Hồ chứa bùn đỏ như hồ thủy lợi là nguy cơ lớn

TP - Sau sự cố bùn đỏ Hungary và những vấn đề đặt ra đối với việc chứa bùn đỏ tại hai dự án bauxite tại Lâm Đồng và Đắk Nông, một số quan điểm cho rằng, việc thiết kế hồ chứa bùn đỏ chỉ đơn giản là kỹ thuật thủy lợi. Xin bàn thêm để có cái nhìn rõ hơn hạn chế những nguy cơ có thể xảy ra.

> Vận hành nhà máy alumin đầu tiên vào tháng Chín

Dấu vết bùn đỏ tràn vào một nhà ở làng Kolontar, Hungary, ngày 7-10-2010. Ảnh: AP.
 

Không thể đánh đồng

Xét trên phương diện kỹ thuật, nếu coi việc thiết kế hồ chứa bùn đỏ là kỹ thuật thủy lợi thì chưa chính xác. Theo đó hồ thủy lợi không chứa nước vĩnh viễn (trong hồ) mà chỉ là tạo vùng chứa nước tạm thời. Nghĩa là dòng chảy vẫn được duy trì, trong đó có dòng chảy ngầm, dòng chảy mặt qua tràn và dòng chảy qua cống. Nếu hồ bùn đỏ cũng như hồ thủy lợi thì phải chăng sẽ thiết kế đường tràn cho hồ bùn đỏ?

Như vậy với lượng mưa 2.500mm tại vùng dự án bauxite tại hai tỉnh Đắk Nông và Lâm Đồng của Việt Nam chẳng hạn, mỗi năm mưa sẽ tạo ra một lớp nước cao 2,5m (chưa kể phần diện tích từ các sườn dốc chảy xuống hồ bùn đỏ). Sau 30 năm thực hiện dự án, diện tích mặt thoáng của các hồ bùn đỏ sẽ có lớp nước mưa là 75m. Trừ lượng bốc hơi khoảng 70% thì cột nước vào cuối năm thứ 30 sẽ khoảng 25m.

Hồ bùn đỏ ở thung lũng - có phù hợp?

Hồ chứa bùn đỏ ở Hungary đặt tại vùng đồng bằng và xảy ra sự cố. Liệu việc xây dựng hồ chứa bùn đỏ ở vùng thung lũng, như một số quan điểm sẽ an toàn hơn vùng đồng bằng?

Các hồ thủy lợi đều được tính toán sự biến động của địa chất. Đặc biệt, khu vực đập ngăn nước thường phải chọn vùng có địa chất ổn định hoặc phải sử dụng giải pháp khoan phụt để tạo ra nền địa chất ổn định nhân tạo.

Nếu xây dựng hồ chứa bùn đỏ như hồ thủy lợi sẽ là một nguy cơ lớn về môi trường.

 

Với hồ bùn đỏ, có thể đập được đắp bằng đất địa phương, đáy hồ được lót HDPE (vải màng chống thấm). Tuy nhiên, làm như thế không thể đảm bảo an toàn và ổn định. Đập đất của thủy lợi cho phép thấm qua thân đập còn đập bùn đỏ không cho phép thấm. Áp lực nước nhỏ hơn nhiều áp lực bùn.

Theo PGS.TS Nghiêm Hữu Hạnh, “HDPE sẽ giảm 60% cường độ trong vòng một năm dưới môi trường kiềm NaOH”. Ngoài ra, lực kháng chọc thủng của HDPE rất thấp. Do đó, nếu có một mẩu đá nhọn dưới đáy hồ cùng với áp lực của bùn và phản lực của đất nền, HDPE dễ dàng bị chọc thủng. Khi bị thủng, màng chống thấm HDPE ấy sẽ dễ dàng bị xé rách.

Về địa chất, vùng thung lũng khu vực xây dựng dự án có địa hình bất lợi hơn vùng đồng bằng, vì tính chất phong hóa của đất đá đang diễn ra rất mạnh. Do đó hồ làm trong thung lũng sẽ dễ bị ảnh hưởng của đứt gãy địa chất (đặc biệt khi đã tải chất bùn đỏ vào hồ).

Vùng thung lũng cũng là nơi đầu nguồn của các dòng chảy mặt và dòng chảy ngầm để dẫn nước về hạ lưu. Do đó nếu bị rò rỉ, bùn đỏ ở đây ngay lập tức thấm vào tầng nước ngầm phân tán xuống vùng hạ lưu. Như vậy, có thể thấy, việc xây dựng hồ chứa bùn đỏ ở vùng thung lũng có thể bất lợi hơn so với ở đồng bằng.

Lúc 12h25 phút ngày 4-10-2010, đập hồ chứa bùn đỏ tại mỏ khai thác và chế biến bauxite ở làng Kolontar, thị trấn Ajka, cách thủ đô Budapest (Hungary) 160km, bị vỡ.

Sự cố bùn đỏ tràn khỏi bể chứa này của nhà máy alumina Ajkai Timfoldgyár xảy ra khi góc Tây Bắc các đập của hồ chứa số 10 bị sụp đổ, làm thoát ra khoảng một triệu mét khối chất thải lỏng, gây ô nhiễm 40 km2.

Ít nhất bảy làng và thị trấn bị ảnh hưởng, trong đó có làng Kolontar và thị trấn Devecser. Có nơi dòng bùn đỏ tràn ra dưới dạng sóng cao 1- 2m. Thảm họa làm 10 người chết và 122 người bị thương.

Dòng bùn đỏ được cơ quan phòng chống thảm họa của Hungary coi là độc hại, trong khi Tổng Công ty Nhôm của Hungary lại dẫn tiêu chuẩn của Liên minh Châu Âu (EU) nói không độc. Các chất có trong bùn đỏ mạnh hơn nhiều so với các loại chất tẩy rửa mạnh nhất trên thị trường.

Doanh nghiệp sản xuất nhôm Hungary chịu một mức phạt 472 triệu euro.

QD
Theo BBC http://www.euronews.net

(Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam)

Theo Báo giấy