> Vụ chôn thuốc sâu: 1 xã có 957 người bị ung thư, thần kinh, hỏng mắt...
> Tổng cục Môi trường đề xuất điều tra thiệt hại để đền bù cho dân
Nhiều người chết vì ung thư chưa rõ nguyên nhân
Thôn Cao Khánh, xã Yên Lâm, huyện Yên Định (Thanh Hóa) cách dãy núi hang Quynh (nơi có Công ty CP Nicotex Thanh Thái hoạt động) trên địa bàn xã Cẩm Vân, huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa) vài trăm mét. Mấy năm gần đây, chỉ tính mình thôn Cao Khánh đã có hơn 10 người chết vì căn bệnh ung thư, không rõ nguyên nhân. Trong số đó, có rất nhiều người còn trẻ tuổi.
Ông Lê Chí Thưởng (SN 1947), ở thôn Cao Khánh - người đang mang căn bệnh xơ gan trong giai đoạn có khả năng chuyển sang ung thư cho biết: Tôi đi bộ đội về từ 1975, sức khỏe rất tốt. Đến năm 2005 bị bệnh phải cắt một quả thận. Năm 2010, thấy trong người mệt mỏi, tôi đi khám ở bệnh viện thì bị kết luận xơ gan.
Tháng 10/2012, phát hiện u máu trong gan. Còn con gái tôi tên Lê Thị Ngân (SN 1977) lấy chồng ở thôn An Cư, xã Cẩm Tâm (huyện Cẩm Thủy) bị lưu thai 2 lần.
Tôi không rõ, nguyên nhân khiến chúng tôi bị bệnh có phải do môi trường ô nhiễm không. Thỉnh thoảng tôi thấy mặt nước giếng của gia đình mình có váng, cũng không rõ nó có độc hại gì không. Thế hệ chúng tôi, thôi thì không tính nữa, nghĩ cho đời con, đời cháu, tôi mong cơ quan chức năng sớm có những nghiên cứu, điều tra, làm rõ vì sao thôn tôi lại có nhiều người mắc bệnh hiểm nghèo như gia đình chúng tôi vậy.
Theo ông Nguyễn Văn Liếu, Trưởng thôn Cao Khánh cho biết: Toàn thôn Cao Khánh có 157 hộ, 100 % người dân dùng nước giếng khơi. Không hiểu sao, những năm gần đây, cả làng Cao Khánh rúng động, hoang mang, lo sợ vì có quá nhiều người chết vì ung thư và các loại bệnh hiểm nghèo khác.
Cá biệt, từ năm 2005 đến năm 2013 có tới 15 người chết vì ung thư. Cụ thể như: Nguyễn Phùng Lâm (SN 1965) chết năm 2009 vì ung thư gan; Lê Hoàng Trung (SN 1951) bị ung thư phổi, chết năm 2012; Lê Văn Dũng (SN 1959) ung thư vòm họng, chết năm 2009; Nguyễn Phùng Toan (SN 1963) ung thư gan, chết năm 2009; Lê Thanh Long (SN 1962), ung thư phổi chết năm 2009...
Cũng trong khoảng thời gian trên, chị Nguyễn Thị Chọn (SN 1971)- là em dâu ông Liếu, sinh 2 lần được 3 người con thì ba người con bị dị dạng, đều chết sau khi sinh một tuần. Ngoài chị Chọn ra, trong thôn còn có hơn 10 trường hợp khác bị sẩy thai, đẻ con bị dị dạng và chết...
Chị Nguyễn Thị Lâm (SN 1965) ở thôn Cao Khánh - người có chồng bị chết vì ung thư, lo lắng nói: Có những thời điểm, liên tục có người chết vì bệnh tật khiến cả làng hoang mang. Trong giếng nước nhà tôi, thỉnh thoảng có mùi như mùi con vật gì đó bị chết lâu ngày. Sông suối xung quanh khu vực này thưa thớt cá, cua sinh sống.
Thành lập tổ điều tra những người bị bệnh hiểm nghèo
Công ty CP Nicotex Thanh Thái không nằm trên địa phận xã Yên Lâm, nhưng xã Yên Lâm lại nằm phía dưới độ dốc khu vực được xác định là chôn lấp thuốc trừ sâu. Đặc biệt có những thôn, người dân sống giáp ranh khu vực của công ty như thôn Cao Khánh, Hành Chính, Thắng Long... Nếu việc chôn lấp thuốc trừ sâu bị thẩm thấu ô nhiễm môi trường nước, không khí, đất thì người dân những thôn này cùng với một số thôn ở xã Cẩm Vân, Cẩm Tâm là chịu ảnh hưởng nặng nhất.
Ngày 10/9, chúng tôi trở lại hiện trường Công ty CP Nicotex Thanh Thái khi mùi thuốc trừ sâu còn nồng nặc trong, ngoài khuôn viên. Người dân vẫn thay nhau bám giữ, bảo vệ hiện trường. Khắp thôn làng, ngõ xóm ở Yên Lâm, Cẩm Vân, Cẩm Tâm vẫn đang ngóng đợi, hy vọng một kết quả xử lý đúng quy định của pháp luật, xoa dịu sự mệt mỏi, bức xúc của người dân bị ảnh hưởng nhiều năm do ô nhiễm môi trường.
Ông Nguyễn Xuân Thái - Chủ tịch UBND xã Yên Lâm cho biết: Ngày 8/9, liên quan đến vụ việc người dân phát hiện hành vi chôn lấp hóa chất của Công ty CP Nicotex Thanh Thái, UBND xã Yên Lâm đã thành lập tổ điều tra, thống kê về những người bị bệnh hiểm nghèo từ năm 1997 đến nay.
Trong đó, có tới 142 người bị ung thư (tính cả người đã bị chết và người mắc bệnh đang còn sống), 127 người bị sẩy thai, đẻ con dị dạng, con bị tử vong sau đẻ...
Ông Nguyễn Xuân Thái cũng thẳng thắn, chia sẻ: Tôi thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần vào cuộc khẩn trương một cách đồng bộ (không riêng ngành công an) để nhanh chóng làm rõ sự nguy hại của việc chôn thuốc trừ sâu.
Khi làm rõ rồi thì xử lý triệt để về vấn đề môi trường chôn lấp hóa chất và môi trường bị ảnh hưởng. Cho lấy mẫu đất, nước ngầm để kiểm tra. Xử lý nghiêm vi phạm của công ty và phải bồi thường thiệt hại cho người dân xung quanh vùng đã chịu ảnh hưởng nhiều năm vì vi phạm môi trường của công ty...