Hậu trường tiến sĩ

TP - Chị lao công khu nội trú sinh viên ở thành phố Leuven (Bỉ) bấm nút thang máy, ngỡ ngàng. Ngồn ngộn hộp carton, túi nilon, xoong chảo và máy rán khoai tây quấn băng dính đầy mép cho dầu mỡ khỏi trào ra. Dũng đứng nép góc thang máy, ngượng nghịu chỉ đống đồ “Hôm nay tôi bảo vệ luận án”.

Chị lao công à một tiếng, vui vẻ chúc Dũng may mắn. Còn tôi hộc tốc lao xuống bằng thang bộ, đón đầu giúp Dũng khuân đồ ra xe. Chị lao công đã quen chuyện này, nhiều du học sinh Việt trọ ở đây, ai chẳng có ngày bảo vệ luận án tiến sĩ hoặc tốt nghiệp hậu tiến sĩ (Post-doctorate). Ngay sau lễ tốt nghiệp là tiệc mừng thành công, mời hội đồng khoa học, giáo sư hướng dẫn luận án, bạn bè tới chung vui.

Tiệc mừng tốt nghiệp tiến sĩ trong lâu đài cổ ở Bỉ. ảnh: Kiều Bích Hương.

Còn tôi, lần đầu được mời dự lễ tốt nghiệp kiểu này, lại diễn ra trong một lâu đài cổ ở châu Âu, dĩ nhiên hồi hộp. Mười giờ sáng mò lên chung cư mini của vợ chồng Dũng giúp chuẩn bị tiệc. “5 giờ chiều bảo vệ luận án, 7 giờ tối đãi tiệc, tưởng giờ này bếp núc hòm hòm rồi chứ?” “Chưa đâu chị ơi. Lát nữa nhóm nấu bếp Việt ở Brussels mới tới. Họ làm vịt quay, bò kho, tôm tẩm bột chiên, sushi, xa - lát trộn, bánh ngọt... Còn nhóm sinh viên ở đây quấn giúp 200 cái nem hôm qua. Bây giờ em lên dọn qua chung cư mượn tạm ở tầng trên để nhóm bạn khác làm cơm rang thập cẩm”.

Dũng vừa nựng con trai đang khóc hờn vừa tranh thủ mở máy tính “Nín đi con, cho bố ôn lại một tí”. Vợ Dũng cho từng gói mì vào xô ngâm, đặt cả trong bồn tắm cho khỏi chật rồi sai chồng “Anh chạy qua cửa hàng ông già Ma rốc lấy thịt bò đi. Em dặn ông ấy rồi, nhưng vẫn phải xem kỹ thịt bò bắp màu đỏ mới lấy nhé, nếu hơi thâm là thịt từ hôm qua, nấu bò kho không ngon đâu”. Tôi sốt ruột thay “Thôi đưa con đây, em đi lấy luôn chứ sao lại sai chồng. Giờ này còn bắt nó nghiên cứu thịt bò tươi thịt bò ôi, đầu óc đâu bảo vệ luận án nữa”.

Ba giờ chiều. Hai bếp chưa đâu vào đâu. Dũng làm chân chạy để vợ ru con ngủ. Bếp một gào “Dũng ơi, bột nghệ để đâu. Phải có bột nghệ bò kho mới lên màu đẹp”. Anh tiến sĩ lục tung căn bếp hẹp. Vợ Dũng tất tả “Để em. Anh lên bếp trên xem cơm rang đến đâu rồi”. Chục phút sau, Dũng về, giọng ỉu “Điện yếu quá hay sao ấy, cơm rang cả tiếng chưa lên màu”. “Anh gọi xem cậu sinh viên nào rảnh ra cổng lâu đài đợi sẵn để khuân đồ vào. Phải mang trước cốc chén, đĩa bát rồi về chuyến nữa chở đồ ăn”, “Bốn rưỡi phải gặp hội đồng khoa học rồi, không chạy về làm chuyến nữa được đâu. Em thắt cà vạt chưa, anh phải thay đồ đi ngay mới kịp”...

Rối rít tít mù. Lái xe đưa vợ Dũng mang đồ ăn ra lâu đài, tôi mắng “Ngày đặc biệt thế này mà không thuê dịch vụ cho đỡ căng thẳng? Nghe nói trường bên này thường cho 500 euro làm tiệc mừng tốt nghiệp cơ mà”. Vợ Dũng không kịp mặc áo dài, choàng tạm trang phục ngày thường, ôm khay sushi, cãi “Tùy ngành học mới được cho. Tiền ấy chồng em mua giấy in ấn tài liệu hết rồi. Thuê dịch vụ thế nào cũng bị chém 15- 20 euro/người, mời 70 người thành món lớn. Có bạn bè nấu nướng giúp, vừa vui vừa tiết kiệm chứ. Du học sinh Việt ở đây đều làm thế. Anh tiến sĩ nào cũng phải giúp vợ bưng bê, sát giờ bảo vệ còn chạy đi mua bánh mì ấy chứ, chồng em còn sướng chán đấy”.

Làm tiệc bày sẵn, nhỡ bảo vệ không thành công hoặc bị hội đồng đánh trượt thì sao? Dũng dẫn tôi qua các dãy hành lang hẹp để chỉ lối vào phía sau hội trường “Lát nữa xong việc ở bếp, ai muốn dự thì theo lối cửa hậu này nhé. Thực ra em có hai buổi bảo vệ kín trước rồi. Sáng nay có khi họ in văn bằng tốt nghiệp cho mình rồi ấy chứ. Bây giờ trình diễn chính thức thôi”.

Vuốt mớ tóc lòa xòa trước trán, vợ Dũng mừng vì kịp mua bó hoa lát nữa tặng chồng “Em không lo trượt. Học giỏi như anh ấy trượt thế nào được. Vợ chồng mấy tháng nay gầy đi vì lo xin việc làm để ở lại. Không tìm được việc chắc phải chuyển sang nước khác xin học Post-doctorate. Hậu tiến sĩ thực chất là làm việc trong phòng thí nghiệm, nghiên cứu thuê cho giáo sư. Miễn là được ở lại”.