Hãng phim truyện Việt Nam bị "bỏ quên" 7 năm. Khoảng sân của hãng phim giờ dành để trông giữ ôtô, xe máy cho nhà dân lân cận.
Hãng phim truyện Việt Nam được thành lập năm 1953, trực thuộc Bộ VHTTDL. Lịch sử tồn tại của hãng gắn liền với dòng phim cách mạng và nghệ thuật, với các tác phẩm như Chung một dòng sông, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Chị Tư Hậu, Em bé Hà Nội...
Nằm trên mảnh đất vàng tại số 4 Thụy Khuê với diện tích lên tới 5.000 m2 nhưng Hãng phim truyện Việt Nam hơn 60 năm nay không có quyền sử dụng mảnh đất này, chỉ là đất đi thuê. Cơ sở vật chất nhiều năm qua xuống cấp trầm trọng.
Những mảng tường bong tróc, mọc rêu, mốc do nhiều năm nay không được đầu tư tu sửa. Xưởng thu thanh gần như trở thành nhà kho.
Từ xưởng âm thanh trở thành nơi lưu xô, chậu, phế thải xây dựng của một số hộ dân xung quanh.
Hội trường của Hãng phim bị bỏ không nhiều năm, các hàng ghế bị mốc, là nơi trú ngụ của chuột và gián. Không ai tưởng tượng được đây từng là trụ sở của hãng phim đã sản xuất ra cả trăm bộ phim "vang bóng một thời".
Các phòng chức năng khác tại hãng phim cũng bị bỏ không, bàn ghế, đồ đạc phủ một lớp bụi trắng xoá. Phần chân tường bong tróc lộ lớp vôi vữa bên trong.
Các tấm xốp cách âm bị vứt lung tung trong Hãng phim.
Mép cửa sổ bằng gỗ bị mối mọt ăn mòn sắp không còn dấu vết của thanh nẹp. Phòng làm việc của nhiều bộ phận trở nên hoang phế do không còn người. Hãng phim không hoạt động trong nhiều tháng qua.
Tay nắm cửa hoen gỉ, móp méo không còn dấu hiệu một hãng phim từng là niềm tự hào của nhiều nghệ sĩ gạo cội.
Diện tích 5.000 m2 của hãng phim đang được trưng dụng làm bãi để xe.
Mọi ngóc ngách trong khuôn viên hãng phim đều thấy có xe đỗ.
Khu nhà thủy phi cơ của hãng phim xuống cấp trở thành nơi gặp gỡ của một số người câu cá tại Hồ Tây.
Cửa ra vào hãng phim trở thành nơi trưng biển quảng cáo bia, đồ ăn.
Câu chuyện của Hãng phim truyện Việt Nam được gợi lại tại lễ kỷ niệm 70 năm ngành điện ảnh Cách mạng Việt Nam. NSND Trà Giang, NSND Thanh Vân, nghệ sĩ Quyền Linh và hàng chục nghệ sĩ, cán bộ hãng phim bày tỏ sự đau xót trước tình trạng xuống cấp, đổ nát của Hãng phim truyện Việt Nam.
Gia Linh