Khẳng định thương hiệu Việt
Ông Lý Ngọc Minh, Chủ tịch Công ty Minh Long 1 kể về câu chuyện thành công của mình. Theo ông Long, “ Tôi cũng như gia đình tôi, từ những năm tháng khó khăn nhất và vượt qua rất nhiều sóng gió thương trường để có ngày hôm nay, là một thương hiệu Việt Nam sánh vai cùng những thương hiệu nổi tiếng về ngành sứ của thế giới. Thành tựu đó chỉ bắt đầu từ một điều duy nhất đó là sự đam mê công việc, đam mê những gì mình đang làm và đam mê tạo ra những sản phẩm chuẩn mực xứng với niềm tự hào sản phẩm Việt Nam”.
Nghề gốm có cả ngàn năm lịch sử, nhưng trên thế giới mấy thương hiệu lớn vì nó đòi hỏi sự yêu nghề, sự cần mẫn với nghề, sự kết hợp đủ mọi yếu tố từ hóa học, vật lý, cơ khí cho đến mỹ thuật và quan trọng nhất là kinh nghiệm để biến thứ không đồng bộ như đất, nước, thời tiết… thành một sản phảm hoàn chỉnh.
Muốn vậy phải theo nghề lâu và đặt nặng chuyên làm nghề hơn là chuyện kiếm tiền thì mới tạo ra sản phẩm đẹp và ngày càng tốt hơn.
Năm 1999, tôi đến Đức, mãi đến năm thứ 5 sản phẩm của tôi mới được vào triển lãm khu dành cho doanh nghiệp, sản phẩm ở mức độ, quy mô nhỏ. Năm thứ 8, sản phẩm của tôi chính thức được vào khu triển lãm hàng hóa chính. Lúc đó, một số hãng muốn làm ăn với Minh Long nhưng họ yêu cầu đóng dấu của hãng khác từ các nước khác. Tôi nhất định không đồng ý. Câu chuyện giằng co đó, tôi cũng phải chịu đựng 4 năm thì mới có thể bán sản phẩm của Minh Long dán nhãn Minh Long trên thị trường quốc tế. Sau đó, có một doanh nhân người Pháp đã tha thiết đề nghị được hợp tác với Minh Long, thậm chí còn cho biết nếu hợp tác với chúng tôi, họ mới tránh được phá sản. Xuất phát từ lòng tự ái dân tộc của mình các năm trước, giờ đây tôi đã chuyển sang cảm thấy tự hào sau một quá trình phấn đấu, nỗ lực khẳng định thương hiệu Việt.
Ông Long chia sẻ: “Làm kinh doanh là một việc khó. Xây dựng uy tín của một công ty, một sản phẩm cần rất nhiều thời gian, tâm sức và sự cố gắng. Nhưng giữ gìn và phát huy nó còn khó hơn nhiều. Vì vậy, tôi luôn là một người nghiêm khắc, đòi hỏi sự chỉn chu, tỉ mỉ, hoàn thiện trong từng công việc nhỏ nhất. Đối với tôi, việc đặt hết tâm trí của mình vào công việc, lại phải biết học hỏi mỗi ngày từ tất cả mọi người xung quanh chính là đã đặt được một bước vào quá trình đi đến thành công”. Đồng thời khẳng định nguyên tắc trong làm việc là làm thế nào để đơn giản, hiệu quả; đặt vấn đề an toàn trên hết; làm cho bằng được; vui vẻ, cởi mở; và cuối cùng là hợp tác chân tình. Ông Long nói.
Học sư phạm… ra làm kinh doanh
Còn bà Lo chia sẻ: “Tôi bắt đầu sự nghiệp của mình khi bước chân vào giảng đường đại học, nhưng không phải ngành kinh tế, mà là ngành sư phạm. Năm đó, tôi thi đậu ba trường: Đại học Luật, Đại học Sư Phạm và Đại học Tổng hợp. Mẹ tôi, một doanh nhân được nhiều người biết đến lúc bấy giờ, chỉ chia sẻ suy nghĩ: Làm kinh doanh là một hành trình khó nhọc. Thôi! Con gái theo nghề sư phạm để có một cuộc sống ý nghĩa và bình an hơn mà vẫn đóng góp được nhiều cho xã hội.
Vậy là tôi đi học sư phạm với suy nghĩ sẽ trở thành một giáo viên thật tốt. Và tôi đã làm được việc này. Thời gian đi dạy học, tôi liên tục tham gia các hội thi giáo viên giỏi và vì vậy được tham gia giảng dạy tại một trường rất uy tín là Cao đẳng Sư phạm TPHCM. Đến thời điểm hiện nay, tôi vẫn tiếp tục công việc làm giảng viên, nhưng chuyển sang các môn thiên về tiếp thị, kinh doanh chứ không phải các môn khoa học xã hội như trước đây nữa.
