Đó là khẳng định của TS Sally Percival Wood, đang công tác tại Trung tâm nghiên cứu Công dân và Toàn cầu hóa thuộc Đại học Deakin (Úc), trong cuộc trao đổi với Tiền Phong ngày 29/5 tại Hà Nội.
Quan điểm của bà về việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam?
Tốt hơn là Trung Quốc hành động theo đúng Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông, tôn trọng chủ quyền của các nước và không hành động ngang ngược. Nhưng có vẻ Trung Quốc đang thay đổi chính sách ngoại giao từ cái gọi là “trỗi dậy hòa bình” tới một kiểu biểu lộ, phô trương. Đây là tình thế mới mà tôi nghĩ rất thách thức đối với Việt Nam.
Chính phủ Úc trung lập trong các tranh chấp, và thường không đưa các tuyên bố mạnh mẽ. Nhưng diễn biến căng thẳng trên biển Đông hiện nay là vấn đề quan ngại đối với Úc vì 60% lượng hàng hóa của chúng tôi được vận chuyển qua đây. Nên tình huống hiện nay chúng tôi không thể phớt lờ.
Chính phủ Úc sẽ thúc giục các bên tuân thủ bộ quy tắc ứng xử. Trong tình hình hiện nay, các nước thành viên ASEAN có lợi ích trực tiếp ở biển Đông như Malaysia, Philippines, Brunei, Việt Nam nên đồng thuận với nhau để giải quyết hiệu quả hơn.
Bà nghĩ thế nào về việc tàu cá của ngư dân Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm chìm?
Hành động đó thật nguy hiểm và khiêu khích. Tôi nghĩ việc đó thật tồi tệ.
Theo bà, Việt Nam có nên kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế về những hành động khiêu khích của họ gần đây trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam?
Úc cam kết tuân thủ và tôn trọng luật pháp quốc tế. Tôi nghĩ cách giải quyết tốt nhất là thông qua quy trình luật pháp quốc tế, nhưng Trung Quốc có muốn tham gia vào quy trình đó không mới là vấn đề.
Trung Quốc đối mặt nguy cơ gì khi hành động hung hăng như vậy trên biển Đông?
Tôi nghĩ Trung Quốc mạo hiểm với chính danh tiếng của họ. Họ nói những điều như “phát triển cùng có lợi”, “trỗi dậy hòa bình” hay tương tác “hài hòa”, nhưng có vẻ họ không thành thật, họ rất hung hăng trên biển Đông. Tôi nghĩ Trung Quốc cuối cùng sẽ hủy hoại danh tiếng của mình với những hành động hung hăng đó.
Theo bà, đâu là những khó khăn, thách thức mà ASEAN đang gặp phải trong bối cảnh các cường quốc ngày càng can dự vào khu vực?
Tôi nghĩ chúng ta thiếu một thể chế khu vực để phát triển. Úc từng đề xuất lập ra một thể chế như cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương mà cựu Thủ tướng Úc Kevin Rudd đề xuất năm 2009, tất nhiên ASEAN có lý do nên không đồng ý. Úc muốn giữ Mỹ hiện diện ở khu vực ở mức độ nhất định và điều đó rất cần thiết để giữ thăng bằng cán cân với Trung Quốc.
Tôi nghĩ các nước ASEAN cũng muốn giữ sự hiện diện của Mỹ trong khu vực vì ngày càng nhiều người lo lắng về thái độ ngày càng hung hăng hơn của Trung Quốc. Tôi nghĩ cả Úc và ASEAN đều muốn duy trì một mức độ ảnh hưởng cân bằng của tất cả các cường quốc tại khu vực này để không nước nào chiếm vị trí thống trị.
Ngày 29/5, Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh trả lời phỏng vấn CNN, khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển theo quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982; phản đối mạnh mẽ việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 và đưa nhiều tàu hộ tống, bao gồm cả tàu quân sự xâm phạm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và vùng thềm lục địa của Việt Nam; yêu cầu Trung Quốc phải rút ngay giàn khoan và các tàu hộ tống, bảo vệ ra khỏi vùng biển của Việt Nam…