Hai chiến tuyến hội ngộ

TP - Chiến tranh đã lùi xa nhưng ký ức về cuộc chiến giành độc lập của quân và dân Việt Nam vẫn còn hằn sâu trong lòng mỗi người Việt trải qua giai đoạn ấy, trong đó có cả những chiến sĩ không cầm súng. Vũ khí của họ chính là chiếc máy ảnh xông pha nơi lửa đạn để có những tấm hình là chứng nhân lịch sử mà sau này được một phóng viên nước ngoài lấy làm tư liệu cho cuộc triển lãm.

Sau chuyến đi Pháp của nhà báo - nhiếp ảnh Mai Nam do một tổ chức liên hoan ảnh báo chí thế giới của Pháp mời cùng 3 nhà báo chiến trường Việt Nam là Chu Chí Thành, Hứa Kiểm, Đoàn Công Tính. Về Hà Nội ít ngày, ông có buổi gặp mặt số anh em hoạt động báo chí trong nước tại nhà hàng trên đường Tô Hiến Thành, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Buổi gặp mặt thân mật có nhà báo Đinh Quang Thành, Vũ Huyến, Cao Phong, Duy Ngọc, Trần Mạnh Thường, Trần Tuấn, Hà Lộc… Nhà báo Mai Nam nói với tôi,tớ sẽ cung cấp tư liệu chuyến đi để cậu viết bài. Rất tiếc thời gian sau ông đã “đi xa”.

Vào một ngày giữa tháng 5 trời trở lạnh, mưa tầm tã, tôi tìm đến địa chỉ nhà báo, nhiếp ảnh Chu Chí Thành số 17 - ngõ 191 - đường Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội, người đi cùng nhà báo - nhiếp ảnh Mai Nam. Sau tuần trà nóng mới pha, chúng tôi vào chuyện:

Ảnh chiến tranh Việt Nam chưa từng có cơ hội xuất hiện trước công chúng Pháp và Tây Âu trong các kỳ Festival trước. Nhưng lần đó, các nhiếp ảnh gia Pháp đã khám phá ra “những vỉa vàng nhiếp ảnh” ở phía bên kia. Năm 2013, họ quyết định sang Hà Nội tìm kiếm những mảng ảnh “bị lãng quên” đối với phương Tây.

Sức hấp dẫn Triển lãm ảnh Chống Mỹ cứu nước của Việt Nam. Ảnh: Chu Chí Thành

Đầu tiên, nhiếp ảnh gia Patrick Chauvel tiếp xúc với phóng viên ảnh Chu Chí Thành, Thông tấn xã Việt Nam, người mà ông biết qua bài trả lời phỏng vấn và tác phẩm ảnh in trong tập sách ảnh “Đối mặt với B.52”. Khi xem cuốn sách ảnh Ký ức chiến tranh của Chu Chí Thành xuất bản năm 2010, nhìn thấy tấm ảnh trao trả tù binh trên sông Thạch Hãn, Patrick thích thú như gặp lại bạn cũ ở chiến trường, hào hứng nói: “Năm ấy tôi ở bờ Nam sông Thạch Hãn. Ông bán cho tôi những bức ảnh này và ký tên vào ảnh, tôi sẽ treo ở nhà làm kỉ niệm. Ông có thể giới thiệu thêm cho tôi một số nhiếp ảnh gia Việt Nam có các tác phẩm ảnh về chiến tranh được không?”. Ông Thành đồng ý. Sau lần gặp này, Patrick Chauvel, Jean Francois Leroy và các cộng sự lần lượt sang Việt Nam để thực hiện dự án. Họ đã gặp Vũ Ba, Đoàn Công Tính, Hứa Kiểm, Minh Đạo, Ngọc Đản, gia đình liệt sĩ Lương Nghĩa Dũng và một số người khác… Cuối cùng, bộ ảnh chiến tranh của người miền Bắc lần đầu tiên xuất hiện tại Festival này từ 30/8 đến 14/9/2014.

