Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình:

Hàng nghìn dân di dời đến nơi an toàn

TP - Lúc 19 giờ tối 3/7, ông Đặng Trọng Thăng, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, Trưởng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Thái Bình cho biết, tổng số 1.279 tàu, thuyền với 3.643 ngư dân làm ăn trên biển đều liên lạc được với gia đình.
Các tàu thuyền ở Ninh Bình đã vào nơi tránh trú bão an toàn (ảnh: Báo Ninh Bình)

Trong đó 95 phương tiện tàu thuyền với 467 ngư dân của tỉnh này đang hoạt động ở vùng biển ngoài tỉnh đều đã vào bờ tránh trú, không có phương tiện hoạt động trong vùng nguy hiểm. Thái Bình cũng hoàn thành di dời ngư dân ở 1.164 chòi canh (1.281 lao động), 1.216 đầm bãi (1.907 lao động) và 575 lồng cá trên sông vào bờ an toàn. Các lực lượng chức năng cũng chuẩn bị sẵn sàng điều kiện để di dời 14.208 hộ với 51.098 người sinh sống ngoài đê chính, 8.476 hộ với 18.231 người sống trong nhà yếu khi cần thiết. Trước đó, Thái Bình thực hiện lệnh cấm biển từ 8 giờ sáng ngày 3/7, yêu cầu kêu gọi tàu thuyền vào bờ tìm nơi tránh trú, neo đậu an toàn và di dời dân trên các lều canh ngao vạng, tàu thuyền, ở nhà yếu ven biển vào bờ trước 16 giờ chiều cùng ngày.

Tỉnh Nam Định ra lệnh cấm biển từ 12 giờ trưa 3/7 và yêu cầu đến 15 giờ phải hoàn thành đưa tàu thuyền, di dân ven biển vào bờ. Đến 18 giờ 30 phút, báo cáo của Bộ đội Biên phòng và chính quyền các địa phương tại Nam Định cho biết, toàn bộ 2.100 tàu thuyền với trên 6.039 lao động (559 tàu xa bờ với 2.487 thuyền viên và 1.587 tàu đánh bắt gần bờ với 3.552 thuyền viên) đều đã cập bến, neo buộc tàu thuyền tại các điểm tránh trú. Tỉnh này cũng hoàn tất đưa 1.317 ngư dân ở 1.024 lều, chòi nuôi ngao, vạng vào bờ.

Tại Ninh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Đinh Văn Điến, Trưởng Ban chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh cho biết, đã có công điện về ứng phó với bão số 2. Theo đó, tổ chức kiểm đếm, quản lý chặt chẽ việc ra khơi, các lồng bè nuôi trồng thủy hải sản để kịp thời xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra, kiểm tra hướng dẫn việc neo đậu tàu thuyền tại bến.