Họa sĩ Đào Hải Phong trở lại

TPO - Gần 60 bức tranh với chủ đề “Thu Phong”, đang được trưng bày tại địa chỉ quen thuộc của giới hội họa Việt HAKIO LET’SART, TPHCM, đánh dấu sự trở lại của Đào Hải Phong, một trong 20 gương mặt hàng đầu trong nền thị trường mỹ thuật Việt Nam, tại thành phố trẻ, sau 25 năm xa cách.

60 bức sơn dầu trên toan với nhiều kích cỡ khác nhau là một kết quả của hành trình sáng tạo hơn một thập kỷ của Đào Hải Phong, tử 2008-2023.

Nhiều năm trước Đào Hải Phong bày một triển lãm lớn ở Hà Nội, có tên “Lối Phong”. Triển lãm lần này anh lấy tên Thu Phong, hiểu một cách nôm na là mùa thu của Phong: “Tôi thích mùa thu vì nó đẹp lại còn dễ chịu”, anh nói.

Một góc trong triển lãm Thu Phong.

Đào Hải Phong luôn muốn hoạt động sáng tạo của mình dù tìm tòi, khám phá cỡ nào vẫn thủy chung trên một con đường do chính anh khai sáng: Con đường của Phong. Nói một cách khiêm tốn hơn: Lối đi của riêng Phong.

Họa sĩ chia sẻ đây là triển lãm trưng bày nhiều tranh nhất của anh từ trước đến nay. Đủ thấy tình yêu và nỗi nhớ của họa sĩ Hà Nội với thành phố trẻ. Nửa thế kỷ Đào Hải Phong mới mở triển lãm tại TP. Hồ Chí Minh nên anh quyết định mang đến “thực đơn” phong phú với những “món” quen và lạ.

Họa sĩ Từ Ninh, con trai cố nhà văn Kim Lân, bất ngờ với Thu Phong. Anh bày tỏ cảm xúc: “Tôi rất thích loạt tranh mới lần này của Phong vì nó khác trước nhưng vẫn là Phong”.

Một trong những sáng tác mới của họa sĩ Đào Hải Phong.

Lâu nay, nhắc đến tranh Đào Hải Phong, người yêu hội họa lại hình dung ngay hình ảnh quá đỗi quen thuộc, Cây và Nhà, đôi khi điểm xuyết con thuyền lẻ loi hay ánh trăng vỡ, những miền hoa mơ màng trên nước…

Người con của mảnh đất được mệnh danh “chẳng thơm cũng thể hoa nhài” còn mê vẽ Hà Nội phố. Những bức tranh của Đào Hải Phong minh họa cho truyện ngắn Thạch Lam bán chạy. Cuốn sách tuyển chọn truyện ngắn Thạch Lam với toàn bộ minh hoạ của Đào Hải Phong, do Đông A thực hiện là trong những cuốn sách xứng đáng xếp hạng sách Đẹp ở Việt Nam, được nhiều người yêu sách mua để trưng bày.

"Tan lễ chiều, sao còn vọng tiếng chuông ngân" (Em ơi, Hà Nội Phố. Thơ: Phan Vũ. Nhạc: Phú Quang). Sinh thời, nhạc sĩ Phú Quang cũng dành cho tranh Đào Hải Phong nhiều tình cảm.

Thời điểm dịch, Đào Hải Phong đã có những biến chuyển trong suy nghĩ và lối sống. Anh muốn được xê dịch. Khi vãn dịch, Đào Hải Phong tích cực xê dịch qua nhiều miền đất và anh chọn ngôi nhà thứ hai ở mảnh đất được chấm điểm “đáng sống”, Đà Nẵng.

Thường xuyên ra vào để canh công trình đang xây dựng nên họa sĩ thủ đô bị mây trời, núi non nơi đây cuốn hút. Tranh anh bây giờ vẫn có nhà, có cây nhưng mở ra không gian rộng lớn, gây ấn tượng thị giác là những dãy núi xanh: “Vào Đà Nẵng tự dưng tôi thích vẽ núi, tuy trước đây cũng có vẽ nhưng không liền mạch”.

Những khối lập phương cũng xuất hiện trong một số tác phẩm mới của Đào Hải Phong, anh giải thích những khối lập phương ấy được khơi nguồn từ ngôi nhà. Dù mở ra không gian rộng lớn song điểm nhấn của Đào Hải Phong cuối cùng vẫn là nhà. Đi xa chẳng qua để trở về. Ấm áp là cảm xúc mà tranh Đào Hải Phong mang đến.

Rất nhiều phụ nữ mê tranh Đào Hải Phong vì màu sắc tưng bừng, quyến rũ.

Anh tâm sự: “Tôi luôn mang năng lượng tích cực khi vẽ. Kể cả khi trĩu buồn vẫn vẽ với tinh thần khát khao”.

Họa sĩ bật mí với độc giả Tiền Phong: “Xưa, bố tôi bảo, con đừng lãng phí thời gian. Nếu không phải học thì pha màu tìm những màu lạ cũng rất thích”.

Dù NSND, họa sĩ Đào Đức đã khuất bóng, song lời khuyên Đào Hải Phong vẫn nhớ lời khuyên của cha. Với anh, vẽ tranh là cuộc “chơi màu và trò chuyện với màu”.

Góc khác của triển lãm Thu Phong. Tranh Đào Hải Phong, tượng Lê Công Thành, có điểm chung, đều lấy lòng phái đẹp.

Họa sĩ sinh ra và lớn lên ở Hà Nội mong muốn gì khi mở triển lãm ở TP.HCM suốt nửa tháng, từ 30/9 đến 15/10?

Đào Hải Phong trải lòng anh đã hoàn thành sứ mệnh bán tranh từ lâu. Cho nên, chỉ muốn giới thiệu thành quả lao động của mình với khán giả yêu nghệ thuật. Còn một điều tế nhị khác, tranh “nhái” Đào Hải Phong điên đảo thị trường.

Anh từng cười buồn mà nói: “Thôi thì để cho người ta được dựa hơi”. Triển lãm Thu Phong là cơ hội cho những ai yêu mến tranh Đào Hải Phong biết cách phân biệt “hàng thật” với “hàng nhái”.

Tác phẩm có tên Tôi. Đào Hải Phong vẽ mình.