Hé lộ đội siêu mật vụ bảo vệ tổng thống Mỹ

Được trang bị hỏa lực mạnh, đội mật vụ mang tên Đội Chống Tấn Công (CAT) đóng vai trò rất quan trọng trong đội hình bảo vệ tổng thống Mỹ, sẵn sàng trấn áp bất cứ kẻ nào có âm mưu tấn công.
Các đặc vụ CAT bảo vệ tổng thống Mỹ trong một chuyến công du nước ngoài. Ảnh: Reuters

Trong các chuyến công du nước ngoài, tổng thống Mỹ luôn được một lực lượng đặc vụ hùng hậu thuộc Cơ quan Mật vụ Mỹ (USSS) đi theo bảo vệ. Ngoài đội ngũ cận vệ thuộc Đơn vị Bảo vệ Tổng thống (PPD) tinh nhuệ bậc nhất thế giới, USSS còn có một đội "siêu mật vụ" được trang bị các loại vũ khí "khủng", sẵn sàng dập tắt bất cứ mối đe dọa nào, theo Washington Post.

Đội mật vụ tinh nhuệ nhất này có tên gọi là Đội Chống Tấn Công (CAT), đóng vai trò rất quan trọng trong đội hình bảo vệ tổng thống Mỹ. Những thành viên đội CAT rất dễ nhận ra, bởi trên vai họ lúc nào cũng lủng lẳng một khẩu súng trường cỡ lớn hoặc những chiếc ba lô quân dụng mang theo những vũ khí, trang bị hiện đại.

Các với các mật vụ thông thường (PPD) chỉ mặc vest và mang súng ngắn, các thành viên CAT luôn mặc trang phục tác chiến màu đen và mang theo những trang bị rất hầm hố. Trong đoàn xe hộ tống, đội CAT được bố trí trong một chiếc van màu đen đi sau chiếc "Quái thú" chở tổng thống.

Vai trò của các mật vụ CAT rất rõ ràng: Nếu Nhà Trắng hay đoàn xe hộ tống tổng thống bị tấn công, họ sẽ là những người "tung ra đòn hỏa lực trấn áp mạnh không tưởng" vào các mối đe dọa, theo Dan Bongino, cựu mật vụ từng là cận vệ của tổng thống Barack Obama và có em trai làm trong đội CAT.

Bongino cho biết, trong trường hợp tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang nước Mỹ bị tấn công, CAT sẽ là những người đầu tiên nổ súng để chế áp và yểm trợ. Trong lúc đó, các cận vệ PPD sẽ tìm mọi cách đưa POTUS (từ viết tắt của Tổng thống Mỹ) tới nơi an toàn, còn đội chống bắn tỉa có trách nhiệm rà soát toàn bộ khu vực xung quanh để tìm kiếm xạ thủ thù địch đang ẩn nấp.

Vì mật vụ CAT được xếp vào diện "đặc nhiệm", nên họ sẽ không tham gia vào việc đưa tổng thống ra khỏi nơi nguy hiểm. Thay vào đó, họ tấn công kẻ thù bằng các loại hỏa lực mạnh của mình, tạo thời cơ cho POTUS có thể vào được trong xe "Quái thú" chống đạn an toàn.

"Trách nhiệm của đội cận vệ tổng thống không phải là chiến đấu, đời thực không hề giống như trong phim", Bongino nói. "Nhiệm vụ của họ là đưa tổng thống thoát khỏi rắc rối, chấm hết. Họ không cần phải nổ súng bắn trả đối phương, bởi đó là việc của CAT".

Để hoàn thành được công việc nặng nề này, CAT được trang bị SR-16, loại súng carbine đầy uy lực tương tự như súng trường M-4 nhưng chỉ dành riêng cho lực lượng đặc nhiệm và không được bán ra thị trường, theo Ronald Kessler, tác giả cuốn "Trong Cơ quan Mật vụ Tổng thống" xuất bản năm 2010.

Đặc vụ CAT mang theo khẩu SR-16 trong khi hộ tống tổng thống Mỹ. Ảnh: Defensereview

Bongino cho biết việc trở thành mật vụ bảo vệ tổng thống Mỹ đã khó, để là một thành viên của CAT càng khó khăn hơn gấp bội, bởi những "siêu mật vụ" này được yêu cầu cực cao về sức khỏe thể chất và tinh thần.

