Hậu phương của gái đẻ thuê

TP - Những cô gái đẻ thuê tuổi đời đôi mươi, sống nghèo khó, lam lũ quanh năm. Phần lớn họ đã có con, bỏ chồng, sang xứ người hi vọng kiếm tiền nuôi bố mẹ và trả nợ, nhưng lại thành phận gái đẻ thuê.
Trẻ em nghèo ven biển Bạc Liêu mò cua con để bán cho trại giống kiếm tiền

> Bài 1: Làm gì không ai biết

Trẻ em nghèo ven biển Bạc Liêu mò cua con để bán cho trại giống kiếm tiền.

Trong những ngôi nhà dựng bằng lá cây

Mấy ngày gần đây, nhiều người lạ đến hỏi thăm chuyện Thạch Thị Mỹ Hướng làm ăn xa. Bà Trần Thị Hiền- mẹ của Hướng bần thần, lo xa nhỡ con có chuyện gì không may. Mấy năm trước, vợ chồng bà Hiền cho con gái tuổi trăng tròn, theo anh em làm thuê trên TPHCM đã lo, nay càng lo hơn.

Bà Trần Thị Hiền lau vội mồ hôi trên trán: “Lần về nhà trước tết, con Hướng nó chạy tới chạy lui lo giấy tờ gì đó, để đi làm xa. Tội nghiệp, con Hướng dặn đủ thứ với tôi để lo cho cha, cho các em…”

Bỏ lửng câu nói, bà Trần Thị Hiền nhìn ra vạt rừng lưa thưa vùng quê ven biển Bạc Liêu. Kể từ ngày Thạch Thị Mỹ Hướng từ giã gia đình làm ăn xa, đã 5 tháng mà chẳng nghe tin tức đang ở đâu, làm gì. Ngôi nhà tình thương của bà Trần Thị Hiền có vách lá lưa thưa, gió từ biển xào xạc, nắng chiều xuyên vách nhà thành những vệt vàng nhạt trên nền đất.

Vợ chồng bà Trần Thị Hiền, 48 tuổi, có 5 đứa con, nghèo khó nên chẳng được học hành đến nơi đến chốn. Hướng học giỏi nhất nhà. Hồi trước, Hướng theo bố mẹ đi làm mướn ở Thốt Nốt (TP Cần Thơ), người ta thương cho vô lớp 1, học đến nửa lớp 2 rồi nghỉ luôn.

Chị của Hướng không biết mặt chữ, lấy chồng hồi 17 tuổi, sanh con, dắt nhau đi làm mướn miệt Cà Mau. Các em của Hướng học vài năm mới được một lớp.

Ngôi nhà của gia đình cha mẹ của cô Võ Thị Ngọc Hà ở sâu trong vùng quê lúa Vị Thủy (Hậu Giang). Chị gái của Võ Thị Ngọc Hà vừa lấy người chồng Đài Loan, đang chuẩn bị làm thủ tục về nhà chồng, nói: “Nó qua bển 1-2 tuần, có điện thoại về, làm công giúp việc nhà”.

Nhà của Võ Thị Ngọc Hà dựng bằng cây lá xập xệ, mái lợp tôn, lá vừa đủ che mưa gió. Chị của Hà nói: “Tui mới nghe mấy chị Hội phụ nữ tỉnh Hậu Giang điện thoại hỏi thăm gia đình, cho biết Hà đi đẻ thuê ở Thái Lan, chờ về nước. Hai đứa con của Hà vẫn gởi bên nội. Lại mang bầu về nữa, làm sao đây?”.

Cha mẹ của Võ Thị Ngọc Hà sinh được 10 người con. Hà lớn lên, 18 tuổi có chồng ở Kiên Giang. Hai vợ chồng đi làm thuê, gặt lúa mướn, sinh được 2 con, rồi xảy ra mâu thuẫn, chia tay. Gởi hai con bên nội, Hà về tá túc ở nhà cha mẹ ruột, làm mướn kiếm sống. Nhà nông không đất, con đông nên anh chị em của Hà học đến lớp một, lớp hai, biết đọc biết viết rồi nghỉ, lo làm ăn.

Ngôi nhà của cha mẹ Võ Thị Ngọc Hà dựng trên mảnh đất tự khai phá khu mồ mả hoang. Chị của Hà kể: “Ba em mất cách nay trên chục năm, má đã 72 tuổi mà phải chạy chợ kiếm sống. Tui nghe Hà kể có hùn mướn đất trồng lúa, thất bát, đổ nợ cả trăm triệu đồng. Nó muốn đi làm có tiền trả nợ mới dám về”.

