“Xoài trồng được ba năm rưỡi, đang cho trái trĩu quả, giờ nếu xả lũ cao trên 1 mét nước thì cây sẽ chết hết”, bà Lê Thị Ngọc Nhang ở ấp Tân Định, xã Tân Lập (Tịnh Biên, An Giang) nói. Gia đình bà có 3,5 ha, trong đó một nửa bà trồng xoài đang cho trái, còn một nửa đã làm đất xong chuẩn bị sạ. Chồng bà Nhang là ông Lê Văn Điền cho biết thêm, chi phí đầu tư hết 350 triệu đồng. “Nếu xả lũ vào chắc chắn không be nổi sẽ trắng tay”, ông Điền nói.
Theo ông Điền, khoảng 6 năm nay không ai nói gì về xả lũ. Tuy nhiên, đến ngày 22/8, UBND xã mời họp thông báo năm nay nước lớn nên xả lũ, khiến nhiều người bất ngờ. Người dân không đồng ý và yêu cầu tiếp tục sản xuất lúa ba vụ. “Ngày 27/8, UBND xã tiếp tục mời tôi đến họp để thông báo xả lũ nhưng tôi không đồng ý vì nếu muốn xả lũ phải có kế hoạch và thông báo cho dân biết trước vài tháng, thậm chí cả năm để tôi biết đường chuyển đổi cây trồng cho phù hợp, đằng này đùng một cái, thông báo xả thì làm sao dân trở tay kịp”, ông Điền bức xúc nói.
Bà Nhang cho biết thêm, hiện tại kho lúa 120 tấn dựa phía sau nhà trị giá gần cả 1 tỷ đồng, nếu xả nước ngập lên sẽ không biết dời đi đâu, ai chịu trách nhiệm, trong khi lúa đang rớt giá, lỗ nặng.
Cùng ấp, ông Trần Văn Gấu có 1ha cho biết thêm, sau khi thu hoạch lúa xong thì đã thuê máy cày đất và chuẩn bị giống xong xuôi để sạ. Tuy nhiên, hiện giờ UBND xã thông báo xả lũ như thế làm khó khăn cho người dân. “Phải chi UBND xã thông báo lúc đầu vụ, khoảng 3 tháng trước thì dân khỏi phải tốn chi phí làm đất”, ông Gấu nói.
ÐANG LẤY Ý KIẾN DÂN
Ông Trương Minh Thức, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tịnh Biên cho biết, theo kế hoạch sản xuất nông nghiệp thì ngay từ cuối năm 2017 đã có kế hoạch xả lũ và đã thông báo cho lãnh đạo UBND xã Tân Lập. Đồng thời, năm nay huyện cũng quyết tâm xả lũ để tạo phù sa nên có kế hoạch từ sớm. “Hiện nay, UBND xã Tân Lập đang lấy ý kiến người dân xem tính đồng thuận như thế nào rồi mới quyết định. Đồng thời, tùy tình hình thực tế, lúc đó sẽ có phương án xả lũ, có kiểm soát”, ông Thức nói.
Tuy nhiên, điều đáng nói là người dân cảm thấy “bất ngờ” với thời gian thông báo xả lũ. “Cách nay khoảng 3 tuần tôi nghe phát trên loa phát thanh của xã là yêu cầu bà con không xuống giống. Đồng thời, nếu muốn trồng cây gì thì phải thông báo với UBND xã biết. Sau đó, ngày 22 và 27/8, UBND xã mời dân họp để thông báo xả lũ nhưng vì quá nhanh và bất ngờ nên tôi không đồng ý do không có đủ thời gian chuyển đổi sang cây trồng khác cho phù hợp”, bà Nhang nói.
Phóng viên đến UBND xã Tân Lập để tìm hiểu vấn đề này. Tại đây, ông Hồ Văn Thiện, cán bộ Văn phòng cho biết, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Bình Định là người phát ngôn, trong khi ông đang đi học ở tỉnh đến tháng 10 mới về. Đồng thời, ông nói rằng, việc này đang làm nên không cung cấp thông tin được.
Ông Trần Anh Thư, Giám đốc Sở NN&PTNN An Giang cho biết, xã Tân Lập không nằm trong vùng được bao đê 3 vụ theo quy hoạch của Bộ. Việc khép kín khu vực trên do địa phương tự thực hiện. Kế hoạch điều tiết trên không có báo cáo với Sở NN&PTNT.
Ðập Tha La và Trà Sư xả lũ sớm hơn dự kiến
Theo dự kiến, hai đập Tha La và Trà Sư ở huyện Tịnh Biên (An Giang) sẽ xả lũ vào ngày 3/9. Tuy nhiên do áp lực nước bên ngoài cao nên sẽ cho xả vào ngày 31/8. Hai đập này có cao trình là 3,8 m nhưng hiện mực nước bên ngoài đập Tha La là trên 3,95 m và Trà Sư là trên 3,99 m, (đều vượt mức báo động II), cao hơn cao trình của đập từ 0,15 m-0,19 m; nước từ thượng nguồn đã tràn qua đập với tốc độ khá cao.
Ông Lữ Cẩm Khường, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang cho biết, Sở đã làm việc và thống nhất với Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang sẽ tiến hành xả lũ hai đập Tha La và Trà Sư vào ngày 31/8, sớm hơn dự kiến 3 ngày nhằm giảm áp lực nước cho vùng ngoài đê bao và đảm bảo an toàn cho vùng hạ lưu.