Ranh giới sinh tử mong manh
Tôi đến xóm chạy thận ở ngõ 121 Lê Thanh Nghị (phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng) vào đầu giờ chiều. Đây là nơi cư trú của hơn 100 bệnh nhân suy thận phải chạy thận thường xuyên. Những bệnh nhân chạy thận ca chiều đang sửa soạn tới bệnh viện. Họ uể oải, mệt mỏi và luôn né tránh ánh mắt của người lạ. Trên tay họ phình ra những cục u lớn, mềm, chứa toàn máu, gọi là khối phình mạch máu - hệ quả của việc phẫu thuật tạo cầu nối động - tĩnh mạch để phục vụ cho việc lọc máu nhân tạo. Lưu lượng máu lớn hơn ở các cầu nối khiến mạch máu giãn ra theo thời gian và hình thành các khối phình như vậy.
Sau nửa tiếng lang thang, tôi cũng tìm được một bệnh nhân tiếp đón vì hôm nay chưa đến lịch chạy thận. Đó là anh Lê Anh Hùng, 40 tuổi, đã gắn bó với xóm chạy thận hơn 15 năm. Anh bảo, chạy thận khổ đã đành, chăm sóc những cầu nối động - tĩnh mạch còn khổ gấp nhiều lần.
Tôi hỏi, mọi thăng trầm cuộc đời đều trải qua hết rồi, giờ hai bà còn sợ điều gì không? Họ đều bảo sợ nhất là một ngày mà một trong hai chị em “đi” trước, thì người còn lại không biết sống thế nào. “Cái bệnh này chẳng nói trước được điều gì. Hôm nay còn nói chuyện với nhau, mấy hôm sau có khi đã “tiễn” nhau rồi. Nên còn ở với nhau được ngày nào là quý giá ngày đó, cậu ạ”, bà Hòa nói.
“Mấy cái cục u này dễ bị nhiễm trùng lắm, vì bị ống kim chọc vào suốt. Tôi bị hỏng mấy cái rồi nên giờ phải tạo một cái cầu ở động mạch đùi, ngay sát bẹn. Mỗi lần chọc ống kim vào đấy để lọc máu thì đau thôi rồi”, anh Hùng kể.
Chính ra anh Hùng còn khá may mắn. Có những bệnh nhân chỉ tạo được đúng một cầu nối vì mạch máu ở những nơi còn lại quá hẹp, không thể can thiệp được. Nếu cái cầu nối duy nhất đó hỏng thì vô phương cứu chữa. Anh Hùng kể, mới đầu năm nay, xóm chạy thận đã phải tiễn đưa ba bệnh nhân vì lý do này.
"Không thể lọc được máu, những chất độc cứ tích tụ dần lại làm cơ thể họ sưng phù lên, da tím tái, chân tay cứng đờ. Những người con, người cháu chỉ biết nhìn ông bà, cha mẹ của mình ra đi trong sự vật vã, đau đớn mà không thể làm gì. Thế nên mới bảo mấy cái cục u này là mạng sống của chúng tôi đấy", anh Hùng nói.
Ngày chẵn chạy thận, ngày lẻ chạy… bảo vệ
Chuyện mưu sinh, kiếm sống của những bệnh nhân ở xóm chạy thận cũng nhiều cái dở khóc dở cười. Chẳng hạn như bà Nguyễn Thị Thêm (70 tuổi) và Trần Thuý Hòa (56 tuổi), những người đã có thâm niên gần một thập kỷ bán hàng nước trước cổng một bệnh viện gần xóm chạy thận.
Nếu tính tổng chi phí mỗi tháng gồm tiền nhà, tiền điện, tiền thuốc thang, tiền mua dây lọc máu, quả lọc máu… thì một bệnh nhân phải bỏ ra khoảng 5 triệu đồng. Nếu không làm thêm thì rất khó sống. Mà người suy thận chân yếu tay mềm, đâu làm được gì nặng nhọc. Vậy là hai bà rủ nhau ra trước cổng bệnh viện mở hàng nước, dù biết vậy là trái quy định pháp luật. Họ thường bán vào những ngày lẻ trong tuần (thứ 3, 5, 7) vì ngày chẵn phải đi chạy thận. Từ đó, cuộc đời họ có thêm một cái “chạy” nữa: chạy trốn bảo vệ.
“Thực ra chỉ cần đưa tiền cho bảo vệ là được buôn bán yên ổn, nhưng chúng tôi đào đâu ra. Thế nên bán mười bữa thì bị bảo vệ đuổi gần như cả mười. Cứ bị đuổi là tôi với bà Bưởi chạy trối sống trối chết, chạy cả vào trong bệnh viện, leo tít lên tầng ba, tầng bốn nhưng cuối cùng vẫn bị tóm. Có hôm chạy mệt quá, huyết áp tăng, chúng tôi lăn đùng ra đấy, mấy ông bảo vệ sợ quá không đuổi nữa”, bà Thêm kể.
Không thể cứ chạy trốn bảo vệ mãi họ đành bỏ hàng nước vỉa hè, vào trong bệnh viện bán nước lọc cho người nhà bệnh nhân, nhưng cũng chỉ được một thời gian rồi lại bị đuổi đi. Trách ai bây giờ? Họ chấp nhận bỏ hết việc, về lại xóm chạy thận và sống dựa vào sự hỗ trợ của gia đình.
“Phát hiện trên người chúng tôi có mấy vết bầm, con cái cấm không cho chúng tôi đi bán hàng nước nữa. Hai chị em cố được nhưng thôi, vì không muốn làm con cái phải lo lắng nhiều”, bà Hòa nói.
Tình người nơi ngõ hẹp
Đúng ra thì ngõ 121 Lê Thanh Nghị không quá hẹp nếu so với những con ngõ hẹp khác ở phố cổ Hà Nội, phố Khâm Thiên hay những khu “phố mới” ở quận Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm… Vì không gian trong ngõ vẫn đủ cho hai người đi xe máy tránh nhau mà không phải nhăn nhó xuống dắt xe. Thế nhưng nếu xét theo một nghĩa khác, thì hiếm nơi nào tại Hà Nội hẹp được như con ngõ này. Bởi một khi đã dọn vào ở, là chấp nhận gắn chặt cuộc đời mình dưới những mái tôn lụp xụp ấy.
Hiện tại, bà Thêm và bà Hòa vẫn cùng nhau đi chạy thận ở Bệnh viện Quân y 354 (phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, Hà Nội) đều đặn một tuần ba lần. Từ Lê Thanh Nghị, họ bắt hai chuyến xe buýt tới Đội Cấn, rồi lại đi bộ nửa cây số nữa mới đến bệnh viện. Chạy thận xong, lại theo đúng hành trình đó để về được nhà. Với những người già bị suy thận, chừng đó thôi là đủ để rút hết sinh lực trong một ngày của họ. Tiền không có, sức khoẻ cũng không, họ đành gắn bó phần đời còn lại của mình tại xóm chạy thận.
Được cái hai chị em bà Thêm, bà Hòa sống với nhau rất tình cảm dù chẳng máu mủ ruột thịt gì. Họ cùng quê ở Bắc Giang, 15 năm trước tình cờ gặp nhau ở xóm chạy thận này rồi thân thiết đến tận bây giờ. Họ đã cùng đi chạy thận, cùng bán hàng nước, cùng chạy bảo vệ. Chẳng có thứ gì là họ chưa trải qua cùng nhau. Vậy nên, cuộc sống ở xóm chạy thận cũng bớt gập ghềnh và cô đơn.