>Hà Nội muốn có trường đại học riêng
Cái lý của việc này được diễn giải như sau: Chủ động kế hoạch đào tạo về số lượng, trình độ, chuyên ngành, tiến độ, nhằm đáp ứng cao nhất nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của thủ đô; chủ động chỉ đào tạo những chuyên ngành, bộ môn mang bản sắc, đặc thù của thủ đô (như văn hóa lịch sử Thăng Long- Hà Nội, môi trường, xây dựng và quản lý đô thị Hà Nội, giao thông đô thị) và các ngành trình độ cao, chất lượng cao; chủ động trong tổ chức đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ xã, phường, thị trấn, quận, huyện, thị xã, cán bộ các ngành của thủ đô; xây dựng thành một trường ĐH xứng tầm thủ đô...
Thông tin trên quả là bất ngờ, bởi trên địa bàn Hà Nội hiện đã có khoảng 70 trường đại học và học viện thuộc đầy đủ mọi ngành nghề lĩnh vực khác nhau. Lạ hơn, lẽ nào với gần trăm trường đại học hiện tại, trong đó có cả Đại học quốc gia và nhiều đại học tên tuổi hàng đầu cả nước, lại không cung cấp đủ đội ngũ cán bộ các ngành cho Hà Nội, kể cả “những chuyên ngành, bộ môn mang bản sắc, đặc thù của Thủ đô”, không đáp ứng được “nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô” ? Mà chỉ có nâng cấp một trường cao đẳng lên đại học mới đáp ứng nổi ? Phải chăng Hà Nội vẫn đang thiếu trường đại học ?
Sau khi nghe Hà Nội trình bày, Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Phạm Vũ Luận tỏ ý băn khoăn: “Tôi ủng hộ việc xây dựng một trường ĐH của thủ đô để cung cấp nhân lực trình độ cao. Nhưng với những gì Hà Nội trình bày thì chưa thấy rõ việc này”. Như vậy có thể gián tiếp hiểu rằng, Bộ trưởng Luận đã bác đề nghị thành lập trường ĐH Thủ đô Hà Nội, ít ra là tại thời điểm này.
Hiện cả nước có tới trên 450 trường đại học, hầu hết tỉnh thành nào cũng có, chủ yếu được nâng cấp từ cao đẳng lên. Nhiều trường trong số đó luôn rơi vào tình trạng đỏ mắt tìm sinh viên, đội ngũ giảng viên yếu kém không đủ tiêu chuẩn. Dư luận gọi hiện tượng đó là “loạn đại học”, “bình mới rượu cũ”.
Tư duy địa phương nào cũng phải có bằng được trường đại học của riêng mình là nguyên nhân dẫn đến tình trạng như hiện nay. Chưa ai tính, hàng trăm trường đại học đua nhau mọc lên như nấm trong thời gian qua đã ngốn bao nhiêu tiền của, đất đai của nhà nước và xã hội (cả ĐH công lẫn tư), song chắc chắn đó là một sự lãng phí ghê gớm.
Chúng ta từng chứng kiến hàng loạt phong trào duy ý chí theo kiểu “trăm hoa đua nở” ở nhiều tỉnh thành. Từ nhà máy mía đường, xi măng lò đứng thời trước tới nhà máy bia, nhà máy thép, khu công nghiệp, khu chế xuất và gần đây là cảng biển, cảng hàng không...
Nay lại tới phong trào lập trường đại học, xem ra vẫn chưa đến hồi kết. Đất nước nghèo đi từ chính những phong trào như thế.