Bây giờ, gia đình Hà trống vắng, anh em lớn đi làm ăn xa. Bản thân chị ruột của Hà cũng từng có một đời chồng. Nhờ mai mối, chị vừa đi bước nữa với người chồng Đài Loan, đang chờ thủ tục, học tiếng để theo chồng xa.

Trên đường đi tìm những cô gái đẻ thuê ở miệt Hậu Giang, bà Nguyễn Thị Rớt, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Vị Thủy nói: “Ở huyện này, trong số phụ nữ lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc, có người hạnh phúc, có người bị ngược đãi ôm con về. Nghèo khó, thất học, dễ bị lôi kéo, dụ dỗ”.

Ngôi nhà cô gái đẻ thuê ở Hậu Giang.

Xuất ngoại để trả nợ

Ngôi nhà của cô gái Mai Thị Phúc ở sâu phía sau thị trấn trung tâm huyện Giá Rai. Bữa cơm chiều vừa xong, chén đũa còn bỏ lăn ra nền đất. Ông Mai Năng mới 53 tuổi, trông như đã 70.

Bà Danh Thị Luốt vợ ông, nói: “Ông ấy bệnh gần chục năm rồi, không làm gì, đầu óc không bình thường, quanh quẩn trong nhà, lội dài hàng xóm. Ai cho gì ăn nấy, đưa thuốc thì hút, cho tiền thì không biết bao nhiêu? Nhưng cũng may, từ khi ngã bệnh đến giờ, ông ấy hiền từ, không quậy phá gì, không quan tâm đến ai, ngồi thần thừ ra đó thôi”.

Nhà của Võ Thị Ngọc Hà dựng bằng cây lá xập xệ, mái lợp tôn, lá vừa đủ che mưa gió. Chị của Hà nói: “Tui mới nghe mấy chị Hội Phụ nữ tỉnh Hậu Giang điện thoại hỏi thăm gia đình, cho biết Hà đi đẻ thuê ở Thái Lan, chờ về nước. Hai đứa con của Hà vẫn gởi bên nội. Lại mang bầu về nữa, làm sao đây?”. 

Vợ chồng bà Danh Thị Luốt có 6 người con, Mai Thị Phúc là con gái thứ 3, học giỏi nhất nhà, nửa lớp 3. Bà Danh Thị Luốt kể:

“Hồi vợ chồng tôi đi làm mướn bên Kiên Giang, mang con cái theo. Nửa chừng ông chồng bệnh nặng, nằm bệnh viện suốt tháng, con Phúc phải nghỉ học. Bây giờ, có 3 đứa còn học trường dân tộc ở chùa, có tiền trợ cấp hàng tháng, không thì cũng nghỉ học rồi.”

Cha bệnh, gia đình lâm vào hoạn nạn, cô Mai Thị Phúc nghỉ học, đứa em gái kế 24 tuổi mà không biết chữ, bưng bê cho quán ăn ngoài thị trấn được vài chục ngàn đồng/buổi.

Bà Luốt giặt đồ mướn, con gái làm mướn kiếm được vài chục ngàn đồng nuôi sống gia đình. Món nợ vay xóa đói giảm nghèo, mỗi năm vài triệu đồng cũng chỉ lo cơm ăn, cộng dồn đã gần 20 triệu đồng.

Bà Luốt rơi nước mắt, kể: “Con Ngọc nói đi qua Thái Lan làm mướn nhiều tiền hơn, sẽ gởi về trả nợ, lo trị bệnh cho ba nó. Nhưng nó đi hơn 5 tháng rồi, chưa gởi về đồng nào. Mấy tháng trước, nó có gọi về nhà cậu ở bên, tôi sang nghe, nó bảo làm được. Nhưng khoảng tháng nay, nó không gọi về nữa, không biết có chuyện gì?”

Ông Dương Thành, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Hộ Phòng (Giá Rai, Bạc Liêu) cho biết: “Trên địa bàn có 3.929 hộ dân, có 608 hộ nghèo, 382 hộ cận nghèo. Có thông tin đường dây đẻ thuê nhưng chưa phát hiện trường hợp nào. Nếu có đường dây ấy là phải ngăn chặn ngay”.

(Còn nữa)

* Tên một số nhân vật đã được thay đổi

Theo Báo giấy