Chiều 5/9/2014 đã diễn ra cuộc trao đổi trực tiếp giữa bốn nhiếp ảnh gia Việt Nam với các đồng nghiệp Pháp và quốc tế tại Cung Hội nghị thành phố trên ngã tư đường Cours Palmrole và Cours M.L de Lassus. Hội trường có khoảng 450 người tham dự. Một nhiếp ảnh gia Pháp lên tiếng: Các ngài có thể cho biết về bản thân và công việc của mình trong chiến tranh?

Nhà báo Mai Nam, người cao tuổi nhất trong đoàn phát biểu: Tôi là người kháng chiến và yêu nghệ thuật nên ảnh của tôi có tính chiến đấu và tính nghệ thuật. Tôi săn tìm những bức hình chân thật có sức hấp dẫn người xem. Tôi là phóng viên ảnh báo Tiền Phong, báo của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, nên ảnh của tôi phần lớn phản ánh các hoạt động của thanh niên trong chiến tranh. Họ là những người trực tiếp tham gia chiến đấu ở tiền tuyến và hậu phương. Các bạn thấy ảnh của tôi nhiều phụ nữ trẻ vì nam giới ra mặt trận, ở hậu phương mọi việc do phụ nữ đảm nhiệm kể cả cầm súng trực tiếp bắn máy bay Mỹ.

Nhà báo Hứa Kiểm, người cao tuổi thứ hai tiếp lời: Tôi vốn là giáo viên văn hóa trong quân đội. Khi Mỹ đánh phá miền Bắc Việt Nam, tôi chuyển sang làm phóng viên ảnh. Năm 1965 tôi được biệt phái sang Thông tấn xã Việt Nam học nghiệp vụ nhiếp ảnh 9 tháng. Bước sang năm 1966, tôi bắt đầu cầm máy ảnh ra chiến trường. Tôi chụp ảnh bộ đội pháo cao xạ, bộ đội tên lửa, không quân đánh trả máy bay Mỹ trên bầu trời miền Bắc, công binh, thanh niên xung phong mở đường Trường Sơn, bộ đội vận tải chuyển vũ khí, đạn dược vào Nam… bằng chiếc máy ảnh Praktica của Cộng hòa dân chủ Đức sản xuất mà các phóng viên ảnh TTXVN được cấp. Do thường xuyên đi chiến trường nên tôi còn được ưu tiên nhận thêm một máy Minonta của Nhật và một Rlleiflex của Đức. Tôi cũng được cấp phim, giấy ảnh, thuốc tráng phim, thuốc làm ảnh mang theo các chuyến công tác. Nhiều khi sau một trận đánh, hay sau một ngày làm việc căng thẳng, chụp được 2-3 cuộn phim, tối đến tôi vào hầm trú ẩn tráng phim in ảnh bằng ngọn đèn dầu hỏa. Sáng hôm sau tôi cho bộ đội xem. Đấy cũng là cách động viên các chiến sĩ hăng hái chiến đấu.

Một Việt kiều hỏi: Theo các ông đây là cuộc nội chiến hay cuộc chiến của hệ tư tưởng cộng sản và tưbản, nótácđộngđến tác phẩm nhiếp ảnh của các ông không?

Nhà báo Đoàn Công Tính trả lời: Sau chiến tranh, rời quân ngũ tôi làm việc tại Cục lưu trữ Trung ương. Khi ở TP Hồ Chí Minh, tôi được xem các văn bản của chính quyền Việt Nam Cộng hòa, trong đó có tuyên bố của Tổng thống Ngô Đình Diệm bác bỏ việc tổng tuyển cử thống nhất Việt Nam theo hiệp định Giơ-ne-vơ. Ông Diệm tuyên bố rằng sẽ không chấp nhận điều khoản này và không tiến hành tổng tuyển cử với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Rồi ông Diệm thỏa thuận để số lượng quân đội Mỹ ở miền Nam Việt Nam ngày càng gia tăng, cho phép họ trực tiếp cầm súng, mở rộng các cuộc hành quân, truy quét, tàn sát đẫm máu người dân Việt Nam, mà nhiếp ảnh hai phía đã ghi được. Đó là bằng chứng cuộc chiến tranh xâm lược do Mỹ tiến hành. Bởi vậy nhân dân cả nước Việt Nam phải đứng lên chống Mỹ.

