Ngày 12/9, siêu thị MM Mega Market Việt Nam vẫn tiếp tục công tác vận chuyển rau củ, thực phẩm từ miền Nam ra phía Bắc. Hiện mỗi ngày, hệ thống này đã tăng thêm 2 chuyến xe vận chuyển rau củ quả từ Bình Dương và Lâm Đồng đến Hà Nội (tương đương 16 tấn rau củ quả). MM Mega Market còn triển khai chuyến xe cứu trợ đầu tiên, vận chuyển 1.000 thùng mì và 300 thùng nước khoáng từ Thăng Long (Hà Nội) lên Lạng Sơn để hỗ trợ đồng bào.
Bà Trần Kim Nga, Giám đốc Đối ngoại MM Mega Market Việt Nam cho biết, siêu thị có 5 trạm thu mua – cung ứng hàng hóa, 2 kho trữ hàng lớn tại Bình Dương, cùng 6 kho giao hàng B2B (depot). Nhờ đó, trữ lượng hàng hóa có khả năng cung ứng lên đến một tháng cho miền Bắc.
Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) cũng đã tăng lượng hàng dự trữ dành cho khu vực miền Bắc gấp 3 lần so với ngày thường.
Đại diện Co.opmart cho biết, các loại rau ăn lá, trái cây là mặt hàng chịu ảnh hưởng nhiều nhất theo tình hình thời tiết, nên Saigon Co.op đã tăng cường mặt hàng này từ Đồng Nai, Lâm Đồng, Đà Lạt và một số tỉnh miền Tây Nam Bộ. Hệ thống này đã đặt hơn 200 tấn gồm rau muống, cải ngọt, bí đao , bưởi, chuối, xoài… từ các nhà vườn, hợp tác xã, hộ kinh doanh … và sẽ vận chuyển liên tục từ Nam ra Bắc.
Đồng thời, Co.opmart còn tăng thời gian phục vụ; giao các đơn mua hàng trực tuyến trong ngày; giảm giá từ 10 – 35% nhiều mặt hàng thiết yếu để hỗ trợ người tiêu dùng.
Theo đại diện AEON Việt Nam, để đảm bảo đáp ứng đầy đủ nguồn cung hàng hóa, đồng hành cùng người dân an tâm mua sắm trong giai đoạn mưa lũ, siêu thị đã chủ động lên kế hoạch và làm việc với các nhà cung cấp. Cụ thể, AEON khu vực phía Bắc đã nâng lượng hàng đặt hàng từ nhà cung cấp gấp 2 - 3 lần ngày thường, đặc biệt với các mặt hàng rau xanh, thực phẩm tươi sống, đồ đông lạnh, sữa các loại.
Riêng đối với mặt hàng rau củ quả, do nhu cầu của người tiêu dùng tăng, AEON Việt Nam vận chuyển trung bình gần chục tấn mỗi ngày từ Đà Lạt ra phía Bắc. “Dự kiến đến cuối tuần này, các nhà cung cấp hiện tại của AEON Việt Nam vẫn đảm bảo cung cấp đủ lượng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu của người dân. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang mở rộng nguồn cung, tìm kiếm và làm việc thêm các nhà cung cấp từ các tỉnh lân cận như Đắk Nông và Gia Lai” – Aeon Việt Nam thông tin.
Ông Nguyễn Ngọc An, Tổng giám đốc Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ súc sản - Vissan (quận Bình Thạnh, TPHCM) nói rằng, nguồn cung thịt cho thị trường phía Bắc không thiếu. Nhà máy sản xuất của Vissan tại Bắc Ninh luôn sẵn sàng tăng ca, trong khi chi nhánh tại Hà Nội quản lý hơn 110 nhà phân phối ở các tỉnh thành đang hoạt động ổn định. Công ty duy trì chính sách sản xuất với lượng tồn kho đủ cung ứng trong 10 - 20 ngày liên tiếp.
Ông Đoàn Văn Hiểu Em, CEO Công ty CP Thế Giới Di Động cho biết, đang gấp rút làm việc với nhà cung cấp, sẵn sàng cho đơn hàng 10.000 nồi cơm điện tặng bà con khó khăn ở những vùng bị ảnh hưởng nặng sớm tái thiết lại cuộc sống bình thường ngay sau khi bão lũ rút đi.
“Chúng tôi cũng nỗ lực đảm bảo đầy đủ tồn kho các sản phẩm thiết yếu như sạc dự phòng, đèn tích điện, bếp ga và các sản phẩm gia dụng… để phục vụ bà con, cũng như triển khai các chương trình đồng hành hỗ trợ cùng bà con sắm sửa lại các thiết bị tiêu dùng trong nhà bị hư hỏng trong mùa bão lũ” - ông Hiểu Em chia sẻ với PV Tiền Phong.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM khẳng định, doanh nghiệp ngành thực phẩm thành phố sẵn sàng tăng ca, đảm bảo nguồn cung nhiều nhất vận chuyển ra phía Bắc để bình ổn thị trường. “Chúng tôi sẽ đảm bảo cung cấp đủ các loại thực phẩm khô và thực phẩm chế biến cho các tỉnh miền Bắc, cam kết không tăng giá bán trong suốt giai đoạn khắc phục hậu quả bão lũ” - bà Chi nói.