Học nghề đắt hàng, “đại học thất nghiệp“

TP - Tốt nghiệp đại học, sau nhiều năm tìm việc không thành, không ít bạn trẻ đã quay lại học nghề. Hiểu nghề, biết nắm bắt nhu cầu thị trường, không ít học viên đã có mức thu nhập cao lại không tốn quá nhiều thời gian, chi phí đào tạo.
Đầu bếp đang là nghề hot, dễ kiếm việc làm hiện nay

Nghề hot, lương cả ngàn đô

Là Tổng bếp trưởng đầu tiên trong khách sạn quốc tế 5 sao Sehraton, anh Nguyễn Công Chung chia sẻ, lựa chọn nghề đầu bếp đã thay đổi cuộc đời anh. Khi làm đầu bếp, anh được đi khắp các nước Á, Âu để giới thiệu món ăn Việt Nam. Nghề cũng mang lại cho anh nhiều vinh quang, thu nhập tốt và trên hết là sự hài lòng, con cái luôn tự hào có bố là một đầu bếp giỏi. 

Anh chia sẻ: “Cũng như bao nhiêu bạn trẻ khác, khi học xong THPT tôi đứng giữa ngã ba đường, học nghề hay học đại học”. Khi đó, may mắn một người họ hàng đã khuyên nhủ anh đi học nghề nấu ăn. 

Anh cũng từng nghĩ, nghề nấu ăn chỉ dành riêng cho phụ nữ. Nhưng khi ghi tên vào học trung cấp nghề nấu ăn, anh mới hay, không riêng mình mà có rất nhiều nam thanh niên cũng nuôi đam mê với nghề bếp núc.

Nghiêm túc học tập, chịu khó sáng tạo, chỉ sau một năm học nghề, anh được đánh giá tay nghề khá. Ra trường, anh được nhận việc ở một nhà hàng Ấn Độ với mức lương tính bằng USD. Tuổi trẻ, ham mê thử nghiệm, anh nói vui, bếp nhà luôn như bãi chiến trường sau mỗi ngày anh hì hụi với những món ăn. Nhờ đó, anh đã biến tấu được những món ăn Á, Âu mang hương vị riêng, phù hợp cho nhiều đối tượng. 

Sau đó, anh trúng tuyển vào làm đầu bếp của 2 khách sạn Daewoo và khách sạn Metropole. Anh lựa chọn khách sạn Metropole để đầu quân cùng lúc làm thêm ở một nhà hàng trên phố Hàng Trống. 

Có kinh nghiệm, có tay nghề anh được mời về làm việc ở khách sạn quốc tế 5 sao Sheraton trong vai trò bếp phó, bếp chính và năm 2013 anh được chọn làm Tổng bếp trưởng người Việt đầu tiên trong hệ thống khách sạn quốc tế 5 sao của Tập đoàn Starwood.

Nguyễn Văn Dũng quê ở Hà Tĩnh, tốt nghiệp ĐH Sư phạm nhưng không tìm được việc làm. Giấu tấm bằng ĐH, Dũng làm chân bồi bàn cho cửa hàng ăn, quán cà phê suốt hai năm ròng. Một lần, được đầu bếp chính nhà hàng anh chạy việc gợi ý quay lại học nghề, Dũng đã ghi danh vào một trường nghề học làm đầu bếp. 

Vừa học vừa làm, sau 2 năm học nghề xuất sắc, Dũng được giới thiệu vào đứng bếp cho một nhà hàng trên phố Nguyễn Thái Học (Hà Nội) với mức lương ban đầu 800 USD.

Sau khi tốt nghiệp khóa học sửa chữa ô tô ở Trường cao đẳng nghề Công nghệ cao, Trần Anh Trung sinh năm 1988 được nhận về làm việc ở một xưởng ô tô tại Hà Nội với mức lương gần chục triệu đồng. Có tay nghề lại chịu khó học hỏi kinh nghiệm những người đi trước, không bao lâu anh trở thành thợ cứng của xưởng với thu nhập gần 20 triệu đồng/tháng. 

Anh chia sẻ, “so với mức lương nhà nước ít ỏi của bạn bè anh rất hài lòng với công việc và thu nhập hiện tại”.

Ngày càng nhiều người chọn học nghề

Ông Nguyễn Xuân Hùng, Hiệu trưởng Trường trung cấp nghề nấu ăn và nghiệp vụ khách sạn Hà Nội cho hay, gần 40 năm trường đào tạo nghề đầu bếp chưa có năm nào trường phải đau đầu vì lo đầu ra cho học sinh. Vì chú trọng đào tạo chuyên sâu lại là ngành nghề xã hội luôn cần đến nên có tới 90% học sinh sau khi ra trường có ngay việc làm tại các nhà hàng, khách sạn, tự mở nhà hàng kinh doanh. 

