Hà Nội thành chảo lửa vì bê tông hóa

TP - Theo nhiều nhà khoa học, Hà Nội đang ngày càng đi xa quy hoạch ban đầu khiến tỷ lệ cây xanh giảm trong khi tỷ lệ bê tông và nhựa hóa tăng. Đây được xem là nguyên nhân trực tiếp khiến Thủ đô mấy ngày qua nóng không thua kém các chảo lửa tự nhiên của Việt Nam.

> Nắng nóng bớt nhưng chưa chấm dứt
> Nắng nóng 41 độ C: Khốn khổ đủ đường

Những ngày qua, Hà Nội nóng trên 40oC. Ảnh: Ngọc Châu.

Người đứng đầu Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp Quốc, bà Christiana Figureres, vừa công bố phát hiện mới nhất khiến giới khoa học toàn cầu giật mình.

Chỉ số khí carbon dioxide (CO2) đã đạt 400 ppm, tương đương 400mg CO2/lít không khí. Đây là mức cao nhất trong lịch sử nhân loại. Hàm lượng này đã “vượt mức lịch sử, đưa Trái đất đi vào một vùng nguy hiểm mới”, bà Figureres nói.

Đã có các cảnh báo các đợt siêu nắng nóng trong tương lai khi Trái đất đi vào “vùng nguy hiểm mới”. Theo đó, khoảng bốn thập kỷ tới, châu Âu và châu Á sẽ trải qua những đợt nắng nóng khủng khiếp, gấp 10 lần đợt nắng nóng kỷ lục năm 2003 được cho là thủ phạm khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng. Dưới tác động của ấm lên toàn cầu, các đợt nắng nóng kỷ lục sẽ xảy ra thường xuyên hơn và với cường độ lớn hơn.

Hà Nội phớt lờ biến đổi khí hậu?

GS.TS Nguyễn Hữu Ninh, chuyên gia về biến đổi khí hậu, nhận định rằng, Hà Nội dường như phớt lờ biến đổi khí hậu, vì thành phố hiện phát triển theo hướng xa rời các tiêu chí xanh.

Bê tông hóa và kính hóa làm tăng nguy cơ hấp thụ nhiệt dưới mặt đất, khiến lớp không khí cách mặt đất 100m đổ lại trở nên nóng hơn, nung nóng mặt đất lâu hơn.

Quá nhiều nhà cao tầng trong khi tỷ lệ không gian rỗng giữa các tòa nhà và trên các tuyến đường ngày càng ít làm cho đối lưu không khí ngày càng bị hạn chế, tạo ra chế độ tiểu khí hậu cục bộ, vừa gây ô nhiễm không khí vừa làm tăng oi bức.

Trong khi đó, diện tích tuyệt đối và tỷ lệ cây xanh, vốn có chức năng hấp thụ cả khí CO2 lẫn hấp thu nhiệt, lại không được đảm bảo, bất chấp quy hoạch được điều chỉnh thường xuyên. Trên nhiều tuyến phố cũ lẫn mới của một Hà Nội mở rộng gấp bốn lần so với trước, chỉ lác đác vài cây con còi cọc, thậm chí không có cây xanh.

Mới đây, tại cuộc họp đóng góp ý kiến dự thảo quy hoạch hệ thống công viên cây xanh cho Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Thế Thảo, thừa nhận: “Tỷ lệ cây xanh mặt nước của Hà Nội, nhất là trong khu đô thị lõi vẫn còn rất thấp, lại phân bố không đồng đều”. Yêu cầu dành diện tích để trồng cây xanh được nhiều người đặt ra, nhưng câu hỏi ai là người thực hiện và thực hiện ra sao thì không thấy ai trả lời.

Theo ông Đỗ Ngọc Hoàng, Giám đốc Cty Công viên Cây xanh Hà Nội, số cây xanh ở 9 quận nội thành chỉ là 45.000, tập trung ở bốn quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng và Đống Đa. Phần còn lại chỉ có rất ít hoặc nếu có thì toàn cây nhỏ chưa đáp ứng tiêu chuẩn cây xanh của đô thị.

Mật độ dân số ở một số quận lớn đến mức diện tích bình quân chỉ đạt 26-31m2/người. Mật độ ấy không đủ cho các hoạt động đi lại, ăn ở, thì lấy đâu chỗ để trồng thêm cây xanh, ông Hoàng nói.

Theo ông Hoàng, nhiều đường phố có vỉa hè hẹp gây khó khăn cho thiết kế và bố trí trồng cây. Vỉa hè luôn bị lấn chiếm, trở thành thánh địa của các gia đình có mặt tiền đường phố. Mạng lưới dây diện, điện thoại, các công trình kiến trúc ngày càng cao, nhà mặt phố có ban công lấn chiếm không gian, càng khiến cây bị xung quang, khiến cây có xu hướng đổ ra lòng đường để lấy ánh nắng. Tán bị lệch càng khiến cây dễ gãy đổ hơn vào mùa mưa bão. Các công trình ngầm được thi công liên tục, lòng đường, vỉa hè bị đào bới thường xuyên, khiến không ít cây sống dở chết dở.

Trường học phải tăng cường biện pháp chống nóng

Sở GD&ĐT Hà Nội vừa yêu cầu các quận, huyện, cơ sở giáo dục thực hiện các biện pháp bảo vệ sức khoẻ học sinh trong những ngày nắng nóng.

Các trường phải tăng cường chống nóng, ngăn ngừa say nắng cho học sinh bằng rèm che nắng, hệ thống quạt, thông gió cho các lớp học; củng cố cơ sở vật chất và đôn đốc thực hiện rửa tay cho các em; thường xuyên tổ chức vệ sinh môi trường; đảm bảo đủ nước uống sạch, nước sinh hoạt, khu vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng.

Tổ chức thời gian sinh hoạt, học tập hợp lý cho học sinh trong những ngày nắng nóng, tránh tổ chức các hoạt động ngoài trời trong giờ cao điểm nắng nóng, hạn chế việc tổ chức cho học sinh tham quan dã ngoại cuối năm học trong các đợt nắng nóng...

Theo Báo giấy