Như đã thông tin, UBND thành phố Hà Nội đang xin ý kiến về xây dựng tờ trình đề nghị xây dựng Nghị quyết ban hành cơ chế hỗ trợ kinh phí cho các Ban Quản lý dự án (QLDA) thành phố, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, báo Hà Nội mới, để thực hiện tinh giản biên chế.
Về cơ sở đề xuất hỗ trợ kinh phí, liên quan đến các Ban QLDA, theo UBND thành phố, từ năm 2016 đến nay, các Ban QLDA đầu tư xây dựng thuộc thành phố Hà Nội đã trải qua 2 đợt sắp xếp tổ chức bộ máy.
Đợt 1, năm 2016, thành phố thành lập 5 Ban QLDA chuyên ngành trên cơ sở hợp nhất 26 Ban QLDA thuộc các sở, ngành thành phố.
Đợt 2, năm 2022, thành phố tổ chức lại 5 ban QLDA chuyên ngành thành 3 Ban. Riêng Ban QLDA đường sắt đô thị Hà Nội là đơn vị đặc thù, không sắp xếp lại.
Theo UBND thành phố, tại cả 2 đợt sắp xếp tổ chức bộ máy, các đơn vị được hợp nhất đều theo nguyên tắc sáp nhập nguyên trạng để ổn định tổ chức, tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, dự án được giao dẫn đến trình độ và kinh nghiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động không đồng đều; còn trường hợp làm việc trái ngành nghề đào tạo; một số Ban có số lượng người lao động quá đông như Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông.
Thành phố cũng nêu, việc tuyển dụng viên chức bị gián đoạn. Đến năm 2020, các Ban QLDA mới thực hiện được công tác tuyển dụng viên chức. Mặc dù quá trình hoạt động đến nay, viên chức đã dần được bố trí phù hợp với vị trí việc làm và năng lực kinh nghiệm, một số đã được đào tạo bổ sung, tuy nhiên chưa triệt để.
Về tài chính, các Ban QLDA chi trả lương cơ bản cho viên chức, người lao động. Một số Ban còn nợ ngân sách để trả lương và nợ cũ trước hợp nhất, sáp nhập và chưa có nguồn để hoàn trả.
Thành phố nêu, Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn nợ 6,233 tỷ đồng và năm 2020 mới trả ngân sách thành phố 233 triệu đồng; Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông nợ khoảng 63 tỷ đồng.
UBND thành phố cũng nêu, các Ban QLDA chuyên ngành là đơn vị sự nghiệp hoạt động trên nguyên tắc tự đảm bảo kinh phí hoạt động thường xuyên và kinh phí được trích theo tỷ lệ trên kế hoạch vốn được giao tại từng thời điểm. Trên thực tế, Ban chưa được tự chủ toàn bộ trong việc sử dụng các nguồn thu do tồn tại của một số quy định pháp luật, cần được sửa đổi.
Ví dụ, Ban không được sử dụng nguồn thu từ việc tổ chức thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để trả lương cho người lao động, chỉ được chi thuê nhân công thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (nếu có) do có sự không đồng nhất theo quy định của Bộ Tài chính.
Quy định đối với chi phí đo đạc xác định diện tích đất phục vụ công tác thu hồi đất cũng chưa rõ ràng, ảnh hưởng đến việc phân bổ kinh phí cho chủ đầu tư và tổ chức được giao nhiệm vụ thực hiện giải phóng mặt bằng… Do vậy, các Ban báo cáo không có nguồn chi trả cho tinh giản biên chế.
Về trường hợp Đài PTTH Hà Nội, UBND thành phố lý giải, đây là đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo chi thường xuyên từ năm 2003. Giai đoạn hiện nay, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ cùng tiện tích của các thiết bị thông minh đã làm thay đổi thói quen xem và nghe phát thanh, truyền hình trên các phương tiện truyền thống dẫn đến nguồn thu từ quảng cáo trên phát thanh và truyền hình bị sụt giảm. Nhiệm vụ chính của Đài là thực hiện tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị của nhà nước và thành phố; nguồn kinh phí được cấp từ ngân sách theo chế độ đặt hàng chỉ đáp ứng 50% nhu cầu chi phí hoạt động. Mặc dù là đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên, nhưng do nguồn thu hạn chế nên không thể bố trí nguồn kinh phí chi trả cho các trường hợp tinh giản biên chế.