Hàng chục phu vàng trốn thoát khỏi rừng sâu

TP - Chỉ một số ít trong số gần 100 phu vàng về được quê (Nghệ An) trong vụ đào thoát khỏi bãi vàng Khe Tăng của Cty TNHH Phước Minh ở Phước Thành, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam trong chiều tối 3/4 vừa rồi. Số còn lại, tiếp tục quay về rừng…
Nhóm phu vàng tập trung ở trụ sở cty Phước Minh tối 3/4

Thường xuyên bị đánh đập Lý do bỏ trốn được những người trốn thoát nói rằng vì không chịu nổi sự áp bức, bóc lột sức lao động của chủ bãi vàng.

Để tìm đường từ bãi vàng ra được đến thị trấn Khâm Đức, số phu vàng này phải cắt rừng lội suối, vượt qua nhiều ngọn núi cao. Đi bằng đường vạch sẵn mất khoảng 40km, nhưng vì cắt rừng nên quãng đường dài gần 200km.

Nhóm công nhân cho hay, nếu thoát thành công, họ cũng sẽ đi bộ về tới huyện Thanh Chương bởi hầu như không ai còn xu dính túi. Phần lớn số phu vàng này là dân tộc Khơ Mú. Chiều tối ngày 3/4 sau khi thoát thành công tới thị trấn Khâm Đức, đoàn phu vàng xếp thành hàng, vừa đi vừa hô “tự do… muôn năm” làm náo động cả một góc thị trấn.

Một số công nhân cho phóng viên hay, họ bị chủ bãi vàng đối đãi thậm tệ, làm việc khổ sai nhưng lương được nhận quá hẻo. “Chúng tôi phải làm việc trong môi trường cực kỳ nguy hiểm, ở độ sâu hàng chục mét vậy mà không có cả hệ thống thổi ngạt. Chẳng biết chết lúc nào”.

Nhóm phu vàng còn cho hay, thức ăn hằng ngày là cơm nguội và rau rừng với muối. Công nhân Vi Văn Cường cho biết, toàn bộ nhóm phu vàng bỏ trốn đều bị Cty nợ lương. Trong số người bỏ trốn đó có hơn 10 em nhỏ, cá biệt có em Ô Văn Hiệp- người dân tộc Khơ Mú - chỉ mới 16 tuổi nhưng đã làm việc tại bãi vàng từ hơn 1 năm nay.

Cuộc chiến giữa các chủ bãi?

Ngay chiều tối 3/4, Cty TNHH Phước Minh đã nhanh chóng tập hợp hàng chục công nhân vào trụ sở của Cty, tuyệt đối không cho báo chí tiếp xúc, nội bất xuất ngoại bất nhập. Cuộc làm việc chóng vánh sau đó được thể hiện bằng một văn bản “tròn trịa”, trái ngược hẳn với những gì mà nhóm phu vàng trốn thoát kể với phóng viên.

Một đại bản doanh trong bãi vàng ở
Phước Thành

Biên bản làm việc giữa nhóm công nhân với ông Ngô Văn Quang– GĐ Cty TNHH Phước Minh ghi rõ: Vào lúc 7h ngày 3/4 tại công trường bãi vàng Khe Tăng có một số lao động từ đầu năm đến nay, một số người mới vào và ứng một số tiền khá lớn của cty gửi về quê và chi phí đi lại. Không rõ nguyên nhân gì mà người lao động tự bỏ về mà không xin ý kiến Cty”.

“Chúng tôi thường xuyên tổ chức đoàn đi kiểm tra tình hình các bãi vàng. Trong đó có cả Cty Phước Minh và không thấy dấu hiệu của sai phạm. Cty Phước Minh có tới 3 bãi vàng ở Phước Thành với số công nhân gần 200 người. Riêng số công nhân bỏ trốn là ở bãi Khe Tăng có giấy phép khai thác đến 2017, toàn bộ là người một làng”.

Ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó Chủ tịch huyện Phước Sơn

Theo lý giải của Giám đốc Cty Phước Minh, có thể nguyên nhân là do một số công nhân nghe sự cám dỗ của một số chủ bãi vàng khai thác trái phép trên địa bàn huyện Phước Sơn, hứa trả lương rất cao, trên 8 triệu đồng/tháng. “Một số đối tượng xấu rủ rê xúi giục nên nhóm công nhân mới nghe lời bỏ trốn chứ Cty không hề đối đãi không tốt với người lao động” – biên bản ghi rõ. Chiều qua (4/4), trao đổi với PV Tiền Phong qua điện thoại, ông Nguyễn Mạnh Hà – Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho hay, ngay sau khi vụ việc xảy ra, UBND huyện đã chỉ đạo công an huyện và phòng LĐTB&XH lập tức xuống kiểm tra. Con số cụ thể là 70 người (trong khi biên bản của Cty Phước Minh ghi 78 người – PV). Sau khi giải quyết khúc mắc, 40 người tự nguyện ở lại làm việc, 30 người xin phép về quê thăm gia đình. Nhiều khả năng số này sẽ không vào nữa.

Theo ông Hà, nguyên nhân chủ yếu là khúc mắc về lương. Trong khi Cty Phước Minh trả 3 triệu đồng/tháng và ứng nhiều tháng lương trả trước cho công nhân thì một số chủ bãi khác hứa trả cao hơn. Nhóm công nhân muốn được tăng lương, nếu không sẽ bỏ việc nhưng Cty không đồng ý nên xảy ra mâu thuẫn. “Công an cũng đã kiểm tra thực hư việc công nhân bị đánh đập, đối xử ngược đãi nhưng hỏi thì công nhân không nói nên cũng chưa thể kết luận được” – ông Hà cho biết.