“Hai người lính” hội ngộ lịch sử sau 45 năm, Kỳ 4: Chuyện nước mình

TP - Chuyện nước mình, đó là chuyện phân ly đau đớn không chỉ trong chiến tranh mà thôi...
Vẻ nồng nhiệt của các chuyên gia rà phá bom mìn Anh, Mỹ sau khi chứng kiến ba nhân vật của chúng ta giao lưu. (Người bắt tay đứng bên trái là ông Nghĩa).

MUỘN CÒN HƠN KHÔNG

Ba năm trước, tôi đọc trên báo lớn nọ chuyện Hai người lính và việc truy tìm nhân vật trong ảnh. Đến đoạn này thì muốn chảy nước mắt: “Sáng 21/4 ô tô chở đoàn cựu binh đến Long Quang. Phan Tư Kỳ mang ảnh chạy ra đưa đoàn. Hơn 20 người lính C5 chuyền tay, ai cũng nói anh bộ đội quen mặt nhưng không nhớ người nào. Trưa cùng ngày, bức ảnh được những cựu binh này chuyển đi tất cả các ban liên lạc của Trung đoàn 48 tại các tỉnh thành qua đường internet”.

Ở loạt bình luận phía dưới, tôi chú ý dòng viết rằng anh bộ đội trong ảnh còn sống, là lính của trung đội, đại đội, tiểu đoàn nọ. Trong khi bài báo nói đã tìm ra nhân vật nhưng anh mất 6,7 năm rồi.

Lập tức tôi đoán người viết kia chính là anh bộ đội dù chẳng ghi rõ tên tuổi, địa chỉ. Là anh, nhưng không muốn xuất hiện?

Sau đó lần đầu gặp cựu Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnhViệt Nam Chu Chí Thành nhân chuyện bài vở liên quan đến Hội, tôi nói với ông ý nghĩ của mình rằng anh bộ đội chắc còn sống, vậy có tin tức gì ông nhớ báo cho tôi.

Cuối 2015, ông Thành thông báo có một cựu binh tìm đến nhà ông để ôn chuyện chiến trường, ngờ ngợ ông hỏi và người đó nhận mình chính là anh bộ đội trong ảnh!

Thế là tôi viết bài Những tình tiết mới trong bức ảnh “Hai người lính” mà nhiều bạn đọc đã biết. Đó là lần đầu tiên nhân vật bộ đội xuất hiện công khai sau nhiều năm đắn đo.

Gặp Nguyễn Huy Tạo tôi hỏi ông đã thông tin việc mình còn sống dưới bài báo Tuổi Trẻ đúng không. Ông gật đầu.

Sau đó một năm rưỡi, khi tôi cất công tìm được nhân vật còn lại- người lính thủy quân lục chiến, lãnh đạo cơ quan muốn sớm tổ chức hội ngộ cho họ, ở TPHCM sau đó có thể cả Quảng Trị, Hà Nội. Bởi báo cho đây là câu chuyện đầy ý nghĩa, lại kết thúc có hậu một cách bất ngờ. Vả lại cũng để thỏa mong muốn của nhiều bạn đọc- những người gọi đây là “câu chuyện hòa giải hay nhất” họ được đọc được biết.

Chu Chí Thành mong cuộc này đã đành mà Bùi Trọng Nghĩa- “mùa thu nay khác rồi”, nghĩa là không còn phong kín lòng mình như trước.  Lăn tăn hóa ra lại ở Nguyễn Huy Tạo.

Ngay lần đầu tôi gặp vào cuối 2015, ông Tạo dù cởi mở kể kỷ niệm chụp ảnh Hai người lính nhưng vẫn ngần ngại, băn khoăn rằng sự xuất hiện của mình đã hợp thời chưa hay để một thời gian nữa. Và rồi năm ngoái, khi tôi xác quyết với ông: nhân vật còn lại trong ảnh, không nghi ngờ gì nữa, chính là Bùi Trọng Nghĩa, ông vẫn hồ nghi.Tôi nói “vậy càng nên gặp xem có đúng không”.

Ông Tạo nói ông ý thức được giá trị bức ảnh, cũng biết nhiều người quan tâm số phận các nhân vật. Nhưng ông bận đi ngoại tỉnh liên miên với các dự án kinh tế sau khi về hưu. Tôi biết ông không bận đến thế, đến mức khó thu xếp thời gian để câu chuyện Hai người lính khép lại một cách hoàn hảo. Và nói đùa với ông Thành rằng tình hình này khéo chỉ  có Chu Chí Thành và Dương Phương Vinh hội ngộ Bùi Trọng Nghĩa thôi!

