phố. Nhờ đó, Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố năm 2021 tăng 2,92% (cả nước tăng 2,58%), cân đối thu - chi ngân sách vẫn được bảo đảm: Thu ngân sách nhà nước đạt 112,3% dự toán Trung ương giao, đảm bảo các nhiệm vụ chi theo dự toán, nhất là các nhiệm vụ chi đầu tư phát triển, phòng, chống dịch Covid-19, chi cho công tác an sinh xã hội…

Theo Bí thư Thành ủy, trước yêu cầu và thách thức mới đặt ra cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô, cần tiếp thêm sức mạnh ý chí và nghị lực, tiếp tục học tập và noi theo tấm gương kiên trung, bất khuất của các bậc tiền nhân. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô tự hào và nguyện viết tiếp những trang sử hào hùng, oanh liệt mà các bậc tiền bối, các chiến sĩ cách mạng đầu tiên của Đảng bộ Hà Nội, trong đó có đồng chí Nguyễn Phong Sắc để lại. Đồng thời, tiếp tục kế thừa, phát huy truyền thống văn hiến, anh hùng và hòa bình, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; huy động mọi nguồn lực, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.