Hàng trăm lái đò ở Tam Cốc được ký hợp đồng lao động

TPO - Hàng trăm lái đò tại Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động (Ninh Bình) đã đồng ý và ủng hộ việc ký kết hợp đồng lao động nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động và du khách theo quy định. Những lái đò ký kết hợp đồng lao động sẽ được doanh nghiệp hỗ trợ thêm 50.000 đồng/chuyến để giúp cải thiện cuộc sống.

Ngày 14/7, trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Cao Tấn, Phó Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình, khẳng định, để bảo vệ quyền lợi của người lái đò tại Tam Cốc - Bích Động, việc ký kết hợp đồng lao động là cần thiết.

Trước đó, theo thông báo của Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường (đơn vị vận hành khu du lịch Tam Cốc – Bích Động), kể từ ngày 9/7, tất cả lái đò chở khách tại khu du lịch này phải ký hợp đồng lao động để đảm bảo quyền lợi cho người lao động theo quy định pháp luật. Đồng thời, doanh nghiệp sẽ chi trả toàn bộ chi phí khám sức khỏe cho những người ký hợp đồng.

Lái đò Bùi Thị Kiếm, Hoa Lư, Ninh Bình nhận thấy việc kí hợp đồng lao động gắn với quyền lợi, trách nhiệm là cần thiết.

Được biết, hiện ở Tam Cốc - Bích Động có khoảng 1.400 số đò. Tuy nhiên, do một số lái đò chưa hiểu hết quyền lợi và trách nhiệm của bản thân và du khách nên đã không mặn mà với việc tham gia hợp đồng lao động.

Trong buổi đối thoại giữa chính quyền, người dân và doanh nghiệp, một số thắc mắc về quyền lợi đã được đưa ra và các bên cố gắng tìm ra tiếng nói chung để giải quyết vấn đề. Sau khi được giải đáp từ cơ quan chức năng và doanh nghiệp, những lái đò đã hiểu được quyền lợi, tầm quan trọng và ý nghĩa của việc ký kết hợp đồng lao động.

Lái đò hiểu rõ quyền lợi hợp pháp của bản thân và trách nhiệm với du khách khi kí hợp đồng lao động. Ảnh: Đ.H

Nhận thấy trách nhiệm và quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, ngày 13/7, hàng trăm lái đò ở Khu du lịch Tam Cốc – Bích Động đã đồng ý ký hợp đồng lao động với Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường.

Ông Trịnh Văn Tuyên, Bí thư chi bộ, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn Văn Lâm, cho biết chính quyền đã gửi kiến nghị lên các cơ quan quản lý Nhà nước để giải quyết vấn đề tăng giá chở thuyền. Tuy nhiên, việc điều chỉnh giá phải được quyết định bởi UBND tỉnh Ninh Bình và có lộ trình cụ thể.

Lái đò được kiểm tra sức khoẻ miễn phí trước khi kí hợp đồng lao động. Ảnh: Đ.H

Ông Nguyễn Cao Tấn, Phó Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình nhấn mạnh, việc yêu cầu ký hợp đồng lao động giữa doanh nghiệp và người lái đò là để đảm bảo tính pháp lý và quyền lợi cho cả hai bên. Khi ký hợp đồng, người lao động sẽ có quyền lợi được bảo đảm, bao gồm bảo hiểm y tế, chế độ khám sức khỏe định kỳ và các chế độ phúc lợi khác.

Đồng thời, người lái đò sẽ được thường xuyên đào tạo nâng cao nghiệp vụ du lịch. Việc này cũng đảm bảo sự an toàn cho du khách và đưa ra một môi trường du lịch chuyên nghiệp và bền vững. Ông Tấn cũng cho rằng, việc ràng buộc giữa người sử dụng lao động và người lao động là cần thiết và phải tuân thủ quy định pháp luật để đảm bảo phát triển bền vững và chuyên nghiệp của ngành du lịch ở Ninh Bình.

Lái đò vui mừng khi được ký hợp đồng lao động.

"Việc đào tạo nhân lực, đảm bảo quyền lợi và kế sách cho người dân địa phương được xem như trung tâm của phát triển du lịch, và được đánh giá cao bởi cộng đồng quốc tế trong việc quản lý Khu Danh thắng Tràng An. Đảm bảo quyền lợi cho người lái đò ở Tam Cốc - Bích Động, nhưng phải đúng pháp luật" - ông Nguyễn Cao Tấn nói.

Cảnh bến đò Tam Cốc ngày đóng cửa nhìn từ trên cao. Ảnh: Đ.H

Ghi nhận của Tiền Phong cho thấy, những lái đò đến ký hợp đồng lao động đều được cơ quan chức năng tỉnh Ninh Bình sắp xếp đội ngũ y, bác sỹ kiểm tra sức khoẻ một cách nghiêm ngặt.

Luật sư Bùi Phan Anh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: Căn cứ Bộ luật Lao động số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019, căn cứ Nghị định số 145 ngày 14/12/2022 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động, trước khi nhận người lao động vào làm việc thì người sử dụng lao động phải thực hiện giao kết hợp đồng lao động với người lao động. Nếu không có hợp đồng lao động, người sử dụng lao động và người lao động đều vi phạm Bộ luật Lao động và bị xử lý theo quy định của pháp luật.