Hàng loạt doanh nghiệp nhà nước lợi nhuận nghìn tỷ

TPO - Năm 2018, có 29/30 tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước làm ăn có lãi, lợi nhuận trước thuế đạt gần 152 nghìn tỷ đồng. Trong đó có 17 doanh nghiệp và ngân hàng có lợi nhuận đạt trên 1.000 tỷ đồng.

Ngày 16/12, Hội nghị Tổng kết công tác năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, với sự chủ trị của của ông Nguyễn Văn Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương.

Ông Phạm Tấn Công, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối Doanh nghiệp T.Ư cho biết, với sự đồng bộ, hiệu quả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, các chỉ tiêu kế hoạch năm 2018 của các doanh nghiệp trong Khối đều đạt và vượt, có mức tăng trưởng cao so với năm 2017. 

Ông Nguyễn Văn Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại hội nghị

So với năm 2017, tổng doanh thu các tập đoàn, tổng công ty trong Khối tăng 11,4%, ước đạt trên 1,63 triệu tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế tăng 13,8%, ước đạt gần 152 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách tăng 14,82%, ước đạt trên 258 nghìn tỷ đồng.

Có 29/30 tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng trong Khối sản xuất, kinh doanh có lãi, có 17/30 doanh nghiệp và ngân hàng trong Khối có lợi nhuận đạt trên 1.000 tỷ đồng. Đơn vị duy nhất trong khối kinh doanh thua lỗ là Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam, với khoản lỗ lũy kế dự kiến 3.540 tỷ đồng.

Đặc biệt, có 9/30 đơn vị trong Khối có mức nộp ngân sách nhà nước đạt trên 5.000 tỷ đồng, trong đó lớn nhất là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) 57 nghìn tỷ đồng, Vietcombank 18,35 nghìn tỷ đồng, Tổng Cty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) gần 9,5 nghìn tỷ đồng, BIDV 9 nghìn tỷ đồng...

Trong năm 2018, nhiều đơn vị có tăng trưởng cao về lợi nhuận. Đơn cử, Tập đoàn Công nghiệp Than khoáng sản Việt Nam (TKV), lợi nhuận vượt kế hoạch 100%, tăng 33% so với năm 2017. Tương tự, Vietcombank lợi nhuận vượt kế hoạch 43%, tăng 63%; SCIC lợi nhuận vượt 53%, tăng 42%...

Đáng lưu ý, một số đơn vị sau thanh, kiểm tra, có tập thể, cá nhân bị xử lý kỷ luật đã có nỗ lực chấn chỉnh, nhiều chuyển biến tích cực, các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh đều tăng trưởng cao.

Cụ thể, so với kế hoạch năm 2018, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam vượt doanh thu 17%, lợi nhuận vượt 134%, nộp ngân sách vượt 64%. Tổng Cty Xi Măng Việt Nam lợi nhuận vượt kế hoạch 5%, tăng 10% so với năm 2017; Tập đoàn Hóa chất đi vào ổn định kinh doanh, lợi nhuận tăng 269% so với năm 2017.

Một số đơn vị dù gặp khó khăn về thị trường, thời tiết, giá cả, nhưng vẫn nỗ lực hoàn thành kế hoạch, đảm bảo việc làm cho hàng chục nghìn lao động, như: Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) có doanh thu vượt 3% và nộp ngân sách vượt 6%, Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood1) vượt 28% và nộp ngân sách vượt 3,8% kế hoạch...

Các doanh trong khối đã đảm bảo việc làm, duy trì và nâng cao thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần cho trên 800 nghìn lao động. Tích cực thực hiện các chương trình an sinh xã hội, thực hiện Nghị quyết 30a, hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững trên cả nước với tổng kinh phí 1.056 tỷ đồng.

Tiếp tục xử lý dứt điểm các dự án kém hiệu quả, thua lỗ

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương ghi nhận, biểu dương những đóng góp của Khối Doanh nghiệp Trung ương thời gian qua, góp phần tạo chuyển biến tích cực cho nền kinh tế đất nước trong năm 2018.

Nhấn mạnh, tầm quan trọng của năm 2019 là năm bứt phá, ông Bình yêu cầu Đảng ủy Khối, các đảng ủy trực thuộc cần nghiên cứu kỹ, tìm ra nguyên nhân, đề ra các giải pháp thiết thực để khắc phục những tồn tại, khuyết điểm.

 Đạm Ninh Bình là một trong 12 đại dự án thua lỗ thời gian qua

Trong đó, các doanh nghiệp tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương khóa XII, đặc biệt là các nghị quyết về sản xuất kinh doanh, về cơ cấu lại, đổi mới nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước.

Đẩy mạnh thực hiện công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí và thực hành tiết kiệm, tạo môi trường lành mạnh cho cán bộ, đảng viên, người lao động trong Khối yên tâm gắn bó và đóng góp xây dựng doanh nghiệp phát triển.

Tập trung thực hiện đảm bảo chất lượng, tiến độ các dự án, công trình đầu tư trọng điểm; tiếp tục xử lý có hiệu quả, dứt điểm các dự án thua lỗ, kém hiệu quả.

Từ những vụ việc, sai phạm ở các doanh nghiệp nhà nước thời gian qua, ông Bình cho rằng, sai phạm phải được phát hiện, xử lý, sai đến đâu xử lý đến đó. “mục tiêu đánh chuột không được vỡ bình, là giữ ổn định để phát triển”- ông Bình lưu ý.

Theo ông Bình, việc thực hiện Nghị quyết 12, Hội nghị Trung ương V, về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước vẫn còn triển khai chậm.

Đáng lưu ý, nói về 12 “đại dự án” thua lỗ thời gian qua, ông Bình cho biết, một số dự án đã được khôi phục phần nào chủ yếu là do giá cả thị trường tốt lên, chứ chưa phải là tác động tốt từ tái cơ cấu.

Ông cũng cho rằng, về hệ thống ngân hàng, việc tái cơ cấu còn chậm, do vậy, “cần làm nhanh, làm dứt để các doanh nghiệp còn ổn định phát triển, chứ nếu để lâu “lỗ hà ra lỗ hổng, đáng lỗ 1 nó ra lỗ mười”.

Nói về việc chuyển các tập đoàn, tổng công ty về Ủy ban quản lý vốn Nhà nước, ông Bình lưu ý, cần tăng cường sự phối hợp để hiệu quả tốt hơn. “Từ ngày về với anh, em khác, chứ không phải khổ thêm, em tìm thấy một chỗ dựa vững chãi. Chứ trước đây một cổ hai tròng, bây giờ một cổ 3-4 tròng thì chết”- ông Bình ví von.

Nhắc lại về các dự án đầu tư theo hình BOT, BT…, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng một thời gian đã triển khai “hoành tráng quá”, tuy nhiên, nếu vì thế mà siết hết lại cũng không ổn. Do vậy, ông đề nghị Ủy ban quản lý vốn Nhà nước cần chỉ đạo rà soát mạnh mẽ, nhằm huy động nguồn lực cho phát triển.