Các nhà nhiếp ảnh của “Hai chiến tuyến” gặp nhau. Từ trái sang Hứa Kiểm, Đoàn Công Tính, Don McCullin, Patrick Chauvel, Chu Chí Thành, Mai Nam, và Jean Francois Leroy. Ảnh: Đào Thanh Huyền

Một nữ ký giả Pháp hỏi: Các ông có phải là Cộng sản không, lúc đó các ông có điều kiện xem ảnh của phóng viên phương Tây không?

Nhà báo Chu Chí Thành trả lời: Ở đây, có ông Mai Nam không phải là đảng viên Đảng cộng sản. Thời điểm tôi chụp những bức ảnh chiến trường này lúc đó cũng mới chỉ là một thanh niên trẻ vừa tốt nghiệp khoa Ngữ Văn đại học Tổng hợp Hà Nội, nên cũng chưa phải là Đảng viên. Sau chiến tranh, tốt nghiệp cử nhân báo chí ở Cộng hòa dân chủ Đức về nước làm việc mấy năm tôi mới được kết nạp Đảng. Tôi làm việc tại TTXVN nên cũng thường được xem ảnh của các hãng thông tấn AFP, AP, UPI, KIODO… Rất nhiều ảnh của các phóng viên phương Tây được TTXVN khai thác cung cấp cho các báo. Những bức ảnh như Nguyễn Ngọc Loan, giám đốc Tổng nha cảnh sát quốc gia bắn chết người du kích tay đã bị trói ngay trên đường phố Sài Gòn của tác giả Eddie Adams, nhiếp ảnh gia Mỹ, hay ảnh Em bé Napalm của Nick Ut (hãng AFP Mỹ)… có sức mạnh tố cáo tội ác chiến tranh rất lớn. Theo tôi chiến tranh dành cho người lính ngoài mặt trận, còn với các nhiếp ảnh gia chân chính thì dù ở phía nào cũng vậy, chỉ có sự thật là chuẩn mực. Sự thật không phân chia ranh giới.

Màn hình khổng lồ dừng lại ở bức ảnh nhân dân Sài Gòn ùa ra hai bên đường phố đón mừng quân giải phóng của nhà nhiếp ảnh Hứa Kiểm. Cả khán đài đứng lên reo hò hoan hô: Việt Nam! Việt Nam! Việt Nam!

21 giờ 45 phút ngày 4/9/2014, tại khán đài Campo Santo đã diễn ra cuộc trình chiếu những bức ảnh giá trị của Festival. Màn hình dài 17m, rộng 9m được căng lên dưới chân đồi đủ để 1.500 người ngồi trên ghế băng thoai thoải theo triền dốc nhìn rõ từng chi tiết trong ảnh. Thời trung cổ, nơi này đã từng là đấu trường. Tới phần ảnh Việt Nam do ngài Giám đốc Jean Francois Leroy đích thân giới thiệu, cả nghìn người hồ hởi vỗ tay hoan hô. Những bức ảnh đen trắng xuất hiện lần lượt qua các sự kiện: Chống chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền Bắc, mở đường Trường Sơn, các chiến dịch lớn ở Miền Nam, tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968, Đường 9 Nam Lào 71, Mùa hè Quảng Trị rực lửa 1972, Hà Nội-Hải Phòng chiến thắng B.52, Tháng 12 năm 1972, trao trả tù binh mùa xuân năm 1973, và giải phóng Sài Gòn 30/4/1975.

(Dựa trên lời kể của nhà báo, nhiếp ảnh gia Chu Chí Thành)