Hoàn tất việc tu bổ Đình Nam Hương 'trăm tuổi'

TPO - Sau một năm tiến hành tu bổ, tôn tạo, hôm nay Đình Nam Hương bắt đầu mở cửa trở lại đón du khách và người dân Thủ đô đến thưởng lãm.

Sáng hôm nay, 23/7, Đình Nam Hương đã được Quận ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm và Ban quản lý Phố cổ Hà Nội tổ chức Lễ gắn biển chào mừng Đại hội đại biểu đảng bộ quận Hoàn Kiếm lần thứ XXVI, tiến tới Đại hội đại biểu Thành phố Hà Nội lần thứ XVII.

Đến dự Lễ gắn biển công trình, có các đại biểu: Trần Đình Thành – Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa; Nguyễn Công Bằng – Trưởng Ban Thi đua khen thưởng thành phố Hà Nội; Dương Đức Tuấn – Bí thư Quận ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân quận Hoàn Kiếm; Bùi Hoàng Phan – Phó Bí thư thường trực Quận ủy; Phạm Tuấn Long – Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch Ủy Ban nhân dân quận; Đỗ Văn Trụ - Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam.

Nằm trong quần thể di tích xung quanh hồ Hoàn Kiếm, Đình Nam Hương là một công trình có ý nghĩa lịch sử nổi trội, được xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa từ năm 1995.

Do sự tác động của thiên nhiên, di tích Đình Nam Hương dần dần bị xuống cấp, cần phải tu bổ tôn tạo.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Phạm Tuấn Long - Chủ tịch Ủy Ban nhân dân quận Hoàn Kiếm cho biết: “Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quận Hoàn Kiếm luôn chú trọng đến việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với thúc đẩy phát triển kinh tế và du lịch.

Xác định vị trí đặc biệt của Đình Nam Hương gắn với tượng đài Vua Lê nằm trong quần thể khu vực Hồ Gươm là di tích cấp quốc gia đặc biệt, quận Hoàn Kiếm đã tập trung nguồn lực để giải phóng mặt bằng, trả lại công viên của ngôi đình và tiến hành tu bổ tôn tạo.  

Sau một năm thực hiện, công trình tu bổ, tôn tạo đình Nam Hương đã hoàn thành.

 Đình Nam Hương, số 75 phố Hàng Trống (quận Hoàn Kiếm) được dựng lên khoảng cuối thời Lê – Nguyễn để thờ năm vị Thượng đẳng thần là: Lê Lợi, Thần Long Đỗ, Thần Cao Sơn Đại vương, Thần Linh Lang Đại vương và Công chúa Hà Duy. Đây là hiện tượng tương đối đặc biệt so với các di tích khác ở quanh hồ Hoàn Kiếm.

 

Hiện đình Nam Hương còn giữ được một số hiện vật có giá trị mang đặc trưng nghệ thuật thế kỷ XVII -XVIII như: 19 đạo sắc phong của các triều vua Lê, Tây Sơn và Nguyễn phong cho 5 vị Thượng đẳng thần; một bảng văn chạm kiểu chân quỳ dạ cá rất đẹp và quý hiếm do 1 đôi lân cõng, 5 long ngai, 1 choé sứ và nhiều đồ thờ tự khác.

Công trình được tu bổ, tôn tạo với tổng dự toán hơn 17 tỷ đồng. 

 Đình Nam Hương bắt đầu mở cửa trở lại đón du khách và người dân Thủ đô từ ngày hôm nay.