Cuộc hạnh ngộ ở Quảng trường Giải phóng  mà cựu du kích Thạnh tả “đi đâu cũng nghe bà con bàn tán”. Từ phải qua: Nhà báo Chu Chí Thành, ông Bùi Trọng Nghĩa, ông Nguyễn Huy Tạo, và MC của chương trình. Ảnh: DPV.

Ông Tạo chưa muốn hội ngộ ngay phần vì lo đồng đội còn sống biết đâu lại không bằng lòng. “Nhưng chính ông kể bạn bè, chiến hữu và gia đình đọc loạt bài Tiền Phong đều không chút phàn nàn, và sau này xem ti vi chương trình ông gặp ông Nghĩa ở Quảng Trị họ đều khen cơ mà?” “Đúng thế, họ thích lắm, nhưng...”.

Hóa ra ông có rất nhiều cái nhưng. Ông muốn tránh cho mọi người, ông e ngại cơ quan đoàn thể làm khó người thân của ông. Rồi ý Đảng lòng dân nữa bởi như ông biết, có chủ trương hòa giải đâu, “thượng tầng” đã thay đổi gì đâu. Vân vân. “Anh ơi, bây giờ mà coi nhẹ hòa hợp mới là lạc hậu đấy. Nhiều năm trước Bộ Ngoại giao đã muốn mang ảnh Hai người lính sang Quận Cam để chứng minh từ năm 1973 đã có chủ trương hòa giải dân tộc. Chu Chí Thành kể như vậy” “Đó là Bộ Ngoại giao. Một số cơ quan khác không biết thế nào”, ông Tạo vẫn phân vân.

Ba nhân vật của chúng ta trước giờ giao lưu ở Quảng trường Giải phóng. Phía sau họ là các chuyên gia rà phá bom mìn của Anh, Mỹ. Ảnh: DPV.

Dù muộn, cuối cùng ba nhân vật của chúng ta đã có cuộc hạnh ngộ mà theo dư luận bà con Quảng Trị thì “hay và lạ quá”. Nguyên Bí thư, Chủ tịch xã Triệu Trạch- Lê Quốc Thạnh thuật lại: “Họ bàn tán mấy hôm liền, khắp nơi” (sau khi chứng kiến trực tiếp hoặc qua ti vi).

 TỪ ĐƯỜNG CHIẾN TRẬN ĐẾN “NHỮNG CON ĐƯỜNG NAM BẮC NỞ HOA”

Ngày 29/12/1972, Mỹ ngừng ném bom Hà Nội. Chưa đầy một tháng, Hội nghị Paris ký kết, hòa bình đã trong tầm tay. Vừa cưới vợ, phóng viên TTXVN Chu Chí Thành lên đường vào Quảng Trị với hai nhiệm vụ: Ghi lại cuộc trao trả tù binh bên sông Thạch Hãn và phản ánh việc thi hành Hiệp định Paris ở tuyến giáp ranh.

Trong chiến tranh ông Thành nhiều lần tới Vĩnh Linh nhưng chưa một lần vượt sông Bến Hải sang bờ Nam. “Việc tiếp xúc thật sự với những người lính Sài Gòn, chụp được bốt gác của họ, khuôn diện của họ, sinh hoạt của họ là công việc hấp dẫn với một phóng viên trẻ như tôi”- ông nói.

Nguyễn Huy Tạo quê gốc Hà Nội nhưng theo cha mẹ sống ở Hải Phòng và Nam Định trước khi tình nguyện vào chiến trường với lý tưởng trong sáng, chiến đấu dũng cảm, bị thương ở đầu và vai nên được ra Hà Nội học ngay trong năm 1973, đi trọn con đường binh nghiệp và định cư Hà Nội từ bấy đến giờ. Còn Bùi Trọng Nghĩa quê gốc Bình Định nhưng ông bà cha mẹ sống ở Sài Gòn từ thập kỷ 20 thế kỷ trước. Lớn lên, mang thân phận đặc biệt hơn mình tưởng, ông đi vào cuộc chiến mà về sau quá mừng khi thoát ra, “lẽ ra xanh cỏ”.

Từ phải qua: Các ông Phan Tư Kỳ, Bùi Trọng Nghĩa, Chu Chí Thành, Nguyễn Huy Tạo, Lê Quốc Thạnh. Ảnh: DPV.

