Hoạ sỹ Đức Dụ tặng tranh về 'Ký ức Trường Sơn' cho Bảo tàng Nam Định

TPO - Ngay sau khi kết thúc đợt triển lãm tranh “Ký ức Trường Sơn” tại Nam Định (từ ngày 14/12 đến ngày 24/12), họa sỹ Đức Dụ đã quyết định hiến tặng Bảo tàng Nam Định 2 bức tranh quý trong bộ sưu tập của mình.
Hoạ sỹ Đức Dụ tặng tranh về ký ức Trường Sơn cho Bảo tàng Nam Định - Ảnh: Hoàng Long

Trước đó, từ ngày 14/12 đến ngày 24/12/2019, tại Trung tâm Văn hóa, thể thao, thanh thiếu niên tỉnh Nam Định đã diễn ra Triển lãm "Ký ức Trường Sơn" giới thiệu hơn 50 bức tranh sơn dầu khổ lớn và những ký hoạ trực tiếp tại chiến trường của họa sỹ Đức Dụ.

Từ ngày 12 đến 24/12, hoạ sỹ Đức Dụ tổ chức triển lãm tranh "Ký ức Trường Sơn" tại Nam Định - Ảnh: Hoàng Long

Kết thúc đợt triển lãm, họa sỹ Đức Dụ đã quyết định hiến tặng cho Bảo tàng Nam Định hai tác phẩm có giá trị do ông sáng tác trong những năm tháng chiến đấu trên con đường Trường Sơn huyền thoại là hai bức tranh sơn dầu mang tên "Trọng điểm Tha Mé, mùa khô năm 1968" và "Con mắt trọng điểm".

Đây là 2 bức tranh được họa sỹ vẽ lại trên cơ sở hai bức ký họa trực tiếp tại chiến trường khắc họa khung cảnh chiến đấu, bảo vệ trọng điểm Tha Mé, Binh trạm 33 đường Trường Sơn của bộ đội ta trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, giai đoạn mùa khô năm 1968 - 1972. Địa điểm trên được xem là một trong những trọng điểm đánh phá ác liệt của máy bay Mỹ, nơi đã ghi đậm dấu ấn về những trận chiến đấu anh dũng và sự hy sinh cao cả của bộ đội ta, trong đó có quê hương Nam Hà - Nam Định.

Ông Nguyễn Văn Thư, Giám đốc Bảo tàng Nam Định tiếp nhận tranh của hoạ sỹ Đức Dụ - Ảnh: Hoàng Long

Chia sẻ tại buổi lễ, họa sỹ Đức Dụ cho biết, ông quyết định trao tặng các tác phẩm trên cho Bảo tàng Nam Định với tâm niệm đóng góp một phần tưởng nhớ công lao của các chiến sĩ Nam Hà - Nam Định đã chiến đấu tại chiến trường.

Họa sĩ Đức Dụ, tên thật là Nguyễn Đức Dụ, sinh ra và lớn lên ở Hải Dương. Ông nhập ngũ năm 1965, trực tiếp cùng đơn vị tham gia mở đường 20 Quyết Thắng và mở các trọng điểm nổi tiếng của Trường Sơn như Tha Mé, Ta Lê, Vang Mu, Phu La Nhích… Từ năm 1973 đến năm 1978 ông được cử đi học hội họa ở Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, sau hai năm tốt nghiệp, năm 1980 trở thành hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam.

Từ năm 1993 đến nay, ông đã có gần 20 triển lãm cá nhân được tổ chức ở Hà Nội, Hải Dương, Quảng Ninh và Bà Rịa - Vũng Tàu... Họa sĩ Trần Khánh Chương nhận xét: "Nguyễn Đức Dụ là một trong những họa sĩ bám đường, bám chiến trường để ký họa một cách sinh động về hiện thực chiến tranh. Tranh của Đức Dụ rất gần gũi, rất tình cảm và rất Đức Dụ - người họa sĩ, chiến sĩ trong đội hình bộ đội Trường Sơn "đi không dấu, nấu không khói". Những ký họa màu nước, mực nho, bút sắt như: "Phá mìn vướng", "Chặng đường giao liên", "Nuôi quân đại đội", "Doanh trại mùa khô", "Xe tăng vào tuyến"… cho thấy dấu ấn về con đường Trường Sơn đã khắc đậm trong tâm hồn ông. Những con người, nhiều sự kiện, địa danh lịch sử đã đi vào tranh của họa sĩ Đức Dụ, lưu giữ lại bao tình cảm yêu thương của người họa sĩ với đồng đội, đồng bào ở chiến trường khốc liệt nhưng đầy tính lạc quan cách mạng và niềm tin chiến thắng".

Hoạ sỹ Đức Dụ tâm huyết và có nhiều tranh về đề tài Trường Sơn - Ảnh; Hoàng Long

Đánh giá về hoạ sỹ Đức Dụ và tranh của ông, họa sĩ Trần Khánh Chương cho biết: "Trên cơ sở vốn sống thực tế và những ghi chép ở chiến trường, hơn 40 năm sau thống nhất đất nước, Đức Dụ đã dành nhiều thời gian sáng tác của mình cho đề tài Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Vẽ về Trường Sơn, họa sĩ không những thể hiện sự sáng tạo nghệ thuật của chính mình, mà còn để tri ân những cán bộ, chiến sĩ Trường Sơn, những thanh niên xung phong đã cùng kề vai sát cánh trong bom đạn".

Hiện nay, những tranh sơn dầu khổ lớn như: "Đỉnh đèo Tha Mé", "Cụm trọng điểm ATP mùa khô 1968", "Trọng điểm Vang Mu", "Trạm giao liên Trường Sơn"… là những tác phẩm đã được ghi nhận và có mặt trong các bảo tàng Nhà nước.