Hà Tĩnh quyết liệt đề xuất đóng cửa mỏ sắt Thạch Khê, vì sao?

TP - Cho rằng không thể “phiêu lưu” cùng đại dự án trong khi còn tiềm ẩn nhiều rủi ro và thấy không khả thi, tỉnh Hà Tĩnh đã nhiều lần đề nghị dừng khai thác mỏ sắt Thạch Khê và mới đây nhất, ngày 22/2/2021, UBND tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục đề nghị chấm dứt dự án.
Máy móc của đại dự án phơi sương nhiều năm, bị hư hỏng Ảnh: Quang Long

Mỏ sắt Thạch Khê (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) được đánh giá là mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á với trữ lượng khoảng 544 triệu tấn. Dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê do công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê (TIC) làm chủ đầu tư, nằm trên địa bàn 5 xã ven biển của huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh gồm xã Thạch Hải, Thạch Khê, Đỉnh Bàn, Thạch Trị và Thạch Lạc.Số hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp là 4.437 hộ, 18.951 nhân khẩu.

Từ năm 2008 đến năm 2011, chủ đầu tư đã triển khai thực hiện thử nghiệm công nghệ và bóc đất tầng phủ đến độ sâu -34m so với mực nước biển, thu hồi 3 nghìn tấn quặng. Từ năm 2011 đến nay, dự án dừng hoạt động theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 164/TB-VPCP ngày 11/7/2011 của Văn phòng Chính phủ để tái cơ cấu lại cổ đông của Công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê, giải quyết các vấn đề giải phóng mặt bằng, tái định cư cho người dân.

Liên quan đến dự án mỏ sắt Thạch Khê, tỉnh Hà Tĩnh đã có nhiều văn bản báo cáo, kiến nghị lên Trung ương. “Quá trình triển khai còn nhiều bất cập, quy mô dự án rất lớn, vị trí sát biển, thời gian khai thác mỏ dài nhưng các báo cáo, trình tự về đầu tư xây dựng còn sơ sài, đơn giản, nhất là giải pháp kỹ thuật, đảm bảo môi trường, giải pháp huy động vốn”, văn bản số 09/KL-TU ngày 22/12/2016 của Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh nêu. Tiếp đó, ngày 30/12/2016 tỉnh Hà Tĩnh có văn bản số 7278/UBND-CN gửi Chính phủ, báo cáo về một số bất cập của dự án trong dây chuyền công nghệ, tác động đến môi trường cũng như hiệu quả KT-XH, chuyển đổi nghề cho lao động địa phương.

Tại Thông báo kết luận số 72-TB/TW ngày 09/5/2007, Bộ Chính trị yêu cầu việc khai thác mỏ sắt Thạch Khê phải đặc biệt chú ý bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo điều kiện tốt cho sự phát triển bền vững, lâu dài của đất nước.

Mỏ sắt Thạch Khê có vị trí sát biển, điều kiện địa chất thủy văn phức tạp, rủi ro cao khi khai thác mỏ xuống sâu nên đòi hỏi yêu cầu rất cao về giải pháp kỹ thuật và trình độ công nghệ. Trong khi đó, Dự án thực hiện bằng công nghệ khai thác mỏ lộ thiên, đây là công nghệ khai thác truyền thống có tác động lớn đến môi trường và còn có quá nhiều quan ngại không chỉ đối với lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh mà còn lấy ý kiến của các chuyên gia đầu ngành. Các tính toán và giải pháp về ổn định bờ mỏ và thoát nước mỏ khi khai thác xuống độ sâu -145m trong dự án là chưa chắc chắn, chưa an toàn trong trường hợp rủi ro.

Tại báo cáo số 5383/UBND-KT ngày 07/9/2018 gửi Ủy ban Kinh tế Quốc hội, UBND Hà Tĩnh chỉ ra hàng loạt bất cập. Riêng với phương án sử dụng ô tô để vận chuyển trong mỏ, với công suất giai đoạn 1 là 5 triệu tấn/năm nếu vận chuyển tần suất 300 ngày/năm, thì cần 709 chuyến xe/ ngày, cứ 2 phút/chuyến; đồng thời trong mỏ tốc độ đạt khoảng 10km/h sẽ tạo ra lưu lượng xe lưu thông dày đặc. Với dự án giai đoạn 2 đạt 10 triệu tấn/năm thì khối lượng đạt 17 triệu tấn/năm nên phương án vận chuyển ô tô trong mỏ là không khả thi. Mặt khác, dự án chưa thể hiện rõ hệ thống đường giao thông trong mỏ, kể cả dự phòng cứu nạn và giải tỏa ách tắc giao thông.Việc vận chuyển quặng từ mỏ về nơi luyện bằng đường bộ sẽ rất khó khăn; lưu lượng xe lớn, khả năng chịu tải của đường bộ là khó có thể đáp ứng, chất lượng đường nhanh xuống cấp dẫn đến quá tải so với năng lực hạ tầng, dễ gây mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường…

Căn nhà hoang tại xã Đỉnh Bàn, chủ nhà đã tái định cư, nhường đất cho dự án.

Ảnh: Quang Long

UBND tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, việc đánh giá về vấn đề tụt nước ngầm trong báo cáo Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) rất sơ sài, không đề cập đến mức độ, phạm vi ảnh hưởng do tụt nước ngầm của các giai đoạn khai thác, chưa đánh giá được mức độ thiệt hại do tụt nước ngầm gây ra đối với sản xuất, cây cối, hoa màu và sinh hoạt của người dân. Khi mực nước ngầm bị tụt, sự xâm nhập mặn sẽ gia tăng.

Không khả thi thì quyết dừng sớm

UBND Hà Tĩnh nhận định: “Nếu dừng dự án sẽ có ảnh hưởng nhất định đến định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, một số chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội không đạt kế hoạch đề ra; bản thân doanh nghiệp bị tổn thất khoản vốn lớn đã đầu tư vào dự án, làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh và gây khó khăn cho doanh nghiệp...

Tuy nhiên, buộc phải chấp nhận để đảm bảo về vấn đề môi trường và phát triển bền vững”. Đã đến lúc cần phải có quan điểm và quyết định rõ ràng, dứt điểm và cho rằng dự án không khả thi, “UBND tỉnh Hà Tĩnh kính đề nghị sớm xem xét cho dừng (kết thúc) dự án, đồng thời chỉ đạo giải quyết tồn đọng, hoàn trả nguyên trạng, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống của nhân dân”, (báo cáo số 5383/UBND-KT, ngày 07/9/2018 của UBND tỉnh Hà Tĩnh gửi UBKT Quốc hội). Đồng tình với quan điểm của địa phương, năm 2018 Bộ Công Thương có văn bản số 4304/BCT-CN; Bộ TN&MT có văn bản số 4191/BTNMT-TCMT thống nhất dừng dự án để tiếp tục rà soát, đánh giá kỹ các vấn đề địa chất, kỹ thuật khai thác, tác động môi trường, tính khả thi và hiệu quả bền vững của dự án mỏ sắt Thạch Khê.

Ngày 22/2/2021, Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh có văn bản số 1630/UBND-KT1 gửi Bộ KH&ĐT tiếp tục nêu quan điểm của chính quyền địa phương: “Đề nghị Bộ KH&ĐT không nên đưa ra hai phương án lựa chọn (dừng thực hiện dự án và tạm dừng dự án- PV) mà báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ chấm dứt Dự án tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê trước tháng 5/2021”.