Theo thống kê của Bộ Tài chính, tính đến nay, trong số 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam tham gia, 13 FTA đã có hiệu lực, 1 FTA sắp có hiệu lực và 2 FTA đang đàm phán. Với phạm vi cam kết rộng và toàn diện, các FTA mở ra nhiều cơ hội giúp Việt Nam có thể vươn lên chiếm lĩnh thị trường thế giới - đặc biệt thông qua việc rộng cửa các cam kết về thuế XNK.
Trong năm 2020, mặc dù chịu các tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 nhưng xuất nhập khẩu vẫn ghi nhận những nét tích cực. Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến ngày 15/11/2020, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 463 tỷ USD, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó trị giá hàng hóa xuất khẩu đạt 241 tỷ USD, tăng 4,9% và nhập khẩu đạt 221,8 tỷ USD, tăng nhẹ 0,5%.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho hay, để nghiêm túc tuân thủ cam kết thuế quan trong các FTA, Chính phủ đã ban hành 13 Nghị định về biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện các FTA áp dụng cho từng giai đoạn.
Chẳng hạn, với CPTPP, các nước tham gia cam kết xóa bỏ từ 97% - 100% số dòng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam theo lộ trình 10 năm. Đáng chú ý, phần lớn hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam được hưởng thuế suất 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực hoặc sau 3 - 5 năm.
Trong khi đó, với EVFTA, ngay sau khi hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 7 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Về phía Việt Nam, nước ta cũng sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 48,5% số dòng thuế, tương đương 64,5% kim ngạch xuất khẩu của EU vào Việt Nam ngay khi Hiệp định có hiệu lực và sẽ tăng lên 91,8% số dòng thuế sau 7 năm.
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, cam kết thuế được xây dựng trên cơ sở phù hợp với năng lực của ngành sản xuất trong nước. Thuế suất được cắt giảm có lộ trình; một số nhóm mặt hàng đặc biệt có lộ trình cắt giảm thuế dài hơn.
Từ năm 2015 đến nay, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng năm đều tăng trưởng nhanh, đặc biệt năm 2017 đạt mức tăng trưởng 21,8% xuất khẩu và 21,9% về nhập khẩu. Cán cân thương mại hàng hóa đều đạt mức thặng dư và tăng trưởng hàng năm. Năm 2019, kim ngạch nhập khẩu đạt mức trên 517 tỷ USD, thặng dư thương mại đạt mức 10,8 tỷ USD.
Đáng chú ý trong năm 2019, tức là 3 năm sau khi Hiệp định CPTPP được ký kết, xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các thành viên tham gia CPTPP đã tăng đột biến 111%, cao hơn rất nhiều so với các năm trước và là năm có tốc độ tăng cao nhất trong giai đoạn 2015-2019.