Năm nay, hội đua thuyền có 30 đội nam và nữ, chia làm 2 bảng A và B với cự ly lần lượt là 24 km và 18 km.
Từ 5-6h sáng, hàng nghìn người đã đổ về bên bờ sông Kiến Giang để tìm cho mình một ví trí tốt nhất quan sát, cổ vũ cho đội nhà. Đường đua là con sông Kiến Giang, trong đó có đoạn đi qua nhà lưu niệm cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở thôn An Xá, xã Lộc Thủy.
Nhiều người mang theo radio để nghe phát thanh trực tiếp về hội đua thuyền.
Tương truyền, hội đua thuyền có từ thế kỷ 15 và được Dương Văn An viết trong cuốn Ô châu cận lục. Là vùng chiễm trũng thường ngập lụt, lễ hội đua thuyền không chỉ là ngày hội vui chơi, đua tài của người dân sống bên cạnh con sông Kiến Giang, mà còn là dịp để mọi người cầu bình yên, lạc nghiệp.
Ngày 2/9/1946, lần đầu tiên người Lệ Thủy tổ chức đua thuyền mừng tết Độc lập. Trong những năm chiến tranh, hội đua bị gián đoạn 2 lần, đến ngày đất nước thống nhất thì tổ chức liên tục.
Cả tháng trước khi cuộc đua cấp huyện diễn ra, các thôn, xã cử người tập luyện và tham dự cuộc đua ở cấp cơ sở để chọn đội mạnh nhất đi đua tài.
Các đội đua đều làm lễ tế trời đất, sông nước trước khi xuống thuyền, hạ thủy và tập luyện.
Người tham gia đua thuyền được lựa chọn kỹ càng, đòi hỏi có sức khỏe dẻo dai và tinh thần thi đấu cao. Nam từ 30-40 tuổi, nữ từ 25-35 tuổi và phải có hộ khẩu tại nơi thi đấu.
Mỗi thuyền đua có khoảng 30 thành viên. Trong đó, người đứng giữa cầm mõ có vai trò quan trọng, giúp các tay đua giữ nhịp với nhau, hô hào để lên tinh thần cho cả đội.
Dù thắng hay thua, các thuyền đua đều tổ chức ăn mừng ngày đất nước độc lập. Để cổ vũ, khán giả đứng dưới bờ dùng mọi vật dụng khoát nước sông lên thuyền mỗi khi có đội đua đi qua.
Hội đua thuyền đi vào tiềm thức của người dân Lệ Thủy, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu và là niềm tự hào của người Lệ Thủy xa quê.