Thời điểm tôi đi học, gia đình vẫn duy trì công việc kinh doanh và tôi được giao đảm nhiệm một khâu khá đơn giản: Kế hoạch hàng hóa, thực chất là kiểm soát để chống thất thoát hàng hóa. Nhưng có lẽ bị ảnh hưởng gene kinh doanh, nên tôi rất thích xem cách mọi người làm việc, và từng bước xin theo học nghề và tham gia dần vào đủ mọi khâu khác nhau của một công ty may mặc.
Năm 2001, một bước ngoặt lớn xảy ra khi công ty của gia đình tôi liên doanh với phía đối tác Nhật Bản để đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu và thâm nhập thị trường trong nước chứ không đơn thuần xuất hàng đi nước ngoài như trước đây. Thời điểm đó, gia đình tôi, đặc biệt là mẹ tôi, lại đang rất bận rộn với việc của Nhà nước nên không thể có thời gian cho công ty ở nhà. Vậy là 26 tuổi, tôi được giao làm giám đốc điều hành. Lúc đó, có lần một đối tác Nhật Bản nói với tôi một câu: Phải tự đứng trên đôi chân của mình thì mới đi xa được.
Tôi tin điều này, và bắt đầu tập trung toàn bộ sức lực vào công việc. Không có chỗ dựa của gia đình, chỉ có niềm đam mê với công việc được truyền lại, tôi tin mình có thể bước đi trên chính đôi chân của mình.
Mỗi năm, ngành may mặc Việt Nam mang lại doanh số xuất khẩu rất lớn, có khi lên đến 20 tỷ USD, nhưng chủ yếu là may gia công. Tôi suy nghĩ nhiều, suy nghĩ hoài về việc làm thế nào có thể cải thiện tình hình này. Và quyết định đầu tiên của tôi là tìm người nước ngoài để bổ sung điều mà người Việt chưa giỏi vì bị hạn chế, không tiếp cận kịp trào lưu chung của thế giới trong nhiều năm liền: Thiết kế thời trang.
Cùng lúc đó, trong lòng tôi vẫn vững một niềm tin rằng nếu muốn, nếu đủ đam mê, mình cũng có thể học được mọi thứ. Vì vậy, tôi và cả đội ngũ của mình liên tục đi học ở nước ngoài, tìm cách cọ xát với các đối tác lớn để từng bước nâng cao tay nghề cũng như suy nghĩ của mình đối với lĩnh vực này. Đầu tư cho nghiên cứu phát triển (R&D) hiện là khâu đầu tư lớn nhất của Sơn Kim và đến 1/3 quỹ lương của chúng tôi là dành cho R&D. Liên kết hợp tác với nước ngoài, điều chúng tôi yêu cầu ở đối tác là chuyển giao công nghệ, các công trình sáng tạo cho đội ngũ trẻ của Sơn Kim.
Tôi cho rằng, những thành công mà tôi đang có được là nhờ liên tục học hỏi và không bao giờ đầu hàng các khó khăn. Đây cũng là điều mà ngành sư phạm đã đào tạo tôi. Học không bao giờ là đủ, khi mà cơ hội luôn xuất hiện quanh mình và đòi hỏi những nỗ lực không ngừng để có thể tiến về phía trước.
Hiện nay, tôi vẫn luôn thúc bách bản thân mình phải học để làm chủ những công nghệ mới, để giải những bài toán kinh doanh mới. Chẳng hạn, trong ngành kinh doanh của Sơn Kim chúng tôi thì đồ lót là một sản phẩm chiến lược. Để có một sản phẩm đúng chuẩn, cần hơn hai mươi công đoạn và nguyên phụ liệu khác nhau, cũng như kỹ thuật cắt may, làm khuôn phức tạp. Đó là chưa kể việc làm ra sản phẩm tốt, còn phải xây dựng thương hiệu và tiếp cận thị trường. Tôi đang nỗ lực mỗi ngày để hoàn thiện mô hình cửa hàng phân phối với một trải nghiệm mua sắm hoàn toàn mới cho người tiêu dùng. Sẽ có 200 cửa hàng như vậy ở Việt Nam và một ngày không xa những cửa hàng này sẽ có mặt tại các thị trường quốc tế.
Sức mạnh của chúng ta, khởi nguồn là từ khát vọng và nguồn năng lượng chính là sự đam mê, không ngừng học hỏi và kiên trì vượt khó. Tuy nhiên, tôi cũng chia sẻ rằng, những khát vọng, sức mạnh của chúng ta sẽ không trở thành hiện thực nếu không có sự quyết liệt trong những thời điểm cần sự quyết định. Biết quyết định sáng suốt chúng ta sẽ đến gần với thành công nhanh hơn.
Ngoài ra, buổi chia sẻ về kinh nghiệm và bài học kinh doanh còn được ông Nguyễn Mạnh Dũng, Giám đốc trường quản lý khách sạn nhà hàng và du lịch quốc tế Vatel; ông Nguyễn Thế Hà, Chuyên gia kinh tế- Kỹ thuật Công ty Bùi Văn Ngọ; ông Julien Lacaze, Đại diện công ty Mobexco….