Ngoài những tiêu chuẩn chung của USSS, CAT còn đặt ra những quy định tuyển mộ riêng cực kỳ khắt khe. Từ trước tới nay, chưa có bất cứ người nào, kể cả những vận động viên giỏi nhất thế giới, được tuyển thẳng vào trường đào tạo của CAT.

Để trở thành đặc vụ CAT, ứng viên phải có nhiều năm kinh nghiệm hoạt động trong cơ quan mật vụ. Sau quá trình lựa chọn, xử lý hồ sơ nghiêm ngặt, các ứng viên được chấp nhận sẽ phải trải qua một tuần chuẩn bị và 6 tuần huấn luyện gian khổ, khiến nhiều người dù đã làm công việc mật vụ vẫn không thể chịu nổi và xin bỏ cuộc.

Các thử thách mà ứng viên trải qua đòi hỏi họ phải thật nhanh và khỏe, chẳng hạn như chạy 2,4 km trong vòng 9 phút, và chống đẩy với bộ áo giáp nặng hơn 20 kg trên người. Tuy nhiên, thể lực là chưa đủ, các đặc vụ CAT còn phải là những người có thần kinh thép và có kỹ năng sử dụng các loại vũ khí hạng nặng thuần thục.

Họ sẽ phải trải qua những bài kiểm tra sức ép để thử thách ý chí của họ, sau đó là những bài huấn luyện về bắn súng cực khó. Một trong những bài kiểm tra như vậy yêu cầu ứng viên chạy hết tốc lực trong 400 mét, sau đó nhặt một khẩu súng và bắn trúng mục tiêu, hoặc xoay một quả tạ kettlebell vài chục lần, rồi mới cầm súng ngắm bắn.

Theo cựu giám đốc USSS Ralph Basham, chỉ có khoảng 10% số người ứng tuyển qua được các vòng kiểm tra khắc nghiệt và chính thức trở thành thành viên của CAT. Basham cho rằng đây là một vị trí "rất danh giá, rất được thèm muốn" nhưng không phải ai cũng làm được, và từ trước tới nay, chỉ có một vài phụ nữ hiếm hoi lọt được vào danh sách tuyển mộ của CAT.

Điều may mắn là trong lịch sử hoạt động của mình, đội CAT chưa từng phải triển khai lực lượng để chống lại những cuộc tấn công quy mô lớn của kẻ thù nhắm vào tổng thống Mỹ. Từ trước tới nay, những cuộc tấn công với sự tham gia của nhiều chiến binh nhằm vào Nhà Trắng hay người đứng đầu nước Mỹ mới chỉ xuất hiện trên phim ảnh.

Đặc vụ CAT với vũ khí hạng nặng sẵn sàng đáp trả bất cứ cuộc tấn công nào nhắm vào tổng thống Mỹ. Ảnh: WP

Trong thực tế, đặc vụ Tim McCarthy, người bị bắn khi tìm cách bảo vệ Tổng thống Ronald Reagan khỏi một cuộc ám sát ở khách sạn Washington Hilton năm 1981 là một thành viên của đội cận vệ PPD chứ không phải CAT.

Ông Basham cho hay từ trước tới nay CAT mới chỉ được xem xét triển khai tác chiến đúng một lần, khi họ nghi ngờ có một cuộc tấn công bằng hơi độc nhắm vào tổng thống, nhưng ông không cung cấp thông tin chi tiết. Mặc dù vậy, cựu giám đốc mật vụ này cho rằng vai trò của CAT là không thể thiếu được.

"Họ trải qua mọi hình thức huấn luyện, và họ luôn phán đoán, thực hành tất cả mọi tình huống mà bạn có thể nghĩ tới. Hồi của tôi, cứ đến tuần cuối cùng của tháng, họ lại không làm gì ngoài huấn luyện", ông nói.

"Nếu các cận vệ tổng thống gặp rắc rối, đội CAT sẽ đến giải cứu. Nhưng sẽ không có ai phải đến giải cứu đội CAT cả", Bongino nhấn mạnh.

Theo Theo Vnexpress