Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho là đã “bật đèn xanh” để Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa do Mỹ cung cấp tấn công lãnh thổ Nga. Trước đó Mátxcơva từng tuyên bố, các cuộc tấn công tầm xa bằng vũ khí phương Tây sẽ làm bùng phát xung đột trực tiếp giữa Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Ngày 19/11, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, quân đội Ukraine đã phóng sáu tên lửa đạn đạo tầm xa được xác định là ATACMS vào sáng sớm.
Năm tên lửa trong số đó đã bị đánh chặn bằng hệ thống phòng không S-400 và Pantsir, trong khi một tên lửa khác bị hư hại và rơi xuống địa điểm quân sự của Nga ở Bryansk, gây ra một vụ hoả hoạn. Đám cháy đã được xử lý nhanh chóng. Quân đội Nga tuyên bố không có thiệt hại nào do sự cố này.
Ukraine cho biết, quân đội đã tấn công một kho vũ khí của Nga cách biên giới khoảng 110 km. Cuộc tấn công gây ra các vụ nổ thứ cấp. Quân đội Ukraine không công khai loại vũ khí được sử dụng, nhưng một nguồn tin chính phủ Ukraine và một quan chức Mỹ xác nhận họ đã sử dụng ATACMS.
Một quan chức Mỹ cho biết, quân đội Nga đã đánh chặn hai trong số tám tên lửa do Ukraine phóng, và cuộc tấn công nhắm vào một kho đạn dược.
Cũng trong ngày 19/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ban hành học thuyết hạt nhân mới của nước này. Văn bản nêu rõ, rằng một cuộc tấn công vào Nga của một quốc gia phi hạt nhân được một quốc gia hạt nhân hậu thuẫn nên được coi là cuộc tấn công chung của cả hai nước.
Tỉnh Bryansk nằm ở phía tây nước Nga, giáp Ukraine và Belarus, một đồng minh của Nga.