Nhiều người đã trở thành bếp trưởng của những khách sạn 5 sao như Daewoo, Sheraton Hà Nội. Ngoài ra, một lượng học sinh không nhỏ được các bếp ăn tập thể, trường học thuê về làm việc với mức lương khá.

Nghề cơ khí đang là nghề hot, dễ kiếm việc làm hiện nay

“Để học sinh khi ra trường không bị chê là không có kinh nghiệm, ngay từ sau năm học thứ nhất trường tạo điều kiện cho học sinh vừa học vừa làm tại một đơn vị nào đó có hưởng lương”, ông Hùng cho hay. Như vậy, ngoài học thực hành ở trường, khi làm việc ở các nhà hàng chính là cơ hội cho học sinh trải nghiệm, học tập.

Ông Nguyễn Quang Tuyền, Trưởng phòng đào tạo và quản lý học sinh, sinh viên trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội cho biết, những năm gần đây doanh nghiệp khó khăn cũng ảnh hưởng không nhỏ tới đầu ra của sinh viên. 

Tuy nhiên, cũng có những ngành trường không đáp ứng đủ nhu cầu cho thị trường như: cơ khí, sửa chữa ô tô…Với những học viên có kết quả học tập xuất sắc, sau khi ra trường được các công ty đến tuyển trực tiếp với mức lương rất cao. Cũng có học viên chưa hoàn thành chương trình học đã trúng tuyển đi làm việc ở Nhật Bản.

Trước đó, trao đổi với Tiền Phong, Tổng cục trưởng Tổng cục dạy nghề ông Dương Đức Lân cho rằng, trong bối cảnh khó khăn, các trường nghề phải thật sự năng động mới có đầu ra tốt cho học viên. Ở các TP như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… rất nhiều trường đào tạo nghề đã không cung ứng đủ nhân lực cho thị trường trong khi có nhiều cử nhân, thạc sỹ lại thất nghiệp. 

“Điều đó chứng tỏ sự nỗ lực trong việc liên kết với các doanh nghiệp, nghiên cứu thị trường ngành nghề sát nhu cầu thực tiễn của các trường đào tạo”, ông Lân cho hay.

Ông Lân cho biết thêm, hiện nay hệ thống trường nghề đang đào tạo khoảng 1.500 nghề nhưng những nghề hấp dẫn, có nhiều cơ hội việc làm, thậm chí có những nghề sau khi ra trường học viên có thu nhập hàng nghìn USD như: nghề quản trị du lịch, nấu ăn, thủy thủ tàu, lái tàu biển, điện tử, cơ điện… chưa nhiều.

Học nghề ngày càng được nhà nước đầu tư. Tuy nhiên cách đào tạo và đánh giá chất lượng học viên cũng được tổ chức lại. Được biết năm 2015, các nước ASEAN sẽ thống nhất thành một thị trường lao động. Khi đó, những người học nghề được thi bậc nghề và trả lương theo cấp bậc, trình độ.

Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội Phạm Xuân Khánh cho hay, có đầu ra tốt, người học nghề ngày càng nhiều. Tuy nhiên, không thả lỏng cho học viên lựa chọn như trước đây, trước khi vào học, trường tư vấn kỹ về đặc thù, cơ hội việc làm, mức thu nhập từng ngành cho học sinh cân nhắc.

Cũng theo các nhà quản lý trường đào tạo nghề, có những đơn vị đào tạo nghề hiện nay không nghiên cứu thị trường, xin cấp mã ngành và đào tạo tràn lan khiến không ít học viên tốt nghiệp không kiếm được việc làm. Trường cao đẳng nhưng đi thuê giáo viên trường trung cấp về dạy. Không đào tạo chuyên môn sâu dẫn đến chất lượng, kỹ năng nghề của học viên không cao gây ảnh hưởng đến hệ thống đào tạo nghề toàn ngành.

Kinh phí đóng góp đối với mỗi học sinh học nghề ở hệ thống trường công không đáng kể. Ví như ngành nấu ăn, hệ trung cấp chưa đến 100 nghìn đồng/em/tháng; trường cao đẳng chưa đến 200.000 đồng/em/tháng. Ngoài ra, con em gia đình chính sách, hộ nghèo còn được hỗ trợ học phí và nhiều điều kiện khác.