Hàn Quốc ngừng tiếp nhận lao động Việt Nam

Bộ trưởng Bộ Lao động Hàn Quốc vừa có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH VN thông báo “tạm dừng tiến trình thỏa thuận giữa hai bên về chương trình cấp phép việc làm cho lao động Việt Nam”.

Hàn Quốc ngừng tiếp nhận lao động Việt Nam

> Xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc: Hơn vạn lao động bị 'treo'

Bộ trưởng Bộ Lao động Hàn Quốc vừa có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH VN thông báo “tạm dừng tiến trình thỏa thuận giữa hai bên về chương trình cấp phép việc làm cho lao động Việt Nam”.

Người lao động chen chúc, tụ tập trước các điểm thi tiếng Hàn tại Hà Nội. Ảnh: Q.Thế.

Thực tế, tỉ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn tại Hàn Quốc ngày một tăng cao và cao nhất trong 15 nước phái cử lao động tới Hàn Quốc.

Phía Hàn Quốc đã nhiều lần cảnh báo, nếu Việt Nam không giảm được tỉ lệ lao động bỏ trốn, sẽ tạm dừng thực hiện thỏa thuận giữa hai bên (gọi tắt là MOU).

Không ký tiếp bản thỏa thuận

Theo thỏa thuận về chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (EPS - trong đó có Việt Nam, ký kết lần đầu vào ngày 2-6-2004), cứ hai năm một lần phía Hàn Quốc và Việt Nam sẽ ký lại bản thỏa thuận để chương trình được triển khai liên tục.

Tuy nhiên, sau lần ký mới nhất (vào ngày 29-10-2010 và đã hết hiệu lực vào ngày 28-8-2012) cho đến nay, phía Hàn Quốc đã không ký tiếp MOU.

Theo văn bản mà bộ trưởng Bộ Lao động Hàn Quốc gửi Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam thì lý do cho việc không ký tiếp MOU là: “...tỉ lệ ở lại bất hợp pháp của lao động Việt Nam đến thời điểm hiện tại đã lên tới hơn 50%. Điều này thật khó để chấp nhận dựa trên điều khoản MOU đã ký gần đây nhất”.

Cùng với văn bản thông báo, phía Hàn Quốc cũng gửi kèm danh sách số lượng và tỉ lệ lao động Việt Nam bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Theo đó, tính đến nay tổng số lao động bất hợp pháp là 22.708 người, trong đó lao động đi theo chương trình EPS là 11.347 người.

Trước khi có văn bản thông báo này, phía Hàn Quốc đã ngưng kỳ kiểm tra tiếng Hàn vào tháng 12-2011 vì tỉ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn tại Hàn đã lên tới 48%. Đồng thời, phía Hàn Quốc cũng cảnh báo, nếu Việt Nam không có những biện pháp giảm tỉ lệ lao động bất hợp pháp, phía Hàn Quốc sẽ tạm ngưng chương trình thỏa thuận giữa hai bên.

Tuy nhiên, từ lúc phía Hàn cảnh báo (vào cuối năm 2011) đến quý 1-2012, tỉ lệ lao động VN bất hợp pháp đã tăng từ 48% lên 54% và đến nay là 57%.

Hàng chục ngàn lao động Việt Nam hết cơ hội

Việc Hàn Quốc không ký tiếp MOU theo một cán bộ quản lý từng thực hiện chương trình này cho biết: “Chuyện phái cử lao động Việt Nam qua Hàn Quốc coi như ngưng hoàn toàn cho đến khi MOU được ký tiếp”.

Sự việc này sẽ khiến 12.000 hồ sơ lao động đã thi đậu các kỳ thi tiếng Hàn đang treo trên mạng chờ chủ sử dụng Hàn Quốc chọn lựa coi như bị xóa sổ.

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, thừa nhận phía Hàn Quốc chưa ký tiếp MOU là do những tồn đọng (về tình trạng lao động VN bất hợp pháp - PV) mà hai bên chưa giải quyết được.

Tuy nhiên, các cơ quan quản lý lao động Việt Nam đã và đang tiếp tục có những cuộc tiếp xúc với phía Hàn Quốc nhằm thương lượng và thuyết phục phía bạn ký tiếp thỏa thuận của chương trình.

Cũng theo ông Quỳnh, phía Việt Nam đã có những biện pháp nhằm hạn chế lao động bất hợp pháp và kêu gọi các lao động hết hạn hợp đồng về nước. Tuy nhiên, kết quả còn rất chậm và chưa đạt được như mong muốn của phía bạn.

Trước đó, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thanh Hòa đã có công văn gửi các địa phương yêu cầu ngưng tiếp nhận hồ sơ dự thi tiếng Hàn của 23 xã, phường và thị trấn có từ năm lao động trở lên bỏ trốn ở lại Hàn Quốc khi hết hạn hợp đồng.

Ngoài ra, Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng tổ chức nhiều hội thảo tại những địa phương có nhiều lao động bỏ trốn nhằm thuyết phục gia đình kêu gọi con em họ trở về.

Theo Hồ Văn
Tuổi Trẻ

Theo Đăng lại