Thời gian qua, trên địa bàn TPHCM xuất hiện nhiều tờ rơi quảng cáo hoạt động “tín dụng đen” núp bóng hình thức cho vay tiêu dùng, thủ tục đơn giản, gọn lẹ, không cần thế chấp tài sản… để tiếp cận, dẫn dụ người dân gặp khó khăn về tài chính liên hệ vay tiền với lãi suất cao.
Thực trạng này kéo theo nhiều hành vi vi phạm pháp luật như cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, huỷ hoại tài sản, tạt sơn, chất bẩn khi người vay không trả nợ đúng hạn.
Lãi suất 400 -700%/ năm
Giữa năm 2019, Phan Văn Tài (33 tuổi, quê Hà Nội) mang 500 triệu đồng vào TPHCM để làm nghề cho vay lấy lãi. Thấy nhiều cột điện, tường nhà dân có dán giấy cho vay tiền, Tài hỏi vay để “học hỏi” kinh nghiệm.
Sau đó, Tài đặt in danh thiếp, tờ giấy quảng cáo với nội dung cho vay tiền góp giải ngân trong 20 phút, kèm theo số điện thoại cá nhân và cam kết bảo mật, uy tín, nhanh gọn.
Để hoạt động trơn tru, Tài thuê Phan Văn Trọng (31 tuổi), Phùng Văn Minh (28 tuổi), Nguyễn Quang Tỉnh (21 tuổi, cùng quê Hà Nội) và Mạc Bửu Đức (20 tuổi, quê Vĩnh Long) đi lăn keo dán giấy quảng cáo cho vay tiền trên cột điện, phát danh thiếp cho người đi đường ở các quận, huyện với tiền công 8 triệu đồng/tháng/người.
Các đối tượng này còn hỗ trợ Tài làm thủ tục cho khách vay tiền và thu tiền của khách. Người dân muốn vay tiền thì điện thoại gặp Tài và đưa căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân, giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe, hộ khẩu.
Do “ăn nên làm ra”, Tài đã phân công Trọng phụ trách cho vay, thu tiền ở quận Bình Thạnh; Minh phụ trách quận Gò Vấp; Đức phụ trách quận 12 và huyện Hóc Môn; còn Tỉnh phụ trách huyện Bình Chánh và quận Tân Bình.
Từ các thông tin trên giấy cho vay tiền này, Công an quận Tân Bình vào cuộc điều tra, phối hợp với một số đơn vị liên quan nhanh chóng bắt giữ băng nhóm của Tài. Tính đến ngày 19/4, các đối tượng này cho 298 khách vay với tổng tiền lãi và gốc hơn 4,6 tỷ đồng; thu lời bất chính trên 149 triệu đồng.
Qua làm việc, chỉ riêng với 30 người vay tiền từ nhóm của Tài cho thấy, để vay được tiền, họ đều phải trả phí làm hồ sơ, phí cà phê (thường là 10%/tổng số tiền vay), tiền trả góp với lãi suất từ 421% đến 695%/năm và bị thu tiền trả góp trước 2 ngày (ngày đầu và ngày cuối).
Công an quận Tân Bình đang tạm giữ hình sự Tài cùng đồng bọn để điều tra về hành vi “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.
Tạt sơn để đòi nợ
Tháng 4/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Tân Bình (TPHCM) ra lệnh tạm giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Nguyễn Tấn Lợi, Trương Vĩnh Kim và Vũ Văn Hùng để điều tra về hành vi “Cưỡng đoạt tài sản”.
Theo kết quả điều tra ban đầu, xuất phát từ việc bà N.T.S.T (52 tuổi, quận Tân Bình) vay tiền của Nguyễn Thị Kim Thảo nhưng không trả nợ đúng hẹn, Thảo thuê Lợi đòi khoản nợ này với hoa hồng 10% trên tổng số tiền thu hồi được.
Tiếp đến, Lợi bàn bạc với Kim và Hùng tạt sơn vào nhà bà T, nhà cha chồng của bà này để gây sức ép, buộc phải thanh toán số tiền nợ còn lại. Qua tiếp nhận tin báo và bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan công an đã bắt giữ Lợi, Kim và Hùng; đồng thời đấu tranh làm rõ vai trò, mức độ liên quan của Thảo để xử lý nghiêm theo quy định.
Liên quan hoạt động “tín dụng đen”, Công an quận Bình Thạnh cũng vừa khởi tố 22 bị can về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.
Các bị can này là giám đốc, trưởng phòng, trưởng nhóm, nhân viên của 6 công ty hoạt động trong lĩnh vực cầm đồ, dịch vụ quản lý có văn phòng tại tòa nhà trên đường Nguyễn Xí, phường 26, quận Bình Thạnh.
6 công ty này đều có chung bộ máy tổ chức nhân sự, các nhân viên làm việc chung với nhau và cùng thực hiện các hoạt động cho vay tín dụng tiêu dùng trái quy định, núp bóng hoạt động cho vay cầm đồ, trên nền tảng trực tuyến tại các trang web senmo.vn, thantaioi.vn, caydenthan.vn.
Hoạt động cho vay được tổ chức xuyên suốt, có phân công cụ thể vai trò của từng đối tượng để làm nhiệm vụ quảng cáo, tìm kiếm người vay; tư vấn, hướng dẫn người vay thao tác trên các trang web cho vay trực tuyến; kiểm tra, xác minh thông tin người vay; duyệt vay, thu hồi nợ…
Công an xác định, các đối tượng đã cho hàng ngàn người vay (chủ yếu là sinh viên, công nhân, người lao động tự do...) với lãi suất thấp nhất cho một giao dịch là 183%/năm, cao nhất là 2.555%/năm (gấp từ 10-128 lần so với lãi suất cho vay cao nhất trong giao dịch dân sự theo quy định của Bộ luật Dân sự), thu lợi bất chính hàng chục tỷ đồng.
Cảnh báo bẫy “tín dụng đen”
Ngày 9/5, Phòng Cảnh sát hình sự (PC02) Công an TPHCM phát đi thông tin cảnh báo người dân về các thủ đoạn truyền thống và sử dụng công nghệ cao của loại tội phạm “tín dụng đen”.
Đặc điểm chung của loại tội phạm này là cho vay không cần thế chấp, người dân chỉ cần có giấy chứng minh nhân dân, căn cước công dân, giấy phép lái xe thì có thể vay tiền và được giải ngân ngay trong ngày bằng cách đưa tiền mặt hoặc chuyển khoản.
Để lôi kéo “con mồi”, các đối tượng quảng cáo bằng cách phát tờ rơi tại các giao lộ, nơi đông người, nhà trọ, dán trên cột điện; quảng cáo thông qua mạng xã hội, sử dụng các website hoặc các app điện tử.
Người dân vay tiền từ các đối tượng này có thể sẽ phải trả mức lãi suất từ 100% đến 300%/năm, thậm chí lên đến 1.000%/năm. Nếu không trả tiền gốc và lãi đúng hạn, các đối tượng sẽ đe dọa, xúc phạm danh dự cá nhân và người thân, tạt chất bẩn, bôi xấu trên mạng xã hội để đòi nợ.