Hồi sinh sau nỗi đau kép

TP - Không còn cảnh tang tóc, đổ nát, hoang tàn... sự hồi sinh diệu kỳ hiện rõ trên đường làng, ngõ xóm, trên mỗi mặt người, nơi vùng quê vừa mới trải qua cơn thịnh nộ thiên nhiên.
Anh Hợi đang xây lại ngôi nhà của mình và hài hước: mặc áo vợ hóa ra lại hay, giờ nhận được toàn áo quần đẹp

Trong tiết trời mưa lạnh cuối đông, chúng tôi quay trở lại xã Quảng Sơn, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) - nơi cơn lốc xoáy tàn phá kinh hoàng lúc nửa đêm, cách nay hơn hai tháng. Một sự thay da, đổi thịt đến bất ngờ. Màu xanh của cây trái, màu ngói đỏ tươi từ đầu làng đến cuối xóm cho thấy một cuộc sống thanh bình đang dần trở lại sau những hoang tàn, đổ nát.

Cha chết, mẹ đi viện, Phan Ngọc Trung thẫn thờ trên đống đổ nát.

Trưởng thôn Hà Sơn, Nguyễn Văn Lân, đón chúng tôi ngay bến đò ngang với gương mặt rạng ngời, luôn miệng nói lời cảm ơn. Theo ông Lân, đã có hàng nghìn cá nhân, tập thể, các nhà hảo tâm về giúp đỡ, chia sẻ khó khăn với người dân, từ lương thực, thuốc men, tiền bạc, áo quần, giống cây trồng... Giờ ở Hà Sơn tất cả những nhà bị tốc mái đã được lợp lại, nhà sập đang được xây dựng mới để kịp đón Tết.

“Dân chúng tôi tưởng chừng như gục hẳn sau cơn lốc xoáy, rứa mà giờ có cơm no, áo ấm, nhà cửa khang trang rồi chú nờ. Báo chí thông tin kịp thời nên nhận được sự quan tâm của Nhà nước, rồi các nhà hảo tâm không quản xa xôi, vất vả, về tận nơi giúp đỡ. Người dân chúng tôi gượng dậy được như ngày hôm nay, đúng là một phép mầu chú ạ. Có nằm mơ cũng không thấy” - ông Lân xúc động.

Mai Văn Đông chui rúc trong đống đổ nát, tìm chứng minh nhân dân của mẹ để bệnh viện làm chế độ bảo hiểm cho mẹ

Gặp lại hai anh em Mai Văn Đông (lớp 6) và Mai Thị Hồng Đào (lớp 1) trên đường đi học về. Cu cậu nhoẻn miệng cười, mừng khoe là mẹ đã ra viện. Giờ bà con, làng xóm đang giúp xây lại nhà mới. Thương mẹ, Đông cố gắng học tập và được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi Toán của trường. Đông là nhân vật xuất hiện trong bức ảnh trên báo Tiền Phong. Trong ảnh, em đang cố gắng bò, toài dưới đống đổ nát, tìm chứng minh nhân dân của mẹ để bệnh viện làm bảo hiểm vì mẹ em bị gãy cổ, chấn thương sọ não khi nhà sập. Từ bức hình xúc động đó, cùng với đề xuất của PV Tiền Phong, Sở Y tế Quảng Bình quyết định, miễn toàn bộ viện phí cho những người bị thương trong cơn lốc xoáy.

Đông và em gái đi học về và vui mừng cho biết cháu đã được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi của trường

Cạnh đó là nhà của anh Mai Văn Hợi (37 tuổi)- người phải mặc áo vợ, run rẩy lục tìm áo quần của mình trong đống đổ nát. Lốc xoáy, kèm theo nước lũ lên nhanh đã cuốn sạch tài sản của gia đình anh. Gặp lại, anh tươi cười cho biết: Tiền hỗ trợ được hơn 40 triệu đồng, gia đình vay mượn thêm, xây một ngôi nhà thật kiên cố để chống bão. “Mặc áo vợ rứa mà hay. Đoàn hảo tâm mô về cũng hỏi cái anh mặc áo vợ mô rồi để cho áo quần. Nhờ rứa mà tui giờ toàn quần áo đẹp” - anh Hợi hóm hỉnh nói.

Dân chúng tôi tưởng chừng như gục hẳn sau cơn lốc xoáy, rứa mà giờ có cơm no, áo ấm, nhà cửa khang trang rồi chú nờ.

Ở thôn Linh Cận Sơn, mọi người cũng đang chạy đua với thời gian, mong hoàn thành công việc để kịp đón Tết. Con đường lầy lội chạy giữa làng giờ được đổ bê tông thẳng tắp, hai bên đường là những ngôi nhà mới đang dần hoàn thiện.

Ngay đầu làng là nhà của nạn nhân xấu số Phan Xuân Sơn (49 tuổi) - người đã lấy thân mình che chở cho vợ là Trần Thị Lĩnh (46 tuổi) khi ki-ốt bị cơn cuồng phong làm đổ sập. Cha chết, mẹ đi viện, làng xóm ai cũng căng mình khắc phục hậu quả, chỉ còn lại một mình, Phan Ngọc Trung (lớp 6), trong áo tang trắng rợn người, thẫn thờ trên đống đổ nát. Hình ảnh điển hình một cảnh tang thương bao trùm ngôi làng nhỏ sau trận cuồng phong.

Vẫn gương mặt đượm buồn vì mất cha, nhưng giờ Trung đã có mẹ bên mình.

Gần hai tháng nằm viện, bà Lĩnh đã về nhà nhưng đi lại vẫn khó khăn do chấn thương cột sống và xương vai bị gãy vẫn chưa hồi phục. “Không có dân làng giúp đỡ thì thi hài của anh ấy đã bị nước cuốn trôi, còn tôi chắc cũng không sống nổi. Toàn bộ tài sản của gia đình đều để ở quán, bị tường bê tông đè nát không còn gì, may mà có cứu trợ không thì cũng chết đói” - bà Lĩnh nói.

Gặp lại trưởng thôn Linh Cận Sơn, Trần Ngọc Giới, ông cũng đang xây lại ngôi nhà bị sập của mình. Hình ảnh ông Giới khập khiễng với đôi nạng gỗ tập tễnh khắp làng để thống kê thiệt hại, chỉ đạo dân làng giúp nhau khắc phục hậu quả, thật đáng khâm phục. Nhà sập, bị thương ở chân, nhưng ông không đi viện chữa trị mà quyết tâm ở lại với dân làng. “Nói thiệt lúc đó ai cũng hoảng loạn, mình mà đi viện nữa thì dân làng biết bấu víu vào đâu. Không làm được gì, nhưng có mình dân làng vẫn yên tâm hơn” - ông Giới cười hiền tâm sự.

Ông giới cho biết: Toàn thôn có 247 hộ đều nhận được cứu trợ không lo đói cho đến ra Tết. Hơn 200 ngôi nhà bị sập và tốc mái đều đã được dựng lại và xây mới. Hơn hai tháng qua, dân làng đã tập trung tổng lực để giúp nhau khắc phục hậu quả, phấn đấu Tết này gia đình nào cũng được ấm cúng trong ngôi nhà của mình.

Chia tay, ông nắm chặt tay chúng tôi xúc động nói: “Không thể nói hết những ân tình mà cả nước đã dành cho người dân chúng tôi trong hoạn nạn. Đúng là giờ mới hiểu hết ý nghĩa những câu nói của cha ông để lại: “Lá lành đùm lá rách”; “Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây” chú ạ!”.