Hàng loạt người sập bẫy Alibaba: Nguyễn Thái Luyện làm gì với 2.500 tỷ đồng?

TP - Số tiền 2.500 tỷ đồng huy động được của khách hàng, Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần địa ốc Alibaba đã dùng làm gì? Liệu những người “sập bẫy” công ty này có lấy lại được tài sản?
Lực lượng cảnh sát phong tỏa, khám xét Trụ sở Tập đoàn Địa ốc Alibaba

Ngày 23/9, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM đã ra quyết định gia hạn tạm giữ lần một đối với Nguyễn Thái Luyện (34 tuổi), Chủ tịch HĐQT Cty cổ phần địa ốc Alibaba (Cty Alibaba) để tiếp tục điều tra làm rõ vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại công ty này.

2.500 tỷ đồng đi đâu?

Nguồn tin từ cơ quan CSĐT công an TPHCM cho biết, Luyện và Lĩnh đã khai một số thông tin liên quan đến “đường đi” của số tiền 2.500 tỷ. Theo đó, phần lớn tiền do khách hàng nộp vào, Luyện chỉ đạo người thân, nhân viên thân tín dùng để mua đất nông nghiệp ở nhiều tỉnh thành và dùng để trả lãi suất cho khách mua dự án trước, trả lương nhân viên.

Sau khi mua đất nông nghiệp, Luyện chỉ đạo cấp dưới vẽ các dự án “ma” rồi lên mạng xã hội quảng cáo rầm rộ, chào mời khách hàng mua đất nền với giá rẻ, lãi suất cao. Khi khách hàng ký hợp đồng xong thì một trong số 20 công ty con của Alibaba đứng ra ký hợp đồng thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất với khách hàng. Theo hợp đồng này, công ty con của Alibaba yêu cầu khách hàng thanh toán 95% giá trị lô đất trong đợt 1, khi nhận giấy chứng nhận chủ quyền sẽ đóng tiếp 5% còn lại.

Tiếp đó, khách hàng sẽ phải ký “hợp đồng quyền chọn” và chọn 1 trong 4 quyền gồm: Một, Alibaba thuê lại đất của khách hàng với giá thuê 2%/tháng trên tổng giá trị nền đất, thời gian thuê 12 tháng, chỉ áp dụng cho các trường hợp thanh toán 95% giá trị nền đất; Hai, Cty Alibaba mua lại của khách hàng với chênh lệch 30% sau 12 tháng; Ba, công ty Alibaba mua lại với chênh lệch 38% sau 15 tháng; Bốn, khách hàng thanh toán 50%, còn lại trả góp 3 triệu đồng/tháng, không phải trả lãi và công ty này sẽ mua lại với chênh lệch 38% sau 15 tháng, khi khách thanh toán đủ 95% giá trị nền đất.

Theo cơ quan điều tra, số tiền 2.500 tỷ đồng khách hàng nộp vào, Luyện giao cho cấp dưới mua đất nông nghiệp để lập dự án “ma” lừa người khác theo hình thức xoay vòng. Ngoài ra, Luyện còn trích tiền khách hàng nộp vào để mua ô tô, trả lương nhân viên, mua các mặt hàng đắt tiền để thưởng cho nhân viên khi lôi kéo được người khác tham gia vào công ty, mua nền đất… Hiện nay, nhiều lô đất của công ty này mua để vẽ dự án “ma” nhưng vẫn chưa bán được.

Liên quan đến vụ việc, luật sư Nguyễn Ngọc Quảng, đoàn luật sư TPHCM cho rằng, hiện nay mới là giai đoạn đầu của giai đoạn điều tra nên còn rất nhiều việc cơ quan chức năng cần phải làm. Tuy nhiên, đây là giai đoạn đang rất “nóng” vì số lượng hàng nghìn khách hàng đã trót đầu tư vào Cty Alibaba lo lắng là thế nào để lấy lại tiền hoặc vàng. Liệu số tiền đã đầu tư có mất hay không?

Ở đây, có hai khía cạnh. Trước tiên, để được giải quyết thì khách hàng phải căn cứ vào tình hình thực tế, hợp đồng mua bán… để tự xác định mình có thiệt hại hay không, nếu có thì phải trình báo với cơ quan điều tra. Thứ hai, cơ quan điều tra đã thu giữ được một số lượng tài sản nhất định tại Cty Alibaba, về lý thuyết khách hàng vẫn có thể được trả lại tiền.

“Tuy nhiên, với một công ty huy động số lượng khách hàng đông đảo, mức lãi trả cao thì số tiền tương ứng sẽ phải trả cho khách rất nhiều so với số tiền thực tế công an thu được. Chưa kể trong quá trình điều tra còn có khả năng xảy ra là Cty Alibaba còn có các khoản nợ có thế chấp, nợ có bảo đảm, nợ thuế thì số tiền còn lại rất thấp so với số lượng khách hàng phải thanh toán. Điều đó cũng có nghĩa là khách hàng có khả năng mất trắng, không thể thu hồi tài sản”, luật sư Quảng nói.

Anh em Luyện - Lĩnh bị công an bắt để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản

  Luật sư Nguyễn Kiều Hưng, đoàn luật sư TPHCM cho biết, khi khởi tố vụ án, cơ quan điều tra sẽ niêm phong toàn bộ tài sản của công ty Alibaba sau đó cho định giá và thống kê lại số tiền Alibaba nhận của khách hàng theo từng người. Về nguyên tắc thì số tiền đó sẽ được trả lại. Tuy nhiên, nhiều vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì các đối tượng đã sử dụng hết số tiền đó rồi. Khi kết án, nghĩa vụ trả lại tài sản vẫn có nhưng trên thực tế tài sản không còn. Vì vậy, thiệt thòi thuộc về khách hàng, khả năng mất trắng tài sản vẫn có thể xảy ra.