Hàng trăm tăng, ni thí sinh khắp nơi về Huế “lai kinh ứng thí”

TPO - Ngày 20/7, tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế (phường An Tây, Huế) diễn ra kỳ thi tuyển sinh cử nhân Phật học (khóa 9, niên khóa 2017-2021), thu hút hàng trăm tăng, ni thí sinh khắp nơi trong cả nước về Huế “lai kinh ứng thí”.

Năm nay, kỳ thi diễn ra trong hai ngày 20, 21/7, với sự tham gia của 321 thí sinh là tăng, ni trên địa bàn cả nước. Trong đó, riêng tại TT-Huế có 104 tăng, ni thí sinh tham gia “ứng thí”, chiếm 32,6%. 

Được biết, điểm tổ chức kỳ thi đầu vào đào tạo cử nhân Phật học tại Học viện Phật giáo tại Huế năm nay là 1 trong 4 trung tâm đào tạo về Phật học có uy tín từ trước đến nay trong cả nước, thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

3 Học viện Phật giáo còn lại đóng tại Hà Nội, TPHCM và Cần Thơ, cùng chức năng chuyên đào tạo cử nhân Phật học (cấp đại học) và cấp cao hơn sau đại học về Phật học.

Tham gia kỳ thi lần này, các tăng ni thí sinh trải qua 3 môn thi bắt buộc, gồm môn Phật pháp căn bản, môn Văn học Việt Nam, môn Sinh/Cổ ngữ (tùy chọn Hán văn, Anh văn hoặc Trung văn).

Điều đáng lưu ý, mặc dù là kỳ thi thuộc tôn giáo, nhưng các vi phạm quy chế thi trong quá trình làm bài, như mang và sử dụng tài liệu, điện thoại di động, thiết bị nghe nhìn công nghệ cao vào phòng thi để gian lận thi cử… đều triệt để bị cấm và áp dụng đình chỉ thi nghiêm ngặt giống như các kỳ thi đầu vào đại học trước đây thuộc các trường công lập và quy chế thi THPT Quốc gia hiện nay.

Theo Hòa thượng Thích Hải Ấn, Quyền Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế, Chủ tịch Hội đồng Tuyển sinh Cử nhân Phật học khóa 9, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế thành lập để đào tạo Tăng tài cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam và nước nhà; là nơi nghiên cứu những khả năng ứng dụng sáng tạo các nguyên lý triết học và đạo đức Phật giáo vào đời sống cá nhân, cộng đồng; đóng vai trò tiên phong trong đổi mới hệ thống giáo dục Phật giáo Việt Nam.

Giáo dục Phật giáo nhằm hướng mục đích tối hậu cứu cánh giải thoát khỏi khổ đau, sinh tử, đó là cảnh giới Niết bàn an lạc. Mẫu người lý tưởng mà giáo dục Phật giáo muốn vươn tới là quả vị Phật. Học tập và tu hành là để làm Phật. Kế đến, con người lý tưởng mà giáo dục Phật giáo muốn lấy làm khuôn mẫu để đào tạo là chư vị Bồ tát. Thực hành Bồ tát hạnh là thực hiện sứ mạng hoằng pháp lợi sanh, đem đạo vào đời...