Từ Nam Định, Hà Nội vào và từ Sài Gòn ra- đường chiến trận khiến họ có cuộc gặp định mệnh 45 năm trước tại đất lửa để rồi bây giờ tay bắt mặt mừng. Đến Quảng Trị lần này, nhà báo Thành và người mẫu ảnh Nghĩa chung phòng khách sạn, tha hồ chuyện! Có lúc ông Thành cho biết “Nghĩa vừa kể rất hay về cuộc tháo chạy ở Đà Nẵng tháng 3/1975”. Tôi bảo ông Nghĩa kể tôi nghe với. Nghe xong thấy đúng là “Tháng Ba gẫy súng”. (Tên hồi ký của Cao Xuân Huy- trung úy thủy quân lục chiến). Ông còn kể những chuyện như: hồi đó lính tráng được phát pa-tê ngon lắm nhưng ông “nuốt không nổi, mấy ngày không hết một hộp”. (Vì mất tinh thần). 

Nước mình lạ lắm. Một nhà hai chiến tuyến, lòng người đôi ngả là thường. Như chuyện nhà du kích Chiến trong ảnh Tay bắt mặt mừng- nhân vật kể ở kỳ trước. Cha bà Chiến theo cách mạng, không chịu chỉ hầm cán bộ nên bị tra tấn, bắn chết trong khi hai bác ruột của bà có 5 con trai thì ba anh con bác cả đều đi lính Việt Nam cộng hòa. “Ba anh tội lắm, người tốt. Hồi 1966-1967 mỗi khi các anh về làng là ông thân tôi lại khuyên nhủ, mấy con à, về đây đi cách mạng với chú. Các anh nói con lạy chú, cực như chú tụi con chịu không nổi, chui bờ lủi bụi, mỗi khi lính về chú trốn dưới hầm nhịn ăn hai, ba ngày. Con xin chú cho con đi, con đi lính nhưng không hại ai cả. Năm 1968 ba tôi bị bắn, các anh mang xác về và bảo lãnh để mẹ tôi hàng tháng không phải lên đồn trình diện nữa”.

Ruột thịt của ông Nghĩa cũng có người theo cách mạng. Và ông thực sự mang thân phận “đặc biệt hơn mình tưởng” nhưng đó là chuyện dài chưa định kể lúc này.

Dịp 30/4 năm ngoái, báo nọ nhắc chuyện chỉ nước mình mới có: Thời khắc bàn giao chính quyền trưa 30/4/1975, Tổng thống Dương Văn Minh hỏi “Em trai tôi thế nào”. Em của ông theo phe đối phương.

Vô số giai thoại trong chiến tranh. Vô số khúc bi tráng. Vô số nỗi đau và niềm tiếc nuối, nhất là những cơ hội hòa bình bị bỏ lỡ. Những định kiến, hờn giận, tổn thương cả đời. Sự phức tạp éo le khiến khó xử cả đời...

Hòa giải, hòa hợp hay chẳng bao giờ? Những ai có thể giải đáp điều mà những người như Nguyễn Huy Tạo băn khoăn? Làm thế nào để “những con đường Nam Bắc nở hoa” như lời Trịnh Công Sơn hát lên từ thuở Ca khúc da vàng mấy chục năm trước?

(còn nữa)

____

Kỳ 5: cho cuộc hòa giải một cơ hội

Không bao giờ nghĩ có ngày lại ngồi cà phê ở Thành cổ với một người lính Việt Nam cộng hòa để nói loại chuyện như: Danh thủ Thế Anh, Cao Cường, Quản Trọng Hùng, Nguyễn Trọng Giáp... đá thế nào hồi thập kỷ 80 thế kỷ trước. Ông Nghĩa nói là chính vì ông vốn ham bóng banh. Lúc ấy lại đang không khí cả nước hướng về U23.

Hoặc không hình dung có một ngày, hai nhà báo Bắc kỳ bồn chồn đi lại ở sân bay Phú Bài đón ông Nam kỳ gộc này từ máy bay bước xuống. Người mà trước đó với chúng tôi vô cùng xa lạ. Thậm chí 43,45 năm trước thì là thù nghịch chứ gì? Đời là thế. Nước mình nó thế!

Gặp Nguyễn Huy Tạo, tôi thích nhất lúc ông kể chuyện đồng đội. Hễ nhắc họ là mắt mũi ông lại ầng ậng. Hôm chúng tôi thắp hương ở Đài liệt sĩ Quảng Trị cũng vậy, ông trông vô cùng xúc động như đang chìm đắm trong suy tưởng, nhớ nhung đồng đội.

Lúc đầu tôi tưởng đó là nguyên nhân khiến ông hoãn tới hoãn lui ngày hội ngộ: Vì nhớ thương đồng đội hy sinh, cảm thấy có lỗi nếu vội hân hoan gặp lại “phía bên kia”. Hóa ra không hẳn. Vả lại hòa bình đã mấy chục năm, làm gì còn bên nào với bên nào.