Hậu dịch, sẽ 'lấy lại những gì đã mất'?

TP - Dẫu toàn cầu vẫn hàng ngàn người đang chết mỗi ngày vì COVID-19, nhưng đã có nhiều kịch bản được vạch ra để “tái thiết” lại thế giới. Loài người sẽ tăng tốc đến “kịch ga” trong cuộc chạy đua lấy lại những gì đã mất?

Sẽ bùng nổ về đầu tư, sản xuất, thương mại, dịch vụ, du lịch, di chuyển, tiêu dùng,…? Vẫn lấy GDP làm thước đo chính. Nhà máy hoạt động rầm rộ hơn, tài nguyên khai thác nhiều hơn? Ai nấy giành lại công việc buộc phải giao cho robot từ mấy tháng qua.

Hối hả đi lại như suốt đời bị giam một chỗ. Máy bay, tàu xe tăng tốc việc đốt cháy thêm bao nhiêu lần nhiên liệu?...

Đã có dấu hiệu cảnh báo đáng lo ngại từ một số quốc gia về việc nới lỏng, hạ thấp các tiêu chuẩn môi trường, tích cực bảo hộ cho các ngành công nghiệp gây ô nhiễm chỉ vì mục đích nhanh chóng phục hồi kinh tế hậu Covid-19.

Bất chấp một thực tế đã được chứng minh, rằng số người được cứu sống do không phải hít khói bụi ô nhiễm trong thời gian xảy ra dịch bệnh Covid-19 còn cao gấp 20 số người chết vì dịch bệnh này, như ở Trung Quốc.

Bất chấp thực tế, rằng “hiệu quả” của thứ virus này trong việc làm chậm tiến trình biến đổi khí hậu và sụp đổ sinh thái trong vòng mấy tháng qua, còn nhiều hơn so với tất cả các sáng kiến về môi trường của thế giới cộng lại.

Các chuyên gia đã thống nhất nhận định, rằng loài người với cái gọi là “nền văn minh” công nghiệp của mình, hiện như cỗ xe đang chạy quá tốc độ tới 40% so với chỉ số an toàn của nó. Cỗ máy tự nhiên và xã hội đang bốc khói, khét lẹt với vận tốc của sự  tàn phá.

Tất nhiên lấy lại bằng mọi giá “những gì đã mất” hiện vẫn là một trong nhiều kịch bản, mà chưa chắc được số đông chấp nhận.

Nishan Degnarain, chuyên gia tư vấn chính sách kinh tế người Anh trên tờ Forbes mới đây cho biết, trong một cuộc khảo sát quy mô hồi tuần trước,  chỉ có 9% người dân nước Anh cho biết họ muốn quay trở lại cuộc sống “bình thường” như thời chưa có dịch Covid-19. Có nghĩa với đại đa số người dân, không chỉ đợi đến khi rơi vào thảm họa bệnh tật mới cho họ bài học về giá trị của sự phát triển bền vững.

Trong những kịch bản Nishan Degnarain dẫn ra, lưu tâm nhất vẫn là hướng “Phục hưng hành tinh” (Planetary Renaissance) thông qua tăng trưởng xanh bền vững.

Dịch bệnh sẽ kéo dài bao lâu, chưa ai biết được, mọi thứ vẫn chỉ là phán đoán. Trong lịch sử, có những đại dịch chỉ kéo dài vài ba tháng. Nhưng có những thứ dịch như dịch cúm sống chung với loài người suốt hơn 2.500 năm qua. Trong đó có trận cúm Tây Ban Nha kéo dài chỉ 18 tháng (1918-1919) đã cướp đi 50 triệu sinh mạng.

Được-mất luôn là quy luật. Mất là mất, đừng cố níu giữ, lấy lại cái đã mất bằng mọi giá. Mà hãy lắng nghe, đón nhận những cái được đằng sau những tổn thất. Chúng ta không thể ăn bù chơi bù cho thời tuổi trẻ hàn vi, nghèo hèn. Chúng ta không thể “đòi” lại được bằng cách ấy, vì nếu vậy sẽ mất nhiều hơn.

“Post-Covid 19” (hậu Covid), một thuật ngữ dần trở nên quen thuộc. Khiến liên tưởng tới xu hướng hậu hiện đại (Postmodern) trong văn chương/văn hóa đem đến cách nhìn và ứng xử với hiện thực thiên về khước từ và hoài nghi. 

Nhưng có lẽ không chỉ vậy. Post-Covid buộc con người phải tỉnh táo để lựa chọn và chấp nhận.