Làm bảo vệ, xe ôm sau 10 năm giữ rừng
TT-Huế là một trong những địa phương có diện tích rừng tự nhiên, rừng đặc dụng, phòng hộ thuộc diện lớn ở khu vực miền Trung, với hơn 200.000 ha.
Anh Nguyễn Hòa (40 tuổi, tên các nhân viên BVR trong bài đã thay đổi) có hơn 10 năm làm BVR chuyên trách tại vùng núi Hương Thủy. Sau khi được đào tạo bài bản ở đại học, anh Hòa xin vào làm việc tại một ban quản lý BVR công lập. Làm việc cần mẫn, trách nhiệm, sau gần 10 năm phấn đấu, Hòa được bố trí vào vị trí Đội trưởng đội BVR chuyên trách. Mới đây anh Hòa viết đơn xin nghỉ việc để cùng vợ đi làm công nhân khiến nhiều người bất ngờ. Anh Hòa chia sẻ, do mức thu nhập quá thấp (chỉ với 4 triệu đồng/tháng) ở vị trí Đội trưởng BVR, lúc nào cũng phải ở rừng, mọi việc gia đình và chăm sóc con cái đều “khoán trắng” cho vợ.
Tương tự, anh Trần Toản, 30 tuổi, nhân viên BVR chuyên trách tại Ban Quản lý rừng phòng hộ (RPH) Hương Thủy. Anh Toản cũng vừa xin thôi việc để về làm nghề xe ôm. Vào nghề 4 năm, lương tháng của anh trước khi xin nghỉ là hơn 3 triệu đồng. Mức thu nhập này theo anh chỉ đủ lo xăng xe, góp tiền ăn với anh em giữ rừng và dùng vào những khoản chi lặt vặt mà không “có dư” để gửi về cho vợ con.
Ông Hoàng Phước Toàn, Trưởng ban Quản lý RPH Hương Thủy, thông tin, tại cơ quan này vừa có 8 nhân viên BVR chuyên trách xin nghỉ việc, đổi nghề. “Lý do chính vẫn là thu nhập của nhân viên bảo vệ rừng thấp. Cơ quan đã tìm mọi cách vận dụng các khoản để tăng thu nhập cho anh em, nhưng do khung chế độ chính sách tiền lương đã định, không thể làm “vượt rào” nên không sao giữ được chân nhân viên bảo vệ rừng. Lý do khác, là do anh em sống trong rừng núi hiểm trở phải thường xuyên chịu thiệt thòi, rồi những vấn đề tế nhị về đời sống vợ chồng khi họ luôn sống xa cách nhau, nên anh em đành phải xin nghỉ”, ông Toàn cho biết.
Giải pháp nào níu chân người giữ rừng?
Thống kê chưa đầy đủ, tại 5 đơn vị quản lý - BVR trên địa bàn TT-Huế thời gian gần đây có 21 nhân viên BVR chuyên trách xin nghỉ việc. Ngoại trừ số rất ít phải nghỉ do vi phạm kỷ luật, còn lại là do thu nhập quá thấp, không tương xứng với công việc nặng nhọc, nguy hiểm, chịu nhiều thiệt thòi của họ.
Trao đổi với PV, ông Võ Văn Dự, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TT-Huế, cho rằng, giải pháp căn cơ vẫn là bảo đảm đời sống, thu nhập và sinh kế của người BVR chuyên trách. “Anh em sống chết với rừng mà không có một tấc đất rừng để cải thiện sinh kế là điều thiếu hợp lý. Xét cho cùng, họ cũng là dân, chỉ có khác là họ có cái bản hợp đồng ràng buộc công việc giữ rừng với nơi họ làm việc. Tôi nghĩ, nếu bố trí đất rừng cho anh em tăng gia sản xuất hợp pháp, đời sống của họ bảo đảm hơn, những tiêu cực để mất rừng cũng sẽ được hạn chế, anh em cũng không xin nghỉ việc nhiều như hiện nay”, ông Dự nói.
Theo ông Dự, những cơ sở pháp lý về tự chủ tài chính ở đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực kinh tế và lĩnh vực khác hiện đã có. Đối với ngành lâm nghiệp, đơn vị nào đề xuất khả năng tự chủ tài chính, tự chịu trách nhiệm về nhiệm vụ và bộ máy như đơn cử tại Ban Quản lý rừng phòng hộ sông Bồ, UBND tỉnh TT-Huế nên tạo điều kiện để họ mạnh dạn thực hiện. Ông Dự cho rằng, làm như vậy rừng và đất rừng được quản lý và sử dụng hiệu quả, ngân sách nhà nước không phải tiêu tốn đồng nào, mà đời sống nhân viên BVR sẽ bảo đảm hơn.
“Anh em sống chết với rừng mà không có một tấc đất rừng để cải thiện sinh kế là điều thiếu hợp lý. Xét cho cùng, họ cũng là dân, chỉ có khác là họ có cái bản hợp đồng ràng buộc công việc giữ rừng với nơi họ làm việc”.
Ông Võ Văn Dự